Quan chức Quốc hội: Lập hội không phải để xin tiền nhà nước

Thời sựThứ Năm, 24/09/2015 04:46:00 +07:00

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẳng thắn cho rằng không phải Hội nào thành lập ra cũng nói đặc thù để xin tiền nhà nước.

(VTC News) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẳng thắn cho rằng không phải Hội nào thành lập ra cũng nói đặc thù để xin tiền nhà nước.

Cho ý kiến vào dự án Luật về Hội tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, những nội dung quy định trong Luật, một mặt phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội.

Nội dung quan trọng nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.


Bên cạnh đó, ông Phan Trung Lý cũng cho rằng nội dung quy định cần đề phòng các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lợi dụng để hình thành các tổ chức đối lập chống phá Đảng và Nhà nước, xâm hại đến an ninhchính trị và trật tự, an toàn xã hội.
 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đề nghị, phải có tiêu chí để phân loại hội để đảm bảo minh bạch.

“Vấn đề hết sức quan trọng là tài chính, khi lập hội, không phải hội nào thành lập ra cũng nói là đặc thù nên để nhà nước cấp kinh phí. Nhưng đặc thù đó cũng phải có tiêu chí, vì nếu không lại diễn ra cơ chế xin cho. Hội này xin được thì hội kia cũng xin được, ông nào cũng muốn néo tí để liên quan ngân sách” – ông Quyền nói.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng cần giảm dần sự bao cấp của nhà nước đối với các hội, xây dựng phương án nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí một phần đối với phần việc do Nhà nước giao cho hội thực hiện.

Góp ý cho dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc thành lập hội vừa qua còn tràn lan, hiệu quả hoạt động không cao, chủ yếu dựa vào kinh phí nhà nước. Dự án luật phải khắc phục được những bất cập hiện nay.

“Luật phải phân loại hội và phải có tiêu chí để phân loại để quản lý thực hiện. Về vấn đề khinh phí thì những tổ chức hội, cấp hội do Đảng, Nhà nước lập ra để hoạt động vì yêu cầu xã hội trong lĩnh vực nào đó thì bảo đảm kinh phí thế nào, loại hội tự nguyện thì tự đảm bảo chi phí hoạt động”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tính đến tháng 12/2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù (28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động phạm vi địa phương).

(Tờ trình dự án Luật về Hội)

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn