PISA hủy hoại các nền giáo dục trên thế giới?

Giáo dụcThứ Ba, 20/03/2018 11:57:00 +07:00

Một số học giả trên thế giới gửi tới giám đốc Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), cảnh báo bài kiểm tra này đang hủy hoại các nền giáo dục.

Đây là bức thư do nhóm học giả nổi tiếng thế giới gửi tới TS Andreas Schleicher - giám đốc Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Họ cảnh báo những mặt trái do bài kiểm tra phổ biến này gây ra đối với nền giáo dục.

Nhóm học giả khẳng định chương trình đang nhận được sự quan tâm sát sao từ chính phủ các nước, bộ trưởng giáo dục cùng cơ quan báo chí và được trích dẫn trong hàng loạt báo cáo chính trị.

Vì thế, PISA ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động giáo dục ở nhiều nước. Các quốc gia "đại tu" hệ thống giáo dục nhằm đạt thứ hạng cao. Việc không thể tăng hạng dẫn đến khủng hoảng tại không ít quốc gia, kèm theo đó là những lời kêu gọi từ chức, cải cách sâu rộng theo quy tắc Pisa.

Họ cho rằng sự chú trọng quá đà này là nguyên nhân khiến bảng xếp hạng PISA tác động tiêu cực đến nền giáo dục trên thế giới.

Những giải pháp ngắn hạn để tăng hạng

Nhóm học giả lo lắng PISA góp phần tăng độ phổ biến của bài kiểm tra chuẩn hóa cùng tình trạng giáo dục ngày càng phụ thuộc vào các biện pháp định lượng. Trong khi đó, dạng kiểm tra này vẫn tồn tại nhiều hạn chế và mức độ tin cậy.

PISA huy hoai cac nen giao duc tren the gioi nhu the nao? hinh anh 1

PISA ảnh hưởng lớn tới chính sách giáo dục tại nhiều quốc gia. (Ảnh: SlidePlayer) 

Tại Mỹ, PISA trở thành lời biện hộ chính cho "Race to the Top" -  chương trình cải cách giáo dục gây tranh cãi do cựu Tổng thống Obama đưa ra. Sau khi đạt kết quả thấp tại Pisa, hệ thống giáo dục công lập tăng cường sử dụng các bài thi chuẩn hóa để đánh giá, xếp hạng học sinh, giáo viên và nhà quản lý.

Ngoài ra, PISA cũng ảnh hưởng không tốt tới các chính sách giáo dục khi nhiều nước áp dụng những biện pháp ngắn hạn để leo hạng, mặc dù các nghiên cứu cho thấy cần đến hàng chục năm, thay vì vài ba năm, để những thay đổi trong giáo dục mang lại kết quả.

 Không những thế, PISA chỉ tập trung đánh giá những môn có thể định lượng như Toán, Khoa học, Đọc. Điều này khiến nhiều nền giáo dục lơ là các môn khó đánh giá như Thể dục, Đạo đức, Giáo dục Công dân, Nghệ thuật, từ đó thu hẹp tầm nhìn về chức năng, nhiệm vụ của giáo dục.

Hơn nữa, là chương trình do OECD đưa ra, PISA thiên về vai trò kinh tế của trường trong khi việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ có việc làm không phải là mục tiêu duy nhất của giáo dục. Học sinh còn cần được bồi dưỡng để phát triển cả tài lẫn đức, gánh vác đất nước trong tương lai.

Cải thiện giáo dục và cuộc sống của trẻ em là trách nhiệm thuộc về tổ chức UNESCO và UNICEF. Ngày nay, OECD đang ảnh hưởng tới quyết sách giáo dục tại nhiều nước thông qua bảng xếp hạng học sinh.

Quá trình tổ chức PISA cũng tồn tại vấn đề về mặt tài chính và dính dáng đến lợi nhuận khi liên kết với các công ty đa quốc gia nhằm kiếm tiền từ PISA. Những công ty này cung cấp dịch vụ giáo dục cho trường học tại Mỹ đồng thời lên kế hoạch kiếm lợi từ giáo dục tiểu học ở châu Phi - nơi OECD dự định tổ chức đánh giá học sinh.

PISA huy hoai cac nen giao duc tren the gioi nhu the nao? hinh anh 2

Kết quả đánh giá học sinh quốc tế năm 2015 ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh chụp màn hình) 

Nhóm học giả nhận định PISA đang gây hại cho thế hệ trẻ, khiến lớp học trở nên nghèo nàn vì nó chủ yếu dựa trên bài kiểm tra trắc nghiệm, những bài học với nội dung cố định, cứng nhắc. Cùng với đó, nó gia tăng áp lực lên trường học, ảnh hưởng phúc lợi của giáo viên và học sinh.

Theo họ, những ảnh hưởng do PISA gây ra trái ngược hoàn toàn với những nguyên lý của nền giáo dục tốt đang được công nhận rộng rãi như tính toán diện trong đánh giá hay cần đề cập đến sự chênh lệch kinh tế - xã hội giữa các quốc gia. 

Đừng để PISA giết chết niềm vui học tập

Bên cạnh việc chỉ ra những tồn tại của bảng xếp hạng Pisa, nhóm học giả cũng đề xuất một số gợi ý nhằm giải quyết phần nào những băn khoăn trên. Đương nhiên, không giải pháp nào triệt để, nhưng họ tin ít nhất, những ý kiến này có thể chứng minh rằng chất lượng dạy - học có thể được cải thiện mà không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực như hiện nay.

Trong đó, họ cho rằng cần phát triển giải pháp thay thế bảng xếp hạng, đánh giá giáo dục ít cảm tính hơn.

Ngoài ra, việc đánh giá này không chỉ phụ thuộc vào các nhà đo lường, thống kê hay nhà kinh tế học mà còn cần có sự tham gia đóng góp, thảo luận ở các cấp độ từ phụ huynh, nhà giáo dục, lãnh đạo, học sinh, học giả các ngành nhân học, xã hội học, lịch sử, triết học, ngôn ngữ học, nghệ thuật và nhân văn.

Những nhóm này cần thảo luận về việc đánh giá học sinh 15 tuổi ở cấp độ địa phương, quốc gia và thế giới.

Các tổ chức quốc gia, quốc tế cùng tham gia xây dựng phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá, đề cập đến yếu tố sức khỏe, phát triển con người, phúc lợi, hạnh phúc của học sinh, giáo viên chứ không chỉ ở khía cạnh kinh tế.

PISA huy hoai cac nen giao duc tren the gioi nhu the nao? hinh anh 3

Học sinh Việt Nam tham gia bài đánh giá PISA. (Ảnh: THPT Đào Duy Từ) 

OECD cũng cần công khai chi phí trực tiếp, gián tiếp trong quá trình tổ chức PISA để các nước thành viên nắm được hàng triệu USD được sử dụng như thế nào và quyết định liệu có nên tham gia chương trình không.

Quá trình đánh giá cũng cần được giám sát bởi các nhóm giám sát độc lập nhằm đảm bảo sự công bằng, khách quan trong việc soạn thảo bài thi, thống kê và chấm điểm. 

Phía tổ chức nên cung cấp chi tiết về vai trò của các công ty tư nhân trong việc chuẩn bị, tiến hành và theo dõi đánh giá PISA nhằm tránh xung đột lợi ích. 

Khoảng cách giữa các cuộc đánh giá cần được kéo giãn để có thời gian thảo luận về các vấn đề đề cập trên đây ở cấp độ vùng, quốc gia, quốc tế, OECD nên xem xét bỏ qua bài đánh giá sắp tới.

Nhóm học giả tin tưởng các chuyên gia PISA đều mong muốn cải thiện nền giáo dục thế giới nhưng không đồng tình để OECD lại trở thành trọng tài cao nhất về ý nghĩa và mục tiêu của giáo dục toàn cầu.

Theo họ, việc chỉ tập trung vào những bài thi chuẩn hóa sẽ biến học tập thành nhiệm vụ nặng nề, giết chết niềm vui học hành. Vì PISA đẩy các chính phủ vào cuộc đua quốc tế nhằm giành điểm cao nhất. OECD bỗng dưng nắm quyền năng định hình chính sách giáo dục trên thế giới, thiếu các cuộc tranh cãi về sự cần thiết cũng như hạn chế trong mục tiêu của OECD.

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc việc đánh giá tính đa dạng trong văn hóa, truyền thống giáo dục mà chỉ sử dụng biện pháp đơn lẻ, hạn hẹp, thiên lệch sẽ gây tác hại khôn lường cho trường học và học sinh", thư viết.

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) là cuộc khảo sát do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện 3 năm một lần để đánh giá về hệ thống giáo dục trên toàn thế giới thông qua việc kiểm tra kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi.

Việt Nam vắng bóng trên bảng xếp hạng đại học của Times Higher Education là nỗi buồn đối với giáo dục đại học.

Video: Những phụ huynh dũng cảm 'gây sóng' giáo dục năm 2017

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn