Quan chức NATO tuyên bố đã sẵn sàng cho cuộc đối đầu trực tiếp với Nga

Thời sự quốc tếThứ Hai, 30/01/2023 10:34:00 +07:00
(VTC News) -

Ông Rob Bauer - Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO gần đây cho biết liên minh này "sẵn sàng" cho cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

Ông Rob Bauer - Đô đốc Hải quân Hoàng gia Hà Lan nhận định trên kênh truyền hình RTP rằng NATO đang tập trung vào việc tái vũ trang khi cho rằng các mục tiêu chiến lược của Tổng thống Putin vượt ngoài Ukraine và có thể lan sang các nước láng giềng.

Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO - người khuyến khích "nền kinh tế chiến tranh trong thời bình" cho rằng, việc các nước NATO chuyển sản xuất công nghiệp dân sự sang các mục tiêu quân sự có ý nghĩa quan trọng.

Quan chức NATO tuyên bố đã sẵn sàng cho cuộc đối đầu trực tiếp với Nga - 1

Quân đội Mỹ tham gia cuộc tập trận ở căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu ngày 30/7/2022. (Ảnh: AFP)

Quan chức này cho rằng khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022, NATO có một số nhóm tác chiến dọc sườn Đông. Các nhà lãnh đạo của liên minh này đã quyết định thành lập thêm 4 nhóm tác chiến mới ở Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria trong Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 6/2022 ở Madrid.

"Tôi nghĩ đó là thông điệp quan trọng để cho Nga thấy rằng lập trường của chúng tôi đã thay đổi và chúng tôi đã sẵn sàng nếu họ có ý định tiến về phía NATO".

Ông chỉ ra rằng nếu có bất kỳ lằn ranh đỏ nào liên quan đến mối quan hệ giữa Nga và NATO thì đó là khi "Nga vượt qua ranh giới lãnh thổ NATO".

Ông Bauer cho biết, trong những thập kỷ qua, nhiều nước NATO cho rằng họ là bên quyết định khi nào và nơi nào nên triển khai lực lượng nhưng cuộc xung đột ở Ukraine đã thay đổi tình hình. Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự "vào thời điểm mà họ lựa chọn, vì thế chúng tôi phải sẵn sàng hơn", quan chức này cho hay.

Ông cũng khẳng định các đợt vận chuyển vũ khí hiện đại cho Ukraine "không phải sự leo thang căng thẳng". Quan chức NATO cũng cho rằng, Nga và phương Tây đang đối mặt với nhu cầu cần tăng cường sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự, vì thế, các nước NATO cần thảo luận về các ưu tiên sản xuất quân sự. Điều đó tức là "nói về nền kinh tế thời chiến trong thời bình", điều mà ông cho là sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Trung Quốc cảnh báo sự tham gia của NATO vào cuộc xung đột ở Ukraine khiến mối đe dọa của một cuộc Chiến tranh Thế giới mới ở châu Âu gia tăng, Global Times đưa tin ngày 29/1.

Một số nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ gần đây thông báo họ sẽ cung cấp cho Ukraine xe tăng để hỗ trợ các lực lượng của nước này trong cuộc xung đột với Nga.

Mỹ dự kiến sẽ cung cấp thêm 3,75 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong đó bao gồm 50 xe chiến đấu bộ binh Bradley, đưa tổng số hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine lên xấp xỉ 27,2 tỷ USD kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2 năm ngoái.

"Kiev luôn nỗ lực kéo NATO vào cuộc xung đột trực tiếp với quân đội Nga ở Ukraine bởi đây có lẽ là cách duy nhất để Kiev thay đổi tình hình hiện nay. Tuy nhiên, Washington đủ khôn ngoan để không bị Kiev lợi dụng nhưng nước này sẽ tiếp tục sử dụng Kiev để làm suy yếu Moskva", ông Song Zhongping, một chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định với Global Times.

Trong khi đó, ông Wei Dongxu, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh cho rằng quân đội Ukraine có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công tại một số khu vực hiện Nga đang kiểm soát vào cuối mùa đông hoặc không lâu sau đó. Điều này có thể sẽ diễn ra nếu phương Tây cung cấp cho Ukraine tiêm kích F-16, xe tăng chủ lực và tên lửa tầm xa.

Tháng trước, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng các vũ khí mà NATO cung cấp cho Ukraine có thể được coi là "mục tiêu quân sự hợp pháp". Ông cũng đặt câu hỏi rằng liệu các đợt vận chuyển vũ khí của NATO cho Ukraine có được coi là một cuộc tấn công vào Nga hay không.

"Ngày hôm nay, câu hỏi chính được đặt ra là liệu cuộc chiến tranh lai mà NATO tuyên chiến với chúng tôi có được coi là sự tham gia của liên minh này vào cuộc xung đột với Nga hay không? Liệu có thể coi các đợt vận chuyển vũ khí lớn cho Ukraine là cuộc tấn công vào Nga không?".

Nga coi việc các lực lượng của NATO triển khai gần biên giới là một mối đe dọa. Vào tháng 12/2021, Nga đã đề xuất với Mỹ và NATO dự thảo các đảm bảo an ninh, yêu cầu Ukraine bị cấm gia nhập liên minh này và NATO nên rút về biên giới năm 1997 nhưng đề xuất trên đã bị bác bỏ.

Ngày 25/1, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định, cho tới nay Washington không nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy Moskva lên kế hoạch tấn công vào lãnh thổ NATO.

Kiều Anh(VOV.VN ()
Bình luận
vtcnews.vn