Quan chức Quốc hội: 18 người phục vụ 1 thí sinh là lãng phí

Giáo dụcThứ Ba, 03/06/2014 05:03:00 +07:00

(VTC News)- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Trịnh Ngọc Thạch cho rằng 18 người chỉ phục vụ 1 thí sinh là lãng phí.

(VTC News)- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch cho rằng 18 người chỉ phục vụ 1 thí sinh là lãng phí.

- Ngày 2/6, ở nhiều hội đồng thi tốt nghiệp THPT môn Sử chỉ có một thí sinh hoặc không có thí sinh lựa chọn môn học này, điều đó phản ánh điều gì thưa ông?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch 
Năm 2014, chúng ta đã cho học sinh lựa chọn các môn thi tốt nghiệp THPT thì không có quyền bắt các em phải thi môn nào. Việc lựa chọn môn thi nào là tùy thuộc vào thí sinh.


Tôi cho rằng cách dạy hiện nay làm học sinh chán Sử, học sinh sợ môn Sử. Ngày xưa tôi rất thích học môn Sử.

Tuy nhiên, cách dạy hiện nay theo kiểu bắt học sinh thuộc lòng các sự kiện khiến các em không thể nhớ hết được. Lịch sử rất gần với chính trị. Nếu học sinh nói sai có khi lại vi phạm về chính trị nên các em không nói được. Vì vậy, các em học sinh rất sợ đưa ra quan điểm.

Vì vậy, theo tôi, ngành giáo dục cần đổi mới cách dạy môn Sử chứ bản thân môn Sử không có gì đáng sợ.

- Năm 2011 đã có hàng nghìn điểm 0 môn Sử nhưng phải chăng hiện nay vẫn chưa có sự đổi mới, thưa ông?

Nói là đổi mới nhưng có thấy đổi mới đâu. Sách giáo khoa vẫn thế, thầy vẫn thế. Nếu học sinh không theo thầy, không theo sách giáo khoa sẽ bị điểm O. Vì vậy, không đổi mới sách giáo khoa, không đổi mới cách dạy của người thầy thì cách học Sử không thay đổi nên học sinh sẽ không chọn môn thi này. Học sinh không chọn là quyền của các em.

Hôm qua (2/6), tôi xe ti vi thấy có trường hợp một thí sinh thi Sử ở hội đồng thi trường THPT Quang Trung (Hà Nội) nhưng có 18 cán bộ phải phục vụ. Điều đó là rất lãng phí.

Vì vậy, cần phải đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, dần dần phải phân cấp, phân quyền cho các địa phương.

- Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT vừa đưa ra nội dung gì mới?

Đề án đổi mới vừa qua mới chỉ là đổi mới chung, chưa nói cụ thể đến đổi mới môn Sử. Trong đó, các môn tập trung dạy về kỹ năng, dạy cách học chứ không chú trọng vào kiến thức. Nếu việc này được thực hiện sẽ đổi mới được một số môn, trong đó có môn Sử.

một thí sinh thi môn Sử
Tại hội đồng thi trường THPT Quang Trung (Hà Nội) chỉ có 1 thí sinh đăng ký thi môn Sử  

- Bản thân môn Sử của Việt Nam có khô khan quá không, thưa ông?


 

Trường hợp một thí sinh thi Sử ở hội đồng thi trường THPT Quang Trung (Hà Nội) nhưng có 18 cán bộ phải phục vụ. Điều đó là rất lãng phí.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch
 
Bản thân môn Sử là môn khô khan. Nếu biết dạy môn này không khô khan nhưng như cách dạy của chúng ta làm cho nó không hấp dẫn.

Hiện nay, chúng ta đang dạy Sử như dạy một môn chính trị. Vì vậy các em không lựa chọn môn Sử là đúng.


- Đổi mới cách dạy môn Sử phải tiến hành như thế nào, thưa ông?

Theo tôi nên dạy Sử theo hướng tạo cho các em tham gia vào sinh hoạt thực tiễn, cho các em đóng vai vào các sự kiện đã qua của dân tộc. Còn dạy như cách chúng ta đang làm như dạy chính trị.
Video cả hội đồng chỉ có 1 thí sinh thi môn Lịch sử:

- Có ý kiến cho rằng, nhiều giáo viên hiện nay không có trình độ nhưng lại đi dạy Sử?

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này có đặt vấn đề đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Trước hết, chúng ta cần đào tại lại phương pháp giảng dạy, đào tạo kiến thức cho các giáo viên.

Do thiếu giáo viên nên thời gian vừa qua có xảy ra hiện tượng chúng ta lấy rất ồ ạt giáo viên dạy Sử, trong đó lại không có các khóa đào tạo cho giáo viên.

- Phải chăng những sinh viên kém mới đi học Sử?


Nói như vậy thì không đúng. Nhưng nếu chúng ta dạy sử kiểu này thì những ai học vẹt, học thuộc lòng thì sau này làm Sử. Tôi thấy có rất nhiều giáo viên Sử nói rất trôi chảy về số liệu nhưng lại không hiểu gì cả. Nhiều khi những nhà ngoại giao nói về Sử lại rất hay. Không phải chuyên Sử mà nói hay đâu.

- Đề Sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có đưa vấn đề liên hệ về biển Đông, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Với cách dạy như hiện nay mà ra đề như thế thì nó không liên quan đến nhau làm cho học sinh không đủ khả năng để làm. Các thầy có thể hiểu nhưng có thể lại đánh đố học sinh.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Đức (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn