Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc rút khỏi biên giới tranh chấp

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 12/07/2020 06:57:51 +07:00
(VTC News) -

Các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu rút khỏi khu vưc biên giới tranh chấp sau cuộc đụng độ khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/6.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hôm 10/7 cho biết quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang rút khỏi khu vực tranh chấp kéo dài hàng tháng dọc theo biên giới giữa hai nước, sau cuộc đụng độ khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/6.

“Nhiều việc đang có sự tiến triển”, ông Jaishankar nói, và nhấn mạnh cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đồng ý về sự cần thiết phải rút quân trong bối cảnh binh lính hai nước đã được triển khai rất gần nhau.

Phát biểu của Ngoại trưởng Ấn Độ được đưa ra một ngày sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ nói rằng quân đội đang rút quân theo thỏa thuận của các chỉ huy quân sự giữa hai nước.

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc rút khỏi biên giới tranh chấp - 1

Lính Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu rút khỏi khu vực tranh chấp ở biên giới. (Ảnh: Dnaindia)

Đại sứ Trung Quốc, Sun Weidong cho biết, Ấn Độ và Trung Quốcc nên là đối tác và không phải là đối thủ của nhau. Do đó, hai bên cần xử lý sự khác biệt để đưa mối quan hệ song phương trở lại đúng hướng.

Các quan chức Ấn Độ cho biết, cuộc đụng độ giữa binh lính hai nước đã bắt đầu vào đầu tháng 5. Tình hình trở nên nghiêm trọng khi quân đội hai nước tham gia vào cuộc chiến đấu tay đôi ở thung lũng Galwan.

Ấn Độ cho biết, 20 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ ngày 15/6 và cũng có thương vong bên phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa xác nhận bất kỳ thương vong nào.

Qua hội nghị trực tuyến hôm 9/7, các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao hai nước đã xem xét tiến trình thực hiện trong quá trình rút quân binh lính Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới tranh chấp, được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Đường biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc kéo dài khoảng 3.500 km và trải dài từ Ladakh đến khu vực Sikkim. Ấn Độ và Trung Quốc đã trải qua cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Sau đó, hai nước cũng cố gắng giải quyết tranh chấp biên giới từ đầu những năm 1990, nhưng không thành công.

Kông Anh(Nguồn: ABC News)
Bình luận
vtcnews.vn