Quán kỳ dị rạch nát mặt Thủ đô: Có giấy phép nhưng người khác cầm!

Điều traThứ Năm, 07/04/2016 03:18:00 +07:00

Một quán nhậu có kiến trúc dị biệt “như vết dao lam rạch thẳng vào bộ mặt đô thị” chình ình mọc ra giữa lòng Hà Nội đang khiến dư luận bức xúc.

(VTC News) - Đại diện quán nhậu có kiến trúc dị biệt “như vết dao lam rạch thẳng vào bộ mặt đô thị” chình ình mọc ra giữa lòng Hà Nội trả lời PV báo điện tử VTC News rằng: "Có giấy phép nhưng người khác đang cầm!".

Vụ quán nhậu Lương Sơn Quán có kiến trúc dị biệt “như vết dao lam rạch thẳng vào bộ mặt đô thị” Hà Nội (như VTC News đã phản ánh) đốt nóng công luận những ngày qua và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Quanh vụ việc này, dư luận cho rằng, kiến trúc quán nhậu có nhiều điểm độc đáo, phá cách nhưng đặt trong quy hoạch tổng thể thì rõ ràng đã làm mất mỹ quan đô thị.

Thậm chí, nhiều ý kiến thẳng thắn nhìn nhận, kiến trúc kỳ dị của quán nhậu đã phá nát cảnh quan thành phố, rơm rạ hoá nội đô và nông thôn hoá thành thị.
Quán nhậu dị biệt với những bức tường bị đập phá nham nhở, những bu gà, chum sành, bó củi khô được trang trí nhằm tạo điểm nhấn.
Quán nhậu dị biệt với những bức tường bị đập phá nham nhở, những bu gà, chum sành, bó củi khô được trang trí gây nhiều tranh cãi.  

Chủ quán bận kinh doanh nên chưa tháo dỡ đúng hạn định!

Ngày 4/4, trao đổi về vấn đề kiến trúc kỳ dị của quán nhậu Lương Sơn Quán gây mất mỹ quan tuyến phố, ông Vũ Hồng Sơn (Chủ tịch UBND phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết: “Ngay khi có phản ánh, chúng tôi đã yêu cầu các lực lượng xuống kiểm tra hiện trạng công trình".

“Qua kiểm tra hiện trạng, có một số hạng mục không nằm trong thiết kế, nhiều hạng mục làm mất mỹ quan, làm ảnh hưởng đến mặt tiền của tòa nhà. Chúng tôi đã yêu cầu chủ quán tự tháo dỡ những phần sai phạm.

Ngay sau đó, chủ quán đã chấp hành tháo dỡ cổng, ban công nhô ra, nhiều hạng mục đã được trang trí lại nhưng vẫn chưa xong. Họ đã có văn bản cam kết; đồng thời xin gia hạn thời gian thêm 5 ngày nữa với lý do bận kinh doanh”, ông Sơn nói.

Liên quan các quy định về thủ tục và điều kiện kinh doanh, ông Sơn cho biết thêm: “Giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận VSATTP cơ sở này đã được cấp có thẩm quyền cấp phép".

“Tại thời điểm kiểm tra, do chưa có giấy chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy nên ngày 8/1, phường đã có văn bản đề nghị xử lý và lực lượng PCCC đã ra quyết định xử phạt 7 triệu đồng”, ông Sơn nói thêm.

Ông Hà Anh Tuấn (Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa) cho biết: Ngày 21/3, đoàn kiểm tra liên ngành của quận đã xuống kiểm tra, làm việc với chủ quán Lương Sơn. Đoàn kiểm tra, ngay sau đó đã yêu cầu chủ quán phải lặp đặt hệ thống báo cháy, trong đó, công tác phòng cháy chữa cháy phải được đảm bảo hoàn thành trong tháng 3/2016.

Không chỉ liên quan đến phòng chống cháy nổ, theo ông Tuấn, đoàn kiểm tra còn yêu cầu các lực lượng thanh tra xây dựng “siết” chặt vấn đề giấy phép xây dựng. Trong đó, yêu cầu các hạng mục công trình không nằm trong hồ sơ xây dựng của cơ sở kinh doanh phải được trả lại nguyên trạng trước ngày 23/3.

Theo ông Vũ Quang Vinh (cán bộ Thanh tra xây dựng phường Láng Hạ), Lương Sơn Quán mới bắt đầu kinh doanh từ cuối năm 2015. Trước khi thành quán nhậu, căn nhà số 173 Thái Hà vốn được cho thuê làm trụ sở giao dịch một ngân hàng thương mại.
 
“Trong quá trình tu sửa, có một số hạng mục không có trong thiết kế như cổng, chum, chúng tôi đã yêu cầu chủ quán tháo dỡ ngay lúc đó. Còn những ô cửa được đập thêm ra từ những cửa sổ có sẵn, chỉ phá thêm phẩn tường cho rộng ra, chứ không ảnh hưởng đến kết cấu của tòa nhà”, ông Vinh nói.

Có giấy phép nhưng người khác cầm!

Trao đổi với PV VTC News ngày 4/4, ông Đ.C.S – đại diện Lương Sơn Quán – cho biết, có nhận được thông tin trái chiều từ dư luận về kiến trúc của quán.

Ông này cũng thừa nhận việc Lương Sơn Quán bị xử phạt vì chưa đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy và buộc phải tháo dỡ phần vi phạm trật tự xây dựng.
Lương Sơn Quán bị xử phạt 7 triệu đồng vì kinh doanh khi không đủ điều kiện PCCC.
Lương Sơn Quán bị xử phạt 7 triệu đồng vì kinh doanh khi không đủ điều kiện PCCC.
Liên quan phản ánh của những hộ dân kinh doanh và sống cạnh Lương Sơn Quán, ông S. cho biết, mình có nhận được song không chính thức, mà chủ yếu “họ phàn nàn khi gặp chúng tôi ngoài đường hoặc qua chơi”.

Ông này cũng bày tỏ việc rất khó để không gây ra những ảnh hưởng đối với các hộ dân sống gần Lương Sơn Quán, bởi dù sao đây cũng là quán nhậu. Song, ông S. khẳng định sẽ tìm mọi cách để “bù lại những thiệt hại” mà Lương Sơn Quán gây ra!?. 

Thừa nhận nan giải trong việc tìm chỗ đỗ xe cho khách, ông S. nói: “Đây là khó khăn lớn nhất hiện nay”. Tuy nhiên, ông này cho biết “đang tìm cách khắc phục”.

Trước câu hỏi về kiến trúc Lương Sơn Quán có gây mất mỹ quan tuyến phố, ông S. nói rất khó để “kết luận điều này”, bởi theo ông, sẽ không dễ dàng lượng hóa được “thế nào là mất mỹ quan?”...

Về các thủ tục và điều kiện kinh doanh, ông Đ.C.S cho biết, Lương Sơn Quán đã có đầy đủ. Tuy nhiên, khi PV ngỏ ý được sao lục các văn bản này thì ông S. cho biết": "Tất cả giấy tờ do một người khác cầm, và người này hiện đang đi công tác".

Theo Nghị định 38/2010/NĐ-CP về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, việc xây dựng, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc tại các khu vực cảnh quan trong đô thị đã được chính quyền đô thị xác định quản lý cần hạn chế tối đa việc làm thay đổi địa hình và bảo đảm sự phát triển bền vững của môi trường tự nhiên.

Thế nhưng, những gì đang diễn ra tại quán nhậu Lương Sơn Quán (173 Thái Hà) lại dễ khiến những người yêu Hà Nội lo lắng bởi ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỹ quan đô thị.

Các Sở ban ngành đi đâu hết rồi?

Theo TS.KTS.Nguyễn Khánh Bình (Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng), sự việc trên cần nhìn nhận vấn đề từ 2 phía: Phía quản lý nhà nước và phía nhà đầu tư. 

“Về phía nhà đầu tư, bất kể là cá nhân hoặc doanh nghiệp, họ có quyền làm tất cả những việc mà hệ thống pháp lý của nhà nước không ngăn cấm. Nhà đầu tư của Lương Sơn Quán có quyền thực hiện mọi chiến lược kinh doanh, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu... mà họ cho rằng có thể kéo khách tới đông hơn, từ đó nâng cao lợi nhuận, miễn là những hành động đó nằm trong giới hạn của các hệ thống pháp lý liên quan".

TS.Nguyễn Khánh Bình cũng cho biết: Trên thế giới cũng có rất nhiều ví dụ về kiến trúc kỳ dị của các nhà hàng, khách sạn. Chưa xét đến thẩm mỹ, việc nhà đầu tư xây một nhà hàng với kiến trúc bất kỳ nếu không vi phạm các quy định liên quan đều phải được tôn trọng.

"Việc xây dựng một nhà hàng tại Hà Nội phải trải qua rất nhiều khâu quản lý, cấp phép và phải phù hợp với các văn bản pháp lý liên quan bao gồm quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy chế quản lý về kiến trúc, quy hoạch từ cấp thành phố đến các quận", TS.Bình nói. 

Do đó, TS.Bình nhấn mạnh: "Để một công trình gây nhiều phản ứng tiêu cực từ xã hội được xây dựng và tồn tại, chịu trách nhiệm và phải trả lời đầu tiên là các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hà Nội, Sở Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị của quận - các đơn vị trực tiếp cấp phép và xử lý sai phạm trong xây dựng tại địa phương.

Một điểm quan trọng cần lưu ý là một kiến trúc có thể được coi là đẹp ở vị trí này nếu đặt ở vị trí khác lại là xấu. Ví dụ một ngôi nhà cổ nếu đặt tại phố cổ Hội An sẽ rất đẹp, nhưng nếu đặt tại một tuyến phố Pháp sẽ phá hỏng cảnh quan tổng thể của cả khu. Việc định hình kiến trúc tổng thể của một khu vực đô thị là công việc của cơ quan quản lý nhà nước thông qua kết quả của các nghiên cứu và đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị.

Tóm lại, tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước đang thiếu công cụ quản lý và nếu có thì các công cụ nay không đủ mạnh”, TS.KTS Nguyễn Khánh Bình, nói.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục phản ánh!

Nhóm PV

Bình luận
vtcnews.vn