Phút trải lòng của vị trưởng thôn thu lại tiền cứu trợ lũ lụt người dân

Thời sựThứ Năm, 27/10/2016 16:30:00 +07:00

“Sau khi thu lại tiền chúng tôi sẽ cân đối và chia đều cho từng hộ gia đình chứ không phải thu rồi bỏ vào túi riêng của chúng tôi”, trưởng thôn Trung Thôn trải lòng sau sự cố.

Những ngày qua, câu chuyện về một số cán bộ của thôn Trung Thôn (xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) thu lại phần lớn số tiền cứu trợ lũ lụt của bà con thu hút sự chú ý của đông đảo người dân trên cả nước. Sau khi được báo chí phản ảnh, lãnh đạo thôn đã mang toàn bộ số tiền thu trước đó trả lại cho người dân.

thi-xa-ba-don-1159

Thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua.

Trước sự việc, dư luận đặt câu hỏi: Liệu cán bộ thôn Trung Thôn có tư lợi, tham ô hay không? Để có câu trả lời khách quan nhất, PV VTC News đã tìm về thôn Trung Thôn để tìm hiểu rõ sự việc.

Tự ý thu lại tiền cứu trợ của dân

Ngày 22/10, một đoàn cứu trợ ở TP.HCM đến xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Trị) với mong muốn được trao quà hỗ trợ cho một số hộ dân vùng lũ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thôn Trung Thôn.

Sau đó, đoàn trực tiếp xuống thôn và nhờ thôn lập danh sách khoảng 60 hộ có hoàn cảnh khó khăn để trao 60 suất quà là 500.000 đồng/suất. Khi thôn lập danh sách, đoàn đã theo danh sách đó và đến trực tiếp các hộ gia đình để trao quà. Trong quá trình trao quà, do thấy 7 hộ gia đình không quá khó khăn nên đoàn chỉ trao 53 suất quà cho những hộ khó khăn nhất.

Tuy nhiên, khi đoàn vừa rời khỏi thì một số cán bộ thôn đã đến 33 hộ gia đình vừa nhận quà để thu lại của mỗi hộ 400.000 đồng.

3-1477361942139

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc thu lại tiền cứu trợ của một số hộ dân xuất phát từ động cơ muốn công bằng cho dân chứ không phải để tư lợi cá nhân - Ảnh: NLĐ.

Ngồi kể chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 ọp ẹp sắp sập do bị ngâm lâu trong nước lũ, cụ Nguyễn Thị Duyên (86 tuổi, thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung) cho biết, hiện cụ đang ở với người con trai là anh Vũ Quang Tình (45 tuổi) và còn đang độc thân.

Hai mẹ con cụ đang cùng sống trong ngôi nhà cấp 4 đã xây từ rất lâu và có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Cuộc sống của hai mẹ con chủ yếu phụ thuộc vào nghề làm ruộng của anh Tình. Gia đình thuộc hộ nghèo, đời sống cực kì khó khăn. Đợt lũ lụt vừa qua, cả hai mẹ con còn mấy tạ thóc chưa kịp đưa lên chỗ cao thì bị nước nhấn chìm, nước rút, gạo ẩm ướt hết không biết còn sử dụng được không. Toàn bộ vật nuôi cũng bị dòng nước lũ cuốn trôi.

“Ngày 22/10 có hai người nói là trong đoàn từ thiện đến từ TP.HCM cùng một cán bộ mặt trận của thôn đến trao cho gia đình tôi một suất là là 500.000 đồng tiền mặt. Tuy nhiên, chiều 22/10 thì ông phó thôn lại đến thu lại 400.000 đồng”, cụ Duyên cho biết.

Cách nhà cụ Duyên vài chục bước chân là gia đình của bà Lê Thị Nuôi (75 tuổi, bị câm điếc). Bà Nuôi đang sống cùng con trai là anh Lê Vũ Khánh. Gia đình bà Nuôi thuộc diện hộ nghèo, bà Nuôi mất hoàn toàn sức lao động, cuộc sống gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nghề cơ khí thu nhập bấp bênh, bữa có bữa không của anh Khánh.

Anh Lê Vũ Khánh kể: “Ngày 22/10 gia đình được một đoàn từ thiện ở TP.HCM đến hỗ trợ 500.000 đồng tiền mặt. Tuy nhiên, sáng 23/10 cán bộ thôn lại đến đòi thu lại 400.000 đồng nhưng tôi không đồng ý. Cán bộ thôn bảo, nếu không đưa thì các lần hỗ trợ sau thôn sẽ không chia quà hỗ trợ cho gia đình cho đến khi trừ hết số tiền 400.000 đồng”.

Áp lực từ sự công bằng

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Hồng Quân – Trưởng thôn Trung Thôn tỏ ra rầu rĩ và buồn bã vì những chuyện mới xảy ra.

Theo ông Quân, hành động thu lại cứu trợ của dân là hành động “tự phát” của lãnh đạo thôn và chưa báo cáo chính quyền xã. Tuy nhiên, hành động này cũng chỉ để đảm bảo tính công bằng cho người dân.

14825576_1142963292460390_342694457_n

Ông Lê Hồng Quân (trái) - Trưởng thôn Trung Thôn trải lòng với PV - Ảnh: Nguyễn Vương.

“Bản thân tôi cũng là dân và được bà con tin tưởng bầu lên làm trưởng thôn. Trong suy nghĩ của chúng tôi là luôn hết lòng vì người dân chứ chưa hề có ý nghĩ tư lợi hay bòn rút tiền của bà con. Việc làm của chúng tôi trong sự việc vừa qua là chỉ muốn đáp ứng sự công bằng cho bà con”, ông Quân chia sẻ.

Theo trần tình của ông Lê Hồng Quân thì, từ ngày lũ lụt đến nay, thôn Trung Thôn đã tiếp 13 đoàn từ thiện với khoảng 1500 suất quà được trao đều cho 479 hộ trong thôn. Trong những lần đoàn từ thiện đến, thôn đều ưu tiên cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hoặc có người ốm đau nhận quà hỗ trợ trước. Sau đó, khi có đoàn từ thiện khác đến thôn sẽ phân chia quà cho các hộ còn lại.

Hôm đoàn từ thiện ở TP.HCM về trao quà thì một số bà con không được nhận đã đến thôn phản ảnh chuyện “quà ít, quà nhiều”. Họ bảo, lũ lụt thì ai cũng như ai, thiệt hại là giống nhau cả nên luôn phải đảm bảo tính công bằng khi có quà hỗ trợ cho bà con.

Để đám bảo tính công bằng như mọi lần, lãnh đạo thôn Trung Thôn đã đến các hộ gia đình để thu lại 400.000 đồng/500.000 đồng mà họ nhận được từ đoàn từ thiện TP.HCM. Trong quá trình đi thu, lãnh đạo thôn đã thu lại được của 33 hộ gia đình, số 20 hộ còn lại thuộc chi bộ 2 thôn chưa thu được.

“Chúng tôi thu lại tiền cũng vì áp lực làm sao để đảm bảo công bằng cho mọi người dân trong thôn. Sau khi thu lại tiền chúng tôi sẽ cân đối và chia đều cho từng hộ gia đình chứ không phải thu rồi bỏ vào túi riêng của mình”, ông Quân nói.

Theo tìm hiểu của PV VTC News, người dân trong thôn đánh giá lãnh đạo thôn Trung Thôn là những người nhiệt tình, chu đáo trong công việc.

Bản thân ông Lê Hồng Quân, từ khi có lũ lụt ông chưa có bữa cơm nào được ăn cùng vợ và con. Bởi, ông luôn tất bật đi sớm, về khuya để lo tiếp đón các đoàn từ thiện và ghi chép lại toàn bộ hàng hóa, quà tặng mà các đoàn từ thiện trao cho người dân.

Đồng thời, tính toán, cân nhắc để chia những số hàng đó sao cho công bằng để người dân khỏi đàm tiếu chuyện “nhà này được ít, nhà kia được nhiều”.

Sau khi xảy ra những lùm xùm trong việc thu lại tiền đoàn từ thiện hỗ trợ người dân, hầu hết người dân trong thôn Trung Thôn cũng tỏ ra thông cảm với lãnh đạo thôn.

"Về nguyên tắc có thể lãnh đạo thôn sai nhưng về hành vi thì suy cho cùng bác ấy cũng chỉ vì muốn tốt cho dân", một người dân thôn Trung Thôn nói.

Cần nhìn vào động cơ để phán xét

Trong chiều 26/10, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Quảng Trung khẳng định, việc thu lại tiền đoàn từ thiện đến hỗ trợ người dân ở thôn Trung Thôn không phải chủ trương của xã.

Ngay sau khi nắm được sự việc, lãnh đạo xã đã vào cuộc xác minh và thấy rằng không có dấu hiệu tiêu cực hay tham ô trong vấn đề này. Việc làm của lãnh đạo thôn Trung Thôn xét về lý là sai nhưng xét về mặt động cơ thì cũng chỉ vì muốn tốt và đảm bảo công bằng cho dân.

Tuy nhiên, xã cũng sẽ xem xét để có những biện pháp chấn chỉnh và kỷ luật một số cán bộ trong thôn Trung Thôn có liên quan đến sự việc nêu trên.

Video: Cán bộ thôn Trung Thôn trần tình việc thu lại tiền cứu trợ của người dân

Trong khi đó, ngày 26/10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Trần Công Thuật - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình kiêm Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng cho rằng, về nguyên tắc hành động của trưởng thôn thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) là sai nhưng cần nhìn vào động cơ để phán xét.

"Hành động của trưởng thôn rất cần được thông cảm, chia sẻ. Tôi thì cho rằng, động cơ của anh em là không có gì mà chỉ là sai ở cách làm", ông Thuật nói.

Theo ông Thuật, việc thu lại tiền đi ngược lại với mong muốn được cấp phát cho những hộ dân khó khăn nhất của nhà cứu trợ. Ông Thuật tin rằng, sau khi người dân hiểu được động cơ của lãnh đạo thôn Trung Thôn thì họ cũng sẽ hiểu và thông cảm.

Nguyễn Vương
Bình luận
vtcnews.vn