Quá nửa tín nhiệm thấp có thể từ chức

Thời sựThứ Hai, 08/09/2014 04:31:00 +07:00

(VTC News) - Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể từ chức.

(VTC News) - Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể từ chức.

Ngày 8/9, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Tín nhiệm thấp có thể từ chức


Tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội tại kỳ họp trước về bổ sung lấy phiếu tín nhiệm làm căn cứ cho bỏ phiếu tín nhiệm, dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội mới nhất đã quy định về đối tượng và hệ quả lấy phiếu tín nhiệm.
Người được lấy phiếu tín nhiệm thấp có thể từ chức
Người được lấy phiếu tín nhiệm thấp có thể từ chức ( Ảnh minh họa: Tuổi trẻ)
Dự thảo mới nhất đã bổ sung một quy định về lấy phiếu tín nhiệm (điều 13) nhưng chỉ quy định đối tượng lấy phiếu, hệ quả của việc lấy phiếu; còn thời điểm, thời hạn trình tự lấy phiếu do Quốc hội quy định cụ thể trong văn bản khác.

Nội dung đáng chú ý trong dự thảo mới là người được lấy phiếu tín nhiệm mà có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức.

Trường hợp không từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu vào đầu kỳ họp để đại biểu Quốc hội dựa vào phiếu đó để ghi nên bỏ phiếu ai thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới tổng hợp được.

“Nếu không có phiếu xin ý kiến thì đại biểu không biết bày tỏ chính kiến thế nào, lại đi vận động nhau thì không phù hợp với điều lệ Đảng", đại biểu Khánh nêu quan điểm.

Ngoài ra, dự thảo Luật tổ chức Quốc hội cũng quy định quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm khi có ý kiến bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể từ chức.

Trong trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội tín nhiệm.

Đại biểu Quốc hội phải có tư duy phản biện

Đại biểu Quốc hội được coi là hạt nhân của Quốc hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội chính là nâng cao chất lượng Đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Đỗ Văn Đương
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Ảnh: Giao thông Vận tải) 
Đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: ĐBQH là nhân vật trung tâm.

“Pháp luật, giám sát, phiên họp có sôi động hay không? Nghị quyết của Quốc hội có chất lượng hay không? đều phụ thuộc vào đại biểu Quốc hội”, ông Đương nêu ý kiến.

Vị đại biểu này cũng đề nghị Đại biểu Quốc hội phải tận tụy gắn với tâm tư nguyện vọng cử tri, có tư duy phản biện độc lập tránh khỏi tác động bên ngoài làm mất tính khách quan, lợi ích nhóm.

Phản biện đi đến tận cùng vấn đề, có chuyên môn về luật pháp giám sát. Đặc biệt phải là chuyên viên cao cấp, trên 15 công tác thực tiễn thì mới giám sát và phản biện được.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nêu rõ: Hiện nay bộ máy công chức đang "cồng kềnh" không kiểm soát đến nơi đến chốn.

Vì vậy Quốc hội phải quyết bộ máy Nhà nước, tức là con người. Theo ông Nam nên quy định tuổi ĐBQH tổi thiếu phải là 25, tối đa là 70 nếu không sẽ không đảm bảo.

Vì Luật hiện hành quy định trên 18 tuổi thì trẻ quá, chưa có kinh nghiệm, trình độ năng lực. Do đó, quy định độ tuổi tối thiểu và tối đa để đảm bảo chất lượng đại biểu trong thực hiện nhiệm vụ đặc thù.

Còn đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng cần bàn kỹ về làm thế nào để chọn đại biểu đủ năng lực, bởi đây là trung tâm của Quốc hội.

Theo bà Nga, Hiến pháp có quy định chung, nhưng không có tiêu chuẩn, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội cũng chưa nhấn mạnh tiêu chuẩn thể hiện sự đặc thù.

Bà Nga kiến nghị: "Nên cân nhắc trong giai đoạn hiện nay ĐBQH phải đạt trình độ nhất định.
Nếu như vậy khó chọn được người có trình độ như mong muốn. Hiện quy định ĐBQH chỉ như công chức nói chung. Giờ cần cụ thể hóa tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội là gì? Quan trọng là phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực".

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn