PTT Trương Hoà Bình: 'Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải để doanh nghiệp tự chủ'

Đầu TưThứ Hai, 11/01/2021 19:22:00 +07:00

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải để doanh nghiệp tự chủ, hoạt động hiệu quả, phát triển vốn.

Đến dự hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chiều 11/1, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình mong muốn Ủy ban tiếp tục vai trò kiến tạo để 19 tập đoàn, tổng công ty có thể vươn lên, bảo toàn và phát triển vốn, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Ông đánh giá cao trong năm qua, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp thuộc Ủy ban vẫn đạt được kết quả tích cực, đặc biệt là đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, Ủy ban và các doanh nghiệp đã nỗ lực, phê duyệt nhiều dự án hạ tầng, năng lượng, sản xuất… có ý nghĩa cả về an ninh, quốc phòng, tạo động lực, mang tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế.

PTT Trương Hoà Bình: 'Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải để doanh nghiệp tự chủ' - 1

Một dự án thuộc doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp quản lý mới được khởi công. (Ảnh: EVN)

Theo Phó Thủ tướng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, kinh tế Nhà nước thì thành phần nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn tại Doanh nghiệp.

Ông mong muốn 19 tập đoàn, tổng công ty là những “quả đấm” để phát triển kinh tế. Đồng thời các doanh nghiệp phải kinh doanh để không lỗ kéo dài, phải làm ăn có lãi, lãi trong dài hạn, cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.

“Phải làm sao bảo toàn nhưng cũng phải phát triển được vốn, phải là những cánh chim đầu đàn”, ông nói.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập, đó là việc triển khai một số dự án chưa tốt, việc đánh giá sắp xếp lại doanh nghiệp còn bất cập, cổ phần hóa và thoái vốn còn chậm, chưa phát huy được hết thế mạnh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các vướng mắc bất cập chưa được các cơ quan nhìn nhận đầy đủ, chính xác, căn cơ, dài hạn. Hoạt động của Ủy ban từng bước được định hình nhưng có phần còn chưa nhịp nhàng, còn chưa thống nhất, có tình trạng văn bản qua - lại khiến hoạt động chậm trễ.

Việc tái cơ cấu, đổi mới, sắp xếp đầu tư ngoài ngành còn chưa đạt tiến độ đề ra. Một số doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, chưa theo thông lệ quốc tế.

Phó thủ tướng mong muốn thời gian tới các doanh nghiệp cần chú trọng công tác chuyển đổi số. Bộ máy hoạt động của Ủy ban cần tinh gọn, ưu tiên cán bộ trẻ, có năng lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu tại 19 tổng công ty, bảo toàn và phát triển vốn.

“Cần lấy hiệu quả kinh tế là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Không can thiệp vào công việc theo thẩm quyền của doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự chủ”, ông nói.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho rằng cần chú trọng hiệu lực, hiệu quả, ứng dụng khoa học, công nghệ kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, không để xảy ra thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.

Kết thúc năm 2020, tổng doanh thu của 19 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn ước đạt 767.844 tỷ đồng, bằng 87,36% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 85,72% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế của 19 doanh nghiệp ước đạt 21.068 tỷ đồng, bằng 69,9% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 32,91% so với năm 2019.

Tổng nộp ngân sách của 17/19 doanh nghiệp ước đạt 56.387 tỷ đồng, bằng 112% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 79,3% so với năm 2019.

Tổng tài sản công ty mẹ của 15/19 doanh nghiệp ước đạt 1.543.867 tỷ đồng, tăng 4,59% so với năm 2019. Vốn chủ sở hữu công ty mẹ của 15/17 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 825.595 tỷ, giảm 1,19% so với năm 2019.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn