Quan chức Quốc hội: Vì sao sức khoẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước lại không công khai?

Thời sựThứ Hai, 13/11/2017 17:05:00 +07:00

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội băn khoăn việc liên quan sức khoẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước không công khai để người dân biết dẫn tới trên mạng xuất hiện thông tin đồn thổi.

Chiều nay 13/11, đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật An ninh mạng và dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Góp ý dự luật Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng đặt vấn đề có nên xem sức khoẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thông tin bí mật nhà nước hay không.

"Còn nếu xem là bí mật nhà nước thì phải phải thực hiện theo đúng tính chất của bí mật nhà nước, còn không phải thì cần hoàn toàn công khai", ông Dũng nêu ý kiến.

bui dang dung 5

 Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng

"Như vừa rồi liên quan đến sức khoẻ một vị lãnh đạo tại sao không công khai để người dân, bên ngoài được biết mà cứ để trên mạng, ngoài xã hội đồn thổi. Nhân dân và cán bộ đảng viên lo lắng băn khoăn, rất nhiều, chúng ta không nói thôi. Sinh lão bệnh tử là quy luật bình thường, tuổi 60 bệnh tật cũng là lẽ thường. Trừ một số đồng chí biết rất rõ còn cán bộ, đảng viên phần lớn không rõ nên khi về khu phố thì bà con cử tri hỏi, ông bà già hỏi, đi cử tri cũng hỏi, tại sao điều đó không công khai?", ông Dũng băn khoăn.

Vị đại biểu Kiên Giang cũng cho rằng đến khi hình ảnh của vị lãnh đạo xuất hiện rạng ngời, khoẻ mạnh thì ngay lập tức đập tan dư luận.

Bên cạnh đó, vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng tình trạng lạm dụng dấu mật diễn ra phổ biến. 

Đại biểu Dũng dẫn chứng theo căn cứ quy định pháp luật đều xem báo cáo ngân sách nhà nước là tài liệu mật và đều đóng dấu mật mà theo luật thì 10 năm sau mới được "giải mật". Tuy nhiên, ở các quốc gia khác, vấn đề tài chính chính ngân sách là công khai trên mạng, mọi người dân vào mạng đều biết.

"Có một cán bộ ở một cơ quan Quốc hội bị phát hiện có lộ tài liệu mật mà có phải là cố tình làm lộ đâu. Sự thật là ông này phải lưu quá nhiều tài liệu trong suốt thời gian dài đến đầy phòng làm việc nên gọi bà đồng nát vào bán cho gọn phòng thì bị lọt tài liệu mật ra ngoài", vị đại biểu Kiên Giang nói.

Bên cạnh đó, vị đại biểu Kiên Giang cho rằng trước mỗi một kỳ  đại hội, muốn nắm thông tin ra quán trà vỉa hè ngồi hỏi một lúc là người ta nói hết.

"Rõ ràng về mặt tổ chức nhân sự là có chuyện lộ bí mật nhà nước, lộ ở đâu ra, tự chúng ta làm lộ bí mật của chúng ta ra? Luật có điều chỉnh tình trạng này không?", ông Dũng băn khoăn.

Cũng có cùng góc nhìn này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cũng nêu thực tế trong quá trình làm việc ông và nhiều đại biểu khác thường xuyên được tiếp xúc với các tài liệu có đóng dấu mật. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng nhiều tài liệu bị lạm dụng đóng dấu mật.

Vì vậy, vị đại biểu Hà Nội băn khoăn khi đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận, trao đổi, trả lời phỏng vấn mà lộ các thông tin ở văn bản đóng dấu mật thì sẽ bị xử lý như thế nào.

Bên cạnh đó, đại biểu Tuấn cho rằng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước không chỉ liên quan đến thông tin mà còn phải là các nội dung khác. Ông Tuấn lấy ví dụ như toạ độ cụ thể ở đèo Hải Vân là nơi có vị trí chiến lược quan trọng cũng cần được bảo vệ.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn