Quan chức Quốc hội: Tăng lương mà giá cả tăng thì không có ý nghĩa gì

Thời sựThứ Ba, 22/10/2019 12:10:00 +07:00

Ông Bùi Sỹ Lợi đồng tình với đề án tăng lương cơ sở song khẳng định Chính phủ phải điều hành nền kinh tế để tăng lương mà giá cả không tăng.

Chính phủ dự kiến bố trí ngân sách để tăng lương cơ sở năm 2020 lên mức 1,6 triệu đồng một tháng. So với mức hiện tại 1,49 triệu đồng, lương cơ sở sẽ tăng thêm khoảng 110.000 đồng một tháng, tương đương tăng 7%.

Trả lời phỏng vấn VTC News, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá: "Tiến độ sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức bộ máy chính trị theo báo cáo của Bộ Nội vụ là rất chậm và hiệu quả chưa cao. Điều này tác động rất lớn đến vấn đề cải cách chính sách tiền lương"

Ông Lợi khẳng định, bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách không chịu nổi. Và "bộ máy cứ lớn, chúng ta cứ cải cách thì sẽ lạm phát về tiền lương. Về bản chất, tiền lương chi trả theo sức lao động và cân đối cung cầu. Nếu tăng lương mà giá cả tăng lên thì tăng lương không có ý nghĩa gì".

bui sy loi copy

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ chỉ còn hơn 1 năm để thực hiện đề án cải cách tiền lương. Do đó, "Chính phủ cần phải giảm nhẹ biên chế, tinh giản bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhanh chóng chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệmNhà nước giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhiệm vụ gì thì Nhà nước trả tiền dịch vụ công đó", ông Lợi nói.

Theo tính toán, để lấy nguồn tăng lương, Chính phủ sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách Trung Ương cho cải cách tiền lương. Trước thắc mắc, việc tăng lương cơ sở sẽ tăng chi thường xuyên, trong khi Chính phủ lại đang muốn giảm chi thường xuyên, có nảy sinh mâu thuẫn? Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lý giải: 

"Tăng lương cơ sở sẽ tăng chi thường xuyên là đương nhiên. Chính phủ sẽ phải điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để không tăng CPI, và tiếp tục cải cách hành chính, chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì mới có nguồn để cải cách tiền lương, mới giảm được chi hành chính.

Chắc chắn, việc tăng lương sẽ ảnh hưởng đến xây dựng cơ bản và hạ tầng cơ sở.

Nhưng tăng lương là đảm bảo cuộc sống người lao động. Nếu muốn tăng năng suất lao động, thì đầu tư cho tiền lương chính là đầu tư cho phát triển. Tiền lương trong giai đoạn hiện nay, có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tạo năng suất lao động. 

Đầu tư cho người lao động thông qua cải cách tiền lương chính là đầu tư cho phát triển. Chúng ta phải chịu đựng một vài năm để tạo ra động lực phát triển. Chúng ta phải sắp xếp hợp lý bộ máy và xác định được vị trí việc làm. Hiện nay, nhiều cơ quan đơn vị chưa hiểu đúng vị trí việc làm. Vị trí việc làm không chỉ là một nhiệm vụ. Làm một nhiệm vụ đơn giản thì sao hết được thời gian lao động".

Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng nêu thực tế, ngành y tế trong 2 năm cắt giảm 25.000 biên chế, giúp tiết kiệm ngân sách 2.100 tỷ đồng. Do đó, bộ máy nhà nước hơn 300.000 cán bộ không phải là vấn đề lớn mà quan trọng là cần tìm cách "xử lý" khu vực viên chức 2,2 triệu người.

"Có thể có ngành nghề phải giảm, nhưng sẽ có ngành không giảm được do chức năng tăng lên. Vấn đề là phải quyết liệt xử lý các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chúng ta nói lương thấp là nói lương cơ bản và các phụ cấp cơ bản. Nhưng tổng thu nhập của người lao động ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, khu vực viên chức đã cao hơn rồi.

Có thể khi cải cách chính sách tiền lương, toàn bộ phần ngoài lương đưa vào phần cứng. Tự nhiên, sẽ có nhiều ngành, lĩnh vực sẽ không thay đổi so với tiền lương, thu nhập hiện nay. Nên nếu không làm tốt công tác tư tưởng, người ta cảm thấy cải cách tiền lương không có gì lớn. Nhưng về mặt bằng chung của công chức, viên chức, nó sẽ đạt được yêu cầu công bằng và công khai minh bạch hơn. Tinh thần chung là thế".

Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải, cho biết, đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng một tháng.

Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị, Chính phủ cần tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí bằng các hoạt động thực chất, hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn lực cho chi đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển.

Theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ cần thực hiện các bước đi phù hợp, xác định vị trí việc làm, tính chất phức tạp của nghề nghiệp... để chuẩn bị cải cách tiền lương từ năm 2021.

Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn