Quan chức Trung Quốc ‘học tập’ Tổng thống Mỹ dùng Twitter: ‘Con dao hai lưỡi’?

Thế giớiThứ Hai, 05/08/2019 08:29:00 +07:00

Các nhà ngoại giao Trung Quốc bắt đầu cởi mở hơn với Twitter, rời xa phong cách giao tiếp truyền thống im ắng và tìm cách kết nối trực tiếp với thế giới.

Mặc dù các chính phủ và chính trị gia trên khắp thế giới từ lâu hiểu được giá trị của việc sử dụng Twitter để truyền đạt quan điểm trực tiếp. Nhưng Twitter bị cấm ở Trung Quốc, và các nhà ngoại giao nước này thường ưu tiên sử dụng các kênh truyền thông chính thức và truyền thông nhà nước để truyền tải thông điệp.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể nói là người nổi tiếng nhất trong việc dùng Twitter, lần đầu tiên sử dụng nền tảng này để chỉ trích Trung Quốc, Bắc Kinh thậm chí phàn nàn, thông qua hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, rằng những dòng trạng thái như vậy phá vỡ các giao thức ngoại giao.

twitter-1

 Trang Twitter của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải. 

Nhưng giờ đây, chính các nhà ngoại giao Trung Quốc - từ đại sứ Trung Quốc tại Washington, bắt đầu gia nhập không gian mạng và phản ứng với những chỉ trích của Mỹ và các nước phương Tây với chính sách của Bắc Kinh.

Nhưng dù nhà ngoại giao Trung Quốc cẩn thận về thông điệp trên mạng xã hội đến thế nào, bản chất của nền tảng ứng dụng mạng xã hội vẫn khiến họ đôi khi thấy mình bị lôi kéo vào các cuộc trao đổi, tranh luận không mang tính ngoại giao lắm với những người phê bình.

Ví dụ nổi tiếng nhất liên quan đến Zhao Lijian, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan, người bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi với một cựu quan chức Nhà Trắng về chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương. Sự cố cho thấy những "cạm bẫy" với các nhà ngoại giao Trung Quốc khi sử dụng một phương tiện trực tiếp như Twitter cho mục đích ngoại giao, hay còn được gọi là Twiplomacy.

Theo Guo Lei, phó giáo sư truyền thông tại Đại học Boston, đây là một thông lệ điển hình trên toàn thế giới. "So với các nền tảng truyền thông xã hội khác, Twitter cởi mở và công khai hơn, thường đóng vai trò là nền tảng cho truyền thông chính trị toàn cầu".

Nhưng chuyên gia Guo cảnh báo: "Không phải cứ đơn giản đăng Twitter là họ được lắng nghe, hoặc người nghe sẽ diễn giải những gì họ viết theo cách họ dự định. Mặc dù Twitter tuyên bố là một kênh quốc tế, các nhà lãnh đạo chính trị và truyền thông Mỹ vẫn có ảnh hưởng nhất trên nền tảng này."

Zhan Jiang, cựu giáo sư báo chí tại Bắc Kinh, nói rằng khi các quan chức không được đào tạo bài bản về truyền thông, và không hiểu biết sâu sắc về bối cảnh mà họ đang viết, việc làm của họ có thể phản tác dụng cho dù kỹ năng ngôn ngữ tốt đến đâu.

"Giống như đánh bạc. Trong khi chính quyền có thể muốn các nhà ngoại giao lên tiếng để có tiếng nói lớn hơn trên phương tiện truyền thông xã hội bằng tiếng Anh, thì sẽ rất rủi ro, đặc biệt là theo truyền thống ngoại giao của Trung Quốc.

Không có gì trong chính sách đối ngoại là nhỏ, và nếu họ nói điều gì đó không đúng thì sao? Hay điều gì xảy ra nếu các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh thay đổi suy nghĩ?"

Nhưng việc sử dụng một trang web nổi tiếng ở Mỹ như vậy vẫn có lợi thế từ quan điểm của Bắc Kinh.

Ông Guo nói các nhà ngoại giao Trung Quốc từ lâu đã phàn nàn về cách thức rập khuôn mà truyền thông phương Tây nói về đất nước của họ, và việc sử dụng Twitter cho phép họ gửi thông điệp trực tiếp đến công chúng.

"Trong môi trường thông tin ngày nay, chính trị quốc tế không chỉ là về cạnh tranh quân sự và kinh tế, mà còn về 'câu chuyện' của ai được sự ủng hộ của công chúng nước ngoài", ông Guo nói.

"Chính phủ Trung Quốc luôn muốn kể những câu chuyện của Trung Quốc cho thế giới. Vì vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện diện trên Twitter là một cách quan trọng để làm điều đó."

Một số nhà ngoại giao cũng có thể tham gia trực tiếp vào các nội dung phê bình mà không biến trao đổi thành một cuộc tranh cãi, và tận dụng lợi thế của mạng xã hội này để thể hiện những mặt nhẹ nhàng hơn của cuộc sống Trung Quốc, như xe không người lái hay những con gấu trúc. Dù vậy, Qiao Mu, cựu giáo sư Đại học Nghiên cứu quốc tế Bắc Kinh cho biết các nhà ngoại giao có thể cần sự phê duyệt đặc biệt trước khi nói về chính sách.

Ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, là một trong những quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc tham gia Twitter gần đây, thu hút khoảng 14.000 người theo dõi kể từ tháng Sáu. Các trạng thái gần đây của ông bao gồm nội dung bảo vệ các chính sách của Trung Quốc tại Hong Kong và Đài Loan, lễ kỷ niệm 92 năm của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng như các nội dung cá nhân hơn - chẳng hạn như so sánh thời tiết mùa hè Bắc Kinh với Washington DC.

Nhưng cho đến nay, ông vẫn chưa sử dụng nền tảng này để bình luận trực tiếp về những diễn biến mới nhất trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, sau thông báo của Tổng thống Donald Trump, cũng thông qua Twitter - về việc đánh thuế mới đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn