Quan chức Trung Quốc bất lịch sự từ khi nào?

Thế giớiThứ Hai, 07/07/2014 08:37:00 +07:00

Một tính cách đặc trưng đáng chú ý của giới quan chức Trung Quốc trong các hội nghị quốc tế là họ hay dùng ngôn ngữ khiếm nhã, thậm chí lỗ mãng.

Bài viết China’s “new” language of diplomacy đăng trên Asia Sentinel phân tích ngọn ngành, gốc rễ của phong cách phát ngôn khiếm nhã, bất lịch sự, thậm chí thô lỗ có tính hệ thống của các quan chức chính trị, ngoại giao Trung Quốc trong thời gian gần đây. Tại sao lại như vậy?

Một tính cách đặc trưng đáng chú ý của giới quan chức Trung Quốc trong các hội nghị quốc tế là họ hay dùng ngôn ngữ khiếm nhã, thậm chí lỗ mãng một cách bất bình thường. 
Trở về nước, ông Dương Khiết Trì tuyên bố với báo chí rằng 'sang Việt Nam đơn giản chỉ để trách mắng đồng nhiệm người Việt Nam' 

Đây là thứ ngôn ngữ hoàn toàn không giúp được cho Trung Quốc trong nỗ lực được công nhận là một thành viên văn minh của cộng đồng ngoại giao quốc tế.
Những cử chỉ lễ phép, những ngôn từ tôn trọng người khác dường như biến mất trong các bài diễn văn của các quan chức Trung Quốc trên diễn đàn quốc tế. Mới đây thôi, sau chuyến viếng thăm Việt Nam, ông Dương Khiết Trì - ủy viên quốc vụ viện với thâm niên lâu năm làm chính sách đối ngoại, đã về nước và tuyên bố với báo chí rằng mục tiêu của ông ta đến Việt Nam "đơn giản chỉ là trách mắng (lên lớp) đồng nhiệm người  Việt Nam".
Một bộ phận báo chí Trung Quốc thậm chí còn gọi Việt Nam là “đứa con hoang”. Những bình luận được đưa ra, nhìn nhận có sự căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc xoay quanh vấn đề Hoàng Sa. Ngôn từ được các quan chức Trung Quốc đưa ra rất kẻ cả, bề trên và hỗn xược.
Fang Kecheng – một blogger người Trung Quốc và là thạc sĩ báo chí trường Đại học Peking, vài năm trước đã đếm được số lần phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc phát biểu một cách chính thức rằng người Trung Quốc “đang cảm thấy bị tổn thương” ít nhất là 140 lần, được gây bởi ít nhất 42 quốc gia, kể cả những quốc gia mà sự tổn thương đó xảy đến rất khó hiểu như Iceland và Guatemala cũng như một số tổ chức khác kể từ khi chính quyền Trung Quốc phế truất Quốc dân đảng vào năm 1949.
Cụm từ phản ứng phổ biến nhất là “Sự cố/phát biểu này đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, làm tổn thương nghiêm trọng đến cảm xúc của người dân Trung Quốc và hủy hoại mối quan hệ song phương cơ bản”.
Victor Mair, một nhà ngôn ngữ học viết trên The Language Log tại đại học Pennsylvania, Mỹ, đã quyết định kiểm tra xem các quan chức Trung Quốc thường xuyên dùng cụm từ “làm tổn thương cảm xúc của người dân Trung Quốc” như thế nào trên Google. 
Người Trung Quốc, theo như Mair cho biết, bị tổn thương tổng cộng 17.000 lần cho đến năm 2011. Các quốc gia làm tổn thương Trung Quốc đứng đầu là Nhật với 178 lần, kế đến là Mỹ với 5 lần. Vợ chồng Brad Pitt và Angelina Jolie cũng làm tổn thương người Trung Quốc một số lần đáng kể. Pitt làm tổn thương vì xuất hiện trong một bộ phim liên quan đến Tây Tạng, còn Jolie thì nhầm lẫn giữa việc đạo diễn Lý An là người Đài Loan hay Trung Quốc.
Miệng nói thường xuyên bị tổn thương, nhưng ngược lại, Trung Quốc đã sử dụng ngôn ngữ cứng rắn đối với hàng loạt quốc gia xung quanh Việt Nam, và cụm từ “bị tổn thương” hoàn toàn không hề có trong các bài phát biểu.
Tháng 12 năm ngoái, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra lời công kích đầy ác ý nhắm vào Úc trong buổi nói chuyện với ngoại trưởng Úc Julie Bishop đang được truyền hình trực tiếp. 
Một nhà ngoại giao cao cấp của Úc  mô tả “tai nạn” này như là một bài diễn văn thô thiển nhất ông từng chứng kiến trong suốt 30 năm hoạt động ngoại giao của mình.
Tháng 11/2011, Philippines đã quyết định cấm một quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc tham dự các buổi họp vì có hành vi bất lịch sự. 
Trong biên bản ghi nhớ của Bộ ngoại giao Philippines cho biết nhà ngoại giao Trung Quốc đã phô diễn “một hành động không xứng đáng là nhà ngoại giao”.
Trong hồi ký gần đây của cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết năm 2010 tại Diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội, ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã mất bình tĩnh và tuôn một mạch độc diễn dài 30 phút sau khi các bộ trưởng ASEAN than phiền Trung Quốc đang có hành vi khiêu khích ở biển Đông, gậy nên mối lo ngại trong các nước ASEAN.
Có lúc ông Dương tuyên bố rằng “Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, đơn giản đó là sự thật” – một kiểu tuyên bố cùn, không liên quan gì đến nội dung cần thảo luận.
Cách hành xử thô lỗ, khiếm nhã của các quan chức Trung Quốc ngày nay đang gia tăng  và trở nên thông dụng trên các diễn đàn chính trị và ngoại giao thế giới. 
Mới tháng trước, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, cả thế giới chứng kiến màn phát ngôn thiếu nhân cách phát ra từ miệng của một vị tướng Trung Quốc để đáp trả lời bình luận của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Ông Hagel đưa ra một loạt va chạm trên biển Đông và khuyến cáo Trung Quốc đang có những hành động gây mất ổn định. 
Ông Abe nói về những động thái khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Đông và khuyến cáo các quốc gia phải tôn trọng luật quốc tế. 
Đáp lại, Trung tướng Vương Quán Trung, Phó tổng tham mưu quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc cho rằng những lời lẽ của ông Hagel và Abe là “kỳ quái”. Điều đó cho thấy rõ ràng là vị tướng này cảm thấy không thoải mái trước những sự thật.
Thực tế, ngôn từ bất lịch sự trong ngoại giao của Trung Quốc cũng không có gì mới. Nhiều tài liệu cho thấy từ thế kỷ thứ 15 các hoàng đế Trung Hoa đã sử dụng loại ngôn ngữ xấc xược như một công cụ để đe dọa các nước láng giềng. Ngôn ngữ họ viết cụt lủn giọng nói của họ thì hoàn toàn thiếu sự tôn trọng đối với người nghe.
Một trong những cụm từ các hoàng đế Trung Hoa thích dùng là “Trung Quốc là một nước lớn” và cụm từ này đến nay vẫn đang được ưa thích. 
Ngôn ngữ và văn hóa là truyền thụ. Vì thế, có lẽ cũng không ngạc nhiên lắm khi chứng kiến các quan chức Trung Quốc thích nói từ “nước lớn” như ông Dương Khiết Trì đã  nói trên diễn đàn thế giới.
Để giúp thế giới ngày càng tốt hơn, người ta trông đợi các nhà ngoại giao sẽ dùng ngôn từ lịch sự và bày tỏ sự tôn trọng chứ không phải loại ngôn từ diễn giải ta đây là kẻ bề trên.
Tuy nhiên, ý tưởng đó có vẻ như trở nên quá xa xỉ với nhiều quan chức Trung Quốc. Gần đây, nhiều lần đã có những thông tin cho thấy du khách Trung Quốc bị phản ánh là có hành vi thiếu văn minh khi du lịch nước ngoài và hành vi đó của họ đã làm tổn hại hình ảnh đất nước Trung Quốc.
Tương tự, những ngôn từ thiếu nhân cách, cho dù trong hoàn cảnh nào, được phát ra từ miệng các quan chức Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế chỉ có thể gây tổn hại đến uy thế của đất nước Trung Quốc và những ngôn từ đó chẳng giúp họ chiếm được ưu thế gì trong các cuộc tranh cãi.

Theo Một thế giới
Bình luận
vtcnews.vn