Quan chức Quốc hội: 'Trình độ tiểu học thì công an xã có lấy lời khai được không?'

Thời sựThứ Hai, 15/08/2016 20:38:00 +07:00

Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã nêu ra nhiều băn khoăn về trình độ của công an xã.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật công an xã, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết đa số ý kiến cho rằng, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tính liên tục trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã như dự thảo Luật, đề nghị bổ sung quy định tiêu chuẩn về trình độ cho từng chức danh khi được tuyển chọn, bổ nhiệm, điều động, công nhận.

Theo đó, Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã phải có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên ngành quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Thượng tướng Lê Quý Vương trình bày tờ trình tại phiên họp (Ảnh: Q.H) 

Dự thảo luật cũng quy định lực lượng công an xã là lực lượng bán chuyên trách. Đồng tình với quy định này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng quy định như vậy sẽ không làm tăng biên chế, còn nếu quy định công an xã là lực lượng chính quy thì với 11.000 xã trong cả nước sẽ tăng biên chế lên quá nhiều.

Về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng dự luật quy định đến 11 điều, từ điều 10 đến điều 20 liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã, như vậy là quá nhiều.

Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đề nghị dự án luật phải ghi rõ về trình độ tuyển chọn công dân vào lực lượng công an xã.

Phan Thanh Binh

 Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình

Ông Phan Thanh Bình cũng băn khoăn: "Trình độ tiểu học thì công an xã có lập biên bản, có lấy lời khai ban đầu được không? Đây là việc cực khó, trình độ như vậy thì làm thế nào được. Phải xét với 11 nhiệm vụ này thì trình độ nào thì làm được?",

Ông Bình cũng cho rằng hiện nay chúng lo ngại nhất trong chính quyền ở xã, ở nông thôn là quan liêu, là ăn hiếp lẫn nhau, đối xử với nhau chưa công bằng. Các anh có quyền là các anh trở thành người không công bằng với người dân khác.

"Khi có quyền lực ở nông thôn thì ông nông dân cũng dễ làm vua. Nên có ràng buộc về trình độ, cũng như giới hạn làm sao để anh ta không lạm dụng quyền hạn của anh ta”, ông Phan Thanh Bình kiến nghị.

Video: Phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội khóa XIII

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn