Quản nhà công vụ: Cựu quan chức 'tố' thông tư Bộ ‘đè’ luật Chính phủ

Thời sựThứ Ba, 08/04/2014 11:31:00 +07:00

(VTC News) – Một cựu quan chức Chính phủ cho rằng thông tư mới về việc quản lý nhà công vụ của Bộ Xây dựng đã “đè” lên Nghị định Chính phủ ban hành trước đó.

(VTC News) – Một cựu quan chức cho rằng thông tư mới về việc quản lý nhà công vụ của Bộ Xây dựng đã “đè” lên Nghị định Chính phủ ban hành trước đó.

Những bất cập trong quản lý nhà công vụ đã và đang gây ra chuyện thiếu - thừa, thậm chí là hiểu lầm trong dư luận thời gian qua.

Để rộng đường dư luận, phóng viên VTC News đã phỏng vấn ông Nguyễn Thạc Giáp (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc miền núi của Chính phủ), hiện đang ở số nhà 502-B2 thuộc khu nhà công vụ Hoàng Cầu (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội).

- Vừa qua báo chí có đưa tin, hơn 50% cán bộ, công chức đã về hưu thuộc khu nhà công vụ Hoàng Cầu mãi chưa chịu trả lại nhà cho Nhà nước. Là người trong cuộc, thực hư chuyện này ra sao thưa ông?

Ông Nguyễn Thạc Giáp (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc miền núi của Chính phủ)- Ảnh: Minh Quân
Ông Nguyễn Thạc Giáp (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc miền núi của Chính phủ)- Ảnh: Minh Quân  
Gia đình tôi chuyển tới khu nhà này sinh sống vào năm 2000 và đến năm 2002, tôi về hưu. Từ ngày ấy đến giờ, tôi chỉ nhận được 3 văn bản. Văn bản thứ nhất là quyết định điều động của Ban Bí thư trong đó không ghi rõ thời hạn bao nhiêu năm.

Thứ hai là quyết định của văn phòng chính phủ phân cho tôi một căn trong khu nhà công vụ này. Văn bản thứ ba là công văn của Cục quản trị tài vụ (Văn phòng Chính phủ) liên quan tới vấn đề thu tiền nhà, có trích kèm nội dung nghị định 40 của chính phủ, hướng dẫn chi tiết về thi hành luật đất trong đó có mục về nhà công vụ.

Ngoài ra, chúng tôi được dự 2 cuộc họp bàn về việc trả nhà công vụ. Cuộc họp thứ nhất do Văn phòng Chính phủ giao cho Cục quản trị tài vụ triệu tập. Họ đã triệu tập tất cả các đồng chí cán bộ đã về hưu để bàn về vấn đề trả nhà công vụ. Thế nhưng, 4 đồng chí thuộc diện đó, đang ở khu nhà này không được mời trong đó có tôi.

 

Gọi là nhà công vụ nhưng tôi nghĩ nó không phải là nhà công vụ vì nó chỉ có cái vỏ không thôi, buộc chúng tôi phải sắm tất cả tiện nghi khác.


 
Tôi được biết nhiều hộ khác chủ hộ không tới họp mà ủy quyền cho vợ hoặc con cháu tới họp. Sau này, tôi hỏi lại, nhiều anh em phản ánh những người điều hành hội nghị ấy chỉ ghi nhận ý kiến của các hộ còn từ đó đến nay chưa có phản hồi gì cả.

Cuộc họp thứ hai là vào đầu 2014, Văn phòng chính phủ và Bộ Xây dựng triệu tập chúng tôi tới để thông báo quyết định của Thủ tướng về việc chuyển giao khu nhà cho Bộ xây dựng quản lý, nhưng cũng không bàn tới việc thi hành các pháp lệnh về nhà công vụ.

Tại cuộc họp đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết sau tết Nguyên Đán họ sẽ cử người xuống làm việc cụ thể với từng hộ. Nhưng 3 tháng đã trôi qua, chúng tôi vẫn chưa thấy động tĩnh gì cả.

Nói cách khác, đến giờ chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông báo hay quyết định nào về việc trả nhà công vụ cho nhà nước. Ngay cả thông tư 01 có hiệu lực vào 6/3 vừa qua của Bộ Xây dựng, chúng tôi cũng chưa nhìn thấy nội dung ra sao. Họ cũng chưa chuyển thông tư đó xuống cho chúng tôi đọc.

Tóm lại về văn bản thi hành việc thu hồi nhà công vụ, chúng tôi chưa nhận được để nghiên cứu, quán triệt.

Khi đọc các thông tin báo chí phản ánh nhiều ngày qua, chúng tôi rất ngỡ ngàng. Không hiểu các vị làm kiểu gì?

Ngay từ việc giải phóng mặt bằng bao giờ cũng có quyết định, thông báo đến từng hộ liên quan tới vấn đề bồi thường, tái định cư… Sau đó mới xin ý kiến dư luận và cuối cùng mới cưỡng chế. Trong khi đó, chúng tôi chẳng đi được bước nào cả mà đã bị phê phán là trây ỳ, không tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước.

Chúng tôi là những người đã được Đảng, Nhà nước đào tạo, rèn luyện mấy chục năm qua và đều từng là lãnh đạo thuộc tỉnh, ngành, giờ chịu tiếng này, chúng tôi rất đau lòng và không hiểu như thế nào cả.

Giá như họ có thông báo phải trả nhà và trả trong bao nhiêu ngày mà chúng tôi không thi hành thì họ phản ánh sao cũng được, đằng này…

- Được biết, những ngày đầu, khu nhà công vụ này rất sơ sài và các chủ hộ đã phải tự bỏ tiền túi ra trang bị nội thất?

Cận cảnh nội thất xập xệ của một nhà ở khu nhà công vụ Hoàng Cầu
Cận cảnh nội thất xập xệ của một nhà ở khu nhà công vụ Hoàng Cầu  
Khi chúng tôi đến nhận ngôi nhà này, nó chỉ có cái vỏ, cái xác thôi. Trong toilet có thêm cái bình nóng lạnh và tất nhiên nhà có đủ đèn chiếu sáng. Ngoài ra không có gì khác.

Và chúng tôi, có người đầu tư nhiều, có người đầu tư ít đã tự bỏ tiền túi ra trang bị thêm cho căn phòng này. Nhưng chí ít họ cũng đã phải sắm thêm giường chiếu, bàn ghế, tủ, ti vi, quạt… Những nhà có điều kiện hơn thì ốp trần chống nóng hay làm nền gỗ cho căn phòng.

Trong quá trình sử dụng từ đó tới giờ, những thiết bị sẵn có như bệ xí, bồn tắm, nóng lạnh cũng đã hỏng hết rồi và chúng tôi đã phải tân trang tất cả.

- Thế còn chuyện cán bộ đã về hưu nếu có nhu cầu sử dụng vẫn được thuê nhà công vụ?

Đúng thế. Chúng tôi vẫn trả tiền thuê nhà hàng tháng, khoảng trên dưới 300 nghìn đồng/nhà, tùy từng nhà lớn, nhỏ.

 

Không hiểu sao Bộ Xây dựng mới được giao quản lý khu nhà này và trong tết có hứa là sẽ đến làm việc với từng hộ một mà tới giờ chúng tôi vẫn chưa thấy động thái mới nào từ họ


 
Nghị định 90/2006 (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) của Chính phủ có quy định: Trường hợp cán bộ, công chức sử dụng nhà công vụ khó khăn về nhà ở, cơ quan nơi người đó công tác, đơn vị quản lý nhà công vụ phải phối hợp với UBND cấp tỉnh (nơi cán bộ có nhu cầu sinh sống), bố trí cho họ được thuê, mua nhà ở xã hội; hoặc hỗ trợ bằng hình thức khác để họ có nhà ở.

Tuy nhiên, quy định đó chưa được triển khai đã ra đời Thông tư 01 của Bộ Xây dựng. Đáng nói, đến giờ chúng tôi vẫn chưa thấy thông tư đó.

Không hiểu sao Bộ Xây dựng mới được giao quản lý khu nhà này và trong tết có hứa là sẽ đến làm việc với từng hộ một mà tới giờ chúng tôi vẫn chưa thấy động thái mới nào từ họ. Chúng tôi rất bất ngờ khi báo chí rầm rộ đưa tin về vấn đề này.

- Có hay không việc cán bộ đã về hưu muốn nhận được một khoản bồi thường cho những gì họ đã đầu tư vào căn nhà công vụ này trước khi trả lại chúng cho Nhà nước?

Dù chưa được sang Mỹ, Pháp, Anh… nhưng tôi nghe người ta đi về kể chuyện rằng ở bên đó nhà công vụ phải được trang bị đầy đủ hết tiện nghi. Cán bộ được phân nhà chỉ cần xách vali tới ở. Hết nhiệm kỳ công tác, họ rời đi.

Chưa kể ở các nước khác hơn mình là thu nhập của cán bộ cao, họ mua được nhà riêng là chuyện thường nên nhà công vụ được phân họ thích thì đến ở, không thì bỏ hoang.

Tuy nhiên, chúng tôi lương còn chẳng đủ ăn, nuôi con cái nữa thì cực vất vả. Gọi là nhà công vụ nhưng tôi nghĩ nó không phải là nhà công vụ vì nó chỉ có cái vỏ không thôi, buộc chúng tôi phải sắm tất cả tiện nghi khác.

Do vậy, những thứ chúng tôi đã bỏ tiền ra mua sắm, chúng tôi được quyền mang đi như giường, tủ, máy lạnh… Còn những thứ khác như nền nhà đã lát đá rồi chẳng lẽ bóc ra? Hay bệ xí đã hỏng, chúng tôi đã thay mới giờ cũng tháo ra mang đi nốt? Lương tâm không cho chúng tôi làm việc ấy! Vậy thì bằng cách nào đó họ phải hoàn trả cho chúng tôi chứ?

- Ngay chính ông cũng không thể nhớ nổi mình đã đầu tư khoảng bao nhiêu tiền cho căn nhà công vụ của mình. Vậy ông muốn Nhà nước tính sao?
Rất khó để định giá những gì các cán bộ về hưu đã đầu tư cho căn nhà công vụ của họ?
Rất khó để định giá những gì các cán bộ về hưu đã đầu tư cho căn nhà công vụ của họ
Cái này chúng tôi rất thoải mái. Chúng tôi không tính toán thiệt hơn hay quá nặng nề chuyện đó. Nhà nước cứ cho người vào kiểm tra xong ước lượng chứ chúng tôi không phải vì chuyện đó là “trây ỳ” ở lại.

- Ngoài chuyện đền bù, ông còn có mong muốn gì khác?

 

Chúng tôi ý kiến không chỉ vì chúng tôi mà còn vì những thế hệ cán bộ sau này – những người được điều tới đây công tác.


 
Chúng tôi là những cán bộ do Ban Bí thư quản lý mà giờ để chúng tôi ra nông nỗi này thì không hiểu dân sẽ bị đối xử như thế nào?

Ngày xưa khi Văn phòng Chính phủ quản lý, chúng tôi rất phấn khởi vì nếu có chuyện gì có thể phản ánh tới lãnh đạo cấp cao kịp thời, nhưng từ khi khu nhà bị giao cho Bộ Xây dựng quản lý, mọi chuyện đã khác. Tôi thấy phiền lòng quá!

Trước tình hình này, chúng tôi mong muốn được trình bày trực tiếp với đại diện Ban Bí thư.

Chúng tôi ý kiến không chỉ vì chúng tôi mà còn vì những thế hệ cán bộ sau này – những người được điều tới đây công tác. Nếu cứ thế này các đồng chí ấy sợ quá. Các đồng chí ấy đang ở quê hương “ấm” như thế, lên đây chịu cảnh này họ sẽ có suy nghĩ chứ.

Tôi chỉ muốn hỏi lãnh đạo Bộ Xây dựng là Nghị định 90 của Chính phủ còn giá trị không?! Bộ xây dựng là cấp dưới, không thể nào đè lên luật Chính phủ ban hành được!

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quân - Phong Nguyên(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn