PV Power: Phó Tổng giám đốc mất tích, lợi nhuận ‘bốc hơi’ 50%

Kinh tếThứ Sáu, 09/12/2016 12:08:00 +07:00

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), đơn vị vừa mất liên lạc với Phó Tổng giám đốc đã có kết quả kinh doanh không tốt trong năm 2015 khi lợi nhuận “bốc hơi” 50%.

Tối 8/12, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) phát đi thông tin liên quan tới việc Phó Tổng giám đốc Lê Chung Dũng mất tích. Bên cạnh đó, PV Power cho biết công ty đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về Đảng và tiến hành các thủ tục để kỷ luật lao động theo quy định của nội quy lao động Tổng công ty và Luật lao động đối với ông Dũng.

Điều đáng nói, Lê Chung Dũng từng nắm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC). Gần đây, một lãnh đạo cũ của PVC là ông Trịnh Xuân Thanh cũng đã “mất tích”.

Lợi nhuận “bốc hơi” 50%

Gần đây, có 2 vụ lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp mất tích đó là ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC và ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc PVTex, Uỷ viên Hội đồng Thành viên Vinachem.

PV-Power

Lợi nhuận PV Power "bốc hơi" 50%

Trước khi mất tích, cả ông Thanh và ông Duy đều có nhiều sai phạm tại các công ty có liên quan. Vì vậy, sau khi PV Power không liên lạc được với Phó Tổng giám đốc Lê Chung Dũng, tình hình kinh doanh của PV Power cũng được dư luận.

Trong năm gần nhất, PV Power có kết quả kinh doanh kém lạc quá khi lợi nhuận “bốc hơi” 50%. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, lợi nhuận sau thuế 2015 của công ty đạt 1.386 tỷ đồng, giảm 1.375 tỷ đồng, tương ứng 50% so với năm 2014.

Năm 2015, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của PV Power khá tốt khi đạt 5.167 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số 3.738 tỷ đồng năm 2014. Dù vậy, lợi nhuận công ty vẫn giảm sâu. Nguyên nhân là do hoạt động tài chính.

Trong khi doanh thu hoạt động tài chính “lao dốc”, chi phí tài chính lại tăng rất mạnh. Doanh thu hoạt động tài chính của PV Power đạt 523 tỷ đồng, giảm 541 tỷ đồng, tương ứng 51% so với năm 2014. Chi phí tài chính đạt 2.828 tỷ đồng, tăng 1.312 tỷ đồng, tương ứng 87%.

Các chi phí quan trọng khác như chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng tăng vọt cũng góp phần đẩy lợi nhuận giảm sâu. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh từ 399 tỷ đồng năm 2014 lên 989 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng từ 2,7 tỷ đồng lên 17 tỷ đồng.

Thừa tiền vẫn vay nợ khủng

Nhìn vào báo cáo tài chính của PV Power có thể thấy, công ty có nhiều “điểm lạ” trong việc phân bổ nợ vay, nợ cho vay.

Mặc dù có nhiều tiền tới mức mang hàng ngàn tỷ đồng cho vay nhưng PV Power vẫn mạnh tay đi vay nợ. Kết quả là PV Power phải gánh chi phí lãi vay rất lớn. Nguy hiểm hơn, những khoản vay ngoại tệ còn khiến PV Power gánh thêm một chi phí nữa. Đó chính là chênh lệch tỷ giá.

Về khoản cho vay, năm 2013, PV Power đã cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vay 7.000 tỷ đồng. Và cũng chính trong năm 2013, PV Power đi vay gần 29.500 tỷ đồng. Kết quả là công ty phải trả chi phí lãi vay 886 tỷ đồng.

Sang năm 2015, PV Power cho biết EVN đã thanh toán 4.000 tỷ đồng. Dù đã nhận lại 4.000 tỷ đồng từ EVN nhưng PV Power vẫn đẩy mạnh vay mượn. Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng nợ vay của ông lớn dầu khí là 33.725 tỷ đồng, nhiều hơn so với con số 21.774 tỷ đồng vốn góp chủ sở hữu.

Vay nhiều nên PV Power phải trả lãi vay cao. Trong năm 2015, chi phí lãi vay lên tới 864 tỷ đồng, chiếm 31% chi phí tài chính và bằng 62% lợi nhuận sau thuế.

Trong chi phí tài chính, bên cạnh chi phí lãi vay, lỗ tỷ giá chưa thực hiện cũng đang là gánh nặng của PV Power. Chỉ tiêu này lên tới 1.515 tỷ đồng, chiếm 54% chi phí tài chính. Trong tổng 1.515 tỷ đồng, có 1.129 tỷ đồng là lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản vay có gốc ngoại tệ nhận bàn giao từ Tập doàn Dầu khí Việt Nam.

Ngoài ra, PV Power còn phải “gánh” lỗ chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng (239 tỷ đồng), lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện (89 tỷ đồng).

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn