Quan toà ‘làm tiền’ bị cáo: Báo động với ngành toà án

Pháp luậtThứ Bảy, 20/09/2014 08:00:00 +07:00

(VTC News) – Việc cán bộ VKS và TAND huyện Triệu Sơn bị tố cáo “làm tiền” bị cáo là sự báo động đối với ngành Tòa án.

(VTC News) – Luật sư Nguyễn Phú Thắng cho rằng, việc cán bộ VKS và TAND huyện Triệu Sơn bị tố cáo “làm tiền” bị cáo là sự báo động đối với ngành Tòa án nói riêng và các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung.

Như VTC News đã thông tin, ông Nguyễn Bá Quý ở xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa bị truy tố về tội Cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, phiên toà xét xử ông Quý dự kiến diễn ra vào ngày 4/9 vừa qua đã phải tạm hoãn.

Lý do là vì, ông Quý có đơn tố cáo hành vi sai phạm của những người trực tiếp tiến hành tố tụng, bao gồm: Kiểm sát viên Nguyễn Đình Hà (VKS huyện Triệu Sơn), Chánh án TAND huyện Triệu Sơn Lê Ngọc Hiệp, Thẩm phán Lê Thị Thu và Thư ký tòa án Lê Sỹ Thuần.

Theo tố cáo, các cán bộ VKS và Toà án nói trên đã có hành vi ngăn cản bị cáo Nguyễn Bá Quý mời luật sư bào chữa. Bệnh cạnh đó, các cán bộ này còn doạ dẫm, nhận tiền “chạy án” của ông Quý.

Phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh sự việc trên.

 Luật sư Nguyễn Phú Thắng.

- Trong trường hợp này, đã đủ cơ sở khởi tố vụ án để điều tra về sai phạm của Kiểm sát viên và các cán bộ Toà án huyện Triệu sơn hay chưa?

Theo quan điểm cá nhân tôi, để xác định một hay một số hành vi của một người hay một nhóm người có thỏa mãn dấu hiệu tội phạm hay không thì cần phải cân nhắc, xem xét.

Tuy nhiên sau vụ án hình sự ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và một số vụ án có vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng khác, người dân rất mong việc xác minh và Quyết định khởi tố, Quyết định không khởi tố vụ án hay quyết định hành chính khác cần phải được nhanh chóng ban hành. 

- Nếu nội dung tố cáo của ông Nguyễn Bá Quý là sự thật, các cán bộ Viện kiểm sát, Toà án trong trường hợp này có dấu hiệu phạm vào những tội danh gì, có thể bị xử lý ra sao? 

Thứ nhất, ông Chánh Án, bà Thẩm phán và Thư ký Tòa án đã vi phạm Quy tắc đạo đức ứng xử đối với cán bộ công chức ngành Tòa án. Cụ thể: Các cán bộ, công chức Tòa án này đã phạm vào Điều 2 Quyết định số 1253/2008 của Tòa án nhân dân tối cao. 

Điều 2 của văn bản này quy định những việc mà cán bộ, công chức Tòa án không được làm: Tư vấn cho bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết xét xử vụ án không đúng quy định của pháp luật; Cản trở can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết, xét xử vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình để tác động trái pháp luật đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án. 

Đối với ngành kiểm sát thì cũng có Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cán bộ kiểm sát đó được ban hành với Quyết định 296/2008 của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Thứ hai, các cán bô, công chức Tòa án này đã thực hiện hành vi có dấu hiệu khách quan của “Tội nhận hối lộ”, ngoài ra có thể bị xem xét về “Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án” nằm trong nhóm tội xâm phạm các hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, tính chất mức độ hành vi của mỗi người là khác nhau nên cơ quan chức năng sẽ xem xét và quyết định có hay không việc khởi tố và khởi tố thì với tội danh gì?

Thứ ba, điều đáng lên án nhất ở đây chính là hành vi cản trở ông Nguyễn Bá Quý được mời Luật sư bào chữa. Hành vi này được thực hiện bởi cả 4 công chức Tòa án, Kiểm sát như báo chí phản ánh. 

 TAND huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá. (Ảnh: Lao động)

Việc dụ dỗ, ngăn cản để bị can, bị cáo bỏ ý định mời Luật sư đã có dấu hiệu xâm phạm đến quyền cơ bản của con người theo Hiến chương Liên hợp quốc về quyền con người, xâm phạm quyền cơ bản của Công dân được quy định tại Điều 31 Hiến pháp 2013, vi phạm Điều 58 của Bộ luật tố tụng hình sự, vi phạm nghiêm trọng những hành vi bị nghiêm cấm của Luật, cụ thể Khoản 2, Điều 9 của Luật Luật sư: “Nghiêm cấm cơ quan tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư”, đồng thời vi phạm Điều 27 của Luật luật sư hiện hành.

- Luật sư đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của vụ việc? 

Giá trị cốt lõi làm nên giá trị của người thẩm phán đó là: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”. Tuy nhiên, rõ ràng vụ việc này cho thấy sự báo động đối với ngành Tòa án nói riêng và các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung. Tuy chỉ là những trường hợp cá biệt bị phát hiện những cũng phần nào làm giảm niềm tin của người dân, của những người tham gia tố tụng tới cơ quan cầm cân nảy mực. 

Tôi xin nhắc lại là để xác định bản chất và xử lý những người liên quan trong vụ việc này là không khó. Tuy nhiên, điều muốn nhấn mạnh là hành vi ngăn cản hoạt động nghề nghiệp của Luật sư dù là trực tiếp hay gián tiếp, dù cách này hay cách kia đều là phạm luật, nó góp phần làm chậm lại sự phát triển của một xã hội văn minh, trong đó có văn minh tư pháp.

 
Để xác định bản chất và xử lý những người liên quan trong vụ việc này là không khó. Tuy nhiên, điều muốn nhấn mạnh là hành vi ngăn cản hoạt động nghề nghiệp của Luật sư dù là trực tiếp hay gián tiếp, dù cách này hay cách kia đều là phạm luật.
 
Luật sư là người cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Vậy tại sao những người tiến hành tố tụng trong vụ việc này lại không muốn xác đinh sự thật của vụ án, không muốn Luật sư tham gia?

Theo tôi cân phải lật lại toàn bộ hồ sơ từ giai đoạn điều tra đối với ông Quý để có kết luận đúng đắn khách quan và xác định được bản chất của sự việc. Chắc chắn họ không muốn Luật sư tiếp cận những tài liệu “có vấn đề” trong vụ này.

- Theo Luật sư, có cần phải xem xét lại các vụ án trước đây mà có sự tham gia của các các cán bộ Viện kiểm sát, Toà án nói trên hay không?

Việc đó là cần thiết để xem xét một cách toàn diện “cả cuộc đời cống hiến” của các công chức, cán bộ ngành Tòa, Viện trong vụ việc này. 

Nghề thẩm phán trên thế giới cũng như tại Việt Nam luôn luôn là nghề cao quý, được xã hội nể trọng bởi kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đồng thời thể hiện được lòng dũng cảm, sự vô tư trong hoạt động nghề nghiệp. Nhưng những trường hợp cá biệt này khiến người dân lung lay vào niềm tin công lý, vào người cầm cân nảy mực, làm tiến trình cải cách tư pháp của nước nhà theo tinh thần của Nghị quyết TƯ số 49 bị chậm lại.

Cuối cùng xin mượn lời của một đồngnghiệp : “Ở đâu Luật sư còn bị coi nhẹ thì ở đó luật pháp chưa được thực thi’’.

Xin cảm ơn Luật sư!

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn