Quan chức Quốc hội: 'Dân nói phí chồng phí là đúng'

Thời sựThứ Bảy, 30/05/2015 07:18:00 +07:00

Ngày 29/5, thảo luận về Dự thảo Luật phí và lệ phí, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về nhiều loại phí, lệ phí hiện nay.

(VTC News) - Ngày 29/5, thảo luận về Dự thảo Luật phí và lệ phí, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về nhiều loại phí, lệ phí hiện nay.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho biết trong Dự thảo luật có nhiều loại phí đọc lên thấy rất buồn cười. Thấy cái gì cũng thu được, thu chồng, thu chéo.

“Khi tàu thuyền chạy trên sông thì phải đóng phí luồng lạch. Vào cảng thì lại phải đóng thêm phí cập cảng, phí neo đậu, phí lưu trú. “Nhiều phí quá, đã nộp phí cập cảng rồi thì nên thôi phí neo đậu. Vì người ta vào cảng thì phải neo đậu chứ”, ông Khanh nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Đình Khanh phát biểu ở tổ. Ảnh: An Đăng - TTXVN  
Bên cạnh đó, ông Khanh cũng cho rằng đã sinh ra Bảo hiểm y tế (BHYT) thì phải phòng chống tốt để người dân không bị bệnh, BHYT không mất tiền. Tuy nhiên, quy định bắt dân đóng “phí phòng chống dịch bệnh” là không hợp lý.

“Như thế là “phí chồng phí” rồi còn gì nữa”, vị đại biểu tỉnh Hải Dương khẳng định.

 
Nói phí chồng phí là đúng
Bà Trương Thị Mai
 
Đại biểu Khanh tiếp tục đặt câu hỏi: “Lệ phí cấp biển số nhà cũng thế, quy định không rõ gì cả. Chẳng lẽ tôi bỏ tiền ra làm bảng, kẻ số, đóng vào tường nhà mà cũng bắt tôi phải đóng phí hay sao”.


Theo ông Khanh, người dân đi ô tô, xe máy đều phải đóng phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay các tuyến đường đều BOT hết nên những người sống trong vùng BOT phải “gánh” rất nhiều loại phí.

“Người ta đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng giờ cứ đi ra khỏi nhà là bị phí. Như thế không phí chồng phí thì còn là gì nữa. Chúng ta cần nghiên cứu lấy tiền nhà nước trả cho BOT, chứ nếu không người dân sống ở vùng BOT khổ lắm. Bộ GTVT nói không chồng phí, còn tôi thì tôi khẳng định đó là phí chồng phí”, ông Khanh lên tiếng.
Đại biểu Trương Thị Mai 
Đồng tình với quan điểm này,  Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội bà Trương Thị Mai cũng phải thừa nhận “nói phí chồng phí là đúng”.

Bà Mai cho biết, hiện nay đi đâu cũng thấy dân kêu về phí BOT. Vì vậy, ở  vùng sâu, vùng xa làm BOT hạn chế để người dân không cảm thấy quá khó chịu. Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên giải thích nhưng người dân vẫn không đồng tình.

Nhiều đại biểu cho rằng, không phải cái gì nhà nước làm cũng bắt dân phải đóng góp. Việc thu nhiều khoản phí vô lý sẽ tạo ra bộ máy cồng kềnh, tăng biên chế, sách nhiễu, rất phiền phức cho dân.

Video: Lời hứa của các Bộ trưởng tại phiên chất vấn trước Quốc hội

Nguồn: VTV

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nêu thực tế, ngoài những phí đã được quy định, hiện người dân phải đóng góp rất nhiều quỹ, có khoản tự nguyện thật, có khoản “tự nguyện trong nháy nháy" dẫn đến quyền và nghĩa vụ của người dân nộp phải nộp lớn hơn quy định nhiều. Trong khi luật quản lý sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là chưa có.

Đại biểu Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, luật phí và lệ phí tác động rất lớn đến người dân nên cần lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi. Đặc biệt đã là luật thì không nên có câu quét “trong trường hợp đặc biệt”.

Minh Đức

Bình luận
vtcnews.vn