Qatar phủ nhận mua lại tòa Keangnam Hà Nội: Các chủ nợ nói gì?

Kinh tếThứ Bảy, 16/05/2015 05:00:00 +07:00

QIA lên tiếng phủ nhận việc mua lại tòa Keangnam Landmark 72

(VTC News) - Quỹ đầu tư QIA đã phủ nhận thông tin việc mua lại tòa nhà Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội, khiến các chủ nợ và cổ đông của Keangnam Enterprises không khỏi bức xúc vì đã "dính" phải một "quả lừa" cay đắng.

Quỹ đầu tư Qatar lên tiếng

Theo thông tin trên tờ nhật báo JoongAng Daily ngày 16/5, cơ quan truyền thông của Quỹ đầu tư Qatar đã chính thức gửi email tới tờ nhật báo JoongAng Daily của Hàn Quốc để khẳng định không có bất kỳ sự mua bán nào với Keangnam Enterprises.


Trong email có đoạn viết: "Cơ quan đầu tư của Quỹ đầu tư Qatar đã không cố gắng để mua lại Landmark 72 Tower tại Hà Nội, Việt Nam". "Tất cả các báo cáo ngược lại đều là sai và sẽ bị phủ nhận", QIA nhấn mạnh.

Keangnam Enterprises
"Cơ quan đầu tư của Quỹ đầu tư Qatar đã không cố gắng để mua lại Landmark 72 Tower tại Hà Nội, Việt Nam"
Như vậy việc Quỹ đầu tư Qatar (QIA) đã đồng ý mua lại tòa nhà Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội, Việt Nam thuộc sở hữu của Keangnam Enterprises với mức giá 800 triệu USD lại chỉ là một "quả lừa" ngoạn mục của cháu trai Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Bahn Joo-hyun.

Hiện Bahn Joo-hyun đang giữ vai trò là giám đốc quản lý của chi nhánh công ty bất động sản Colliers International tại New York. Ông ta đã cam kết với các công ty xây dựng và các chủ nợ của Keangnam rằng thỏa thuận mua bán tòa Keangnam Landmark với QIA đang được tiến hành và sẽ sớm được thông qua.

Liên quan tới việc này còn có Ban Ki-sang, cha của Bahn Joo-hyun và cũng là em trai của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ông Ban Ki-sang là một cố vấn cao cấp của Keangnam Enterprises và cũng chính là người đã đề nghị các cổ đông chỉ định công ty bất động sản Colliers International là đại lý độc quyền chào bán tòa nhà Keangnam Landmark 72 vào năm 2013.

Keangnam Enterprises
Ông Bahn Joo-hyun và cha của mình được cho là đã lừa các chủ nợ để tiếp cận với việc mua bán tòa nhà Landmark 72
Chủ nợ và cổ đông ôm "quả lừa" cay đắng

Dư luận đã dấy lên nghi vấn rằng ông Bahn Joo-hyun và cha của mình đã cố ý lừa Keangnam và các chủ nợ để tiếp cận với việc mua bán tòa nhà này. Các chủ nợ không chỉ hỗ trợ thêm tài chính cho Keangnam mà còn nới lỏng một số điều kiện nhờ việc Keangnam đã gửi một số tài liệu cho thấy QIA đã sẵn sàng cho việc đàm phán mua lại toà nhà Landmark 72. Tuy nhiên không ai ngờ rằng đó chỉ là những tài liệu "ảo" do Bahn Joo-huyn sắp đặt.


Các chủ nợ và cổ đông đã thực sự bức xúc với kiểu làm ăn lừa đảo này. Vào ngày 16/5, họ đã đề nghị tòa án thu lại quyền chào bán tòa nhà Landmark 72 của công ty Colliers International bởi người đại diện là ông Bahn đã không hoàn thành đúng nhiệm vụ cũng như không thành thật về quá trình và khả năng của thương vụ này. Tòa án Hàn Quốc đã chấp thuận yêu cầu này ngay sau đó.

Một chủ nợ của Keangnam cho biết: "Chúng tôi đã hỗ trợ tài chính cho Keangnam Enterprises bởi vì chúng tôi tin tưởng rằng quá trình bán lại (tòa nhà Landmark 72) đã diễn ra tốt đẹp". "Chúng tôi sẽ bắt vài người trong số họ phải tự chịu trách nhiệm pháp lý cho những mất mát của chúng tôi", vị chủ nợ nhấn manh.

Tòa nhà Landmark 72, tòa nhà cao nhất Việt Nam được xây dựng vào năm 2011 với tổng chi phí mà Keangnam Enterprises đầu tư là khoảng 1,2 nghìn tỷ won (tức khoảng 1,1 tỷ USD). Sau đó, Keangnam đã phải vật lộn với nợ nần để có thể hoàn trả 530 tỷ won cho các chủ nợ.

Công ty cũng đã quyết định hủy bỏ giá niêm yết trên sàn chứng khoán và chịu sự kiểm soát của các chủ nợ kể từ hồi tháng 3, còn chủ tịch là ông Sung Wan-jong cũng đã tự vẫn trước những nghi án lập quỹ đen và hối lộ tiền cho một số chính khách tên tuổi của Hàn Quốc.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn