Phút cận kề cái chết, Trần Hữu Hiệp cứu người ra sao?

Thời sựThứ Năm, 08/08/2013 03:00:00 +07:00

(VTC News) – Chị Thu cho biết, anh Hiệp là người đã dùng sợi dây thừng để kéo những chị em cùng thuyền bám víu lấy tàu.

(VTC News) – Chị Thu cho biết, anh Hiệp chính là người đã dùng sợi dây thừng để kéo những chị em cùng thuyền bám víu lấy tàu, nhưng vì sức khỏe yếu, anh Hiệp đã không thể trụ lại nổi giữa làn nước dữ.

Sáng 7/8, sau rất nhiều cố gắng, VTC News đã tiếp cận được chị Phạm Thị Thu (22 tuổi, nhân viên y tế Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam – PV PIPE).

Chị Thu cũng là người được cho là nhận chiếc áo phao từ anh Trần Hữu Hiệp khi con tàu H29 – BP đã bị nhấn chìm, để rồi may mắn sống sót sau vụ chìm tàu thảm khốc xảy ra vào chiều 2/8 vừa qua.

Nói về hành động dũng cảm của anh Trần Hữu Hiệp, chị Thu nhấn mạnh: “Đó là một việc làm quá phi thường. Chính anh Hiệp và một số thanh niên khác đã dùng dây thừng để kéo các chị em phụ nữ trên cùng tàu khi bị sóng đánh ra xa. Đã có những lúc em bị chới với do sóng đánh đi rất xa, anh Hiệp đã dùng dây thừng kéo ra cho em bám vào tàu. Lúc ấy, em đã thấy anh Hiệp không còn áo phao trên người nữa rồi”.

Nét mặt thất thần của chị Phạm Thị Thu – một trong 21 người còn sống sót sau vụ tàu chìm hôm 2/8. (ảnh: B.Hợp) 

Vì anh không biết bơi, thể lực lại gầy yếu, nên cứ mỗi lần sóng đánh ra xa là anh Hiệp lại bị ói nước. Có những lúc, có một con song lớn đánh bạt anh Hiệp sang một bên mui thuyền.

“Lúc ấy, em la lớn, kêu mọi người cố giữ lấy anh Hiệp, anh Phước dù có nghe thấy mà cố nắm lấy tay anh Hiệp mà bị tuột. Sóng đánh nhiều và mạnh quá nên các anh không thể giữ được nhau… Anh Sơn (một nạn nhân khác) dù người cao to nhưng cũng yếu, bị những con song đánh dạt ra. Mọi người đã cùng nhau chống chọi với biển dữ nhưng không thể.

Anh Biên cũng vậy, sau hàng giờ vật lộn với những con sóng dữ cũng bị đuối sức, dù là mọi người đã cố gắng đẩy anh Biên lên phần tàu nổi, để anh nằm lên trên đó, nhưng cuối cùng anh cũng bị sóng đánh ra rất xa, và đã không còn nữa” –  chị Thu kể lại câu chuyện trong buồn bã.

Về công tác cứu hộ, trò chuyện với chúng tôi, chị Thu cũng nêu thắc mắc: “Thực sự em khộng hiểu lí do tại sao lực lượng cứu hộ đã đến quá chậm, khi mà chỉ sau khi tàu bị chìm được vài chục phút đã có cuộc gọi xin cầu cứu, nhưng phải 6, 7 tiếng sau mới thấy lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp có mặt”.

Theo chị Thu, nếu lực lượng cứu hộ đến sớm hơn 2 tiếng, số người thiệt mạng trong vụ việc này sẽ còn giảm đi rất nhiều. Từng giờ trôi qua đi, từng xác người chết trước mắt không ai là không đau đớn cả.

Con tàu H29 – BP bị nhấn chìm làm 9 nạn nhân thiệt mạng hôm 2/8 (ảnh: B.Hợp) 

Về câu chuyện chiếc tàu H29 – BP đang được đem đi sửa, nhưng lại được đưa ra sử dụng, chị Thu kể lại với chúng tôi: “Vừa làm xong dự án ở công ty, nhân có người đám cưới ở ngoài Vũng Tàu, nên lãnh đạo đã xin ý kiến anh chị em việc đi chơi kết hợp dự đám cưới tại đây. Anh Đinh Văn Quyết – Giám đốc Công ty du lịch Vũng Tàu Marina đã mượn chứng minh nhân dân của những người đi, lên danh sách để làm bảo hiểm cho anh em”.

Hôm đó, lúc 17h30 thì mọi người bắt đầu lên tàu. Bản thân chị Thu cũng rất sợ nước vì hồi nhỏ đã từng suýt bị đuối nước một lần. Khi thấy tàu dạng ca nô đã đủ 25 người, mọi người kêu đủ rồi, nhưng người lái tàu tên Phạm Duy Phúc lại bảo không sao, cứ lên đi. Khi lên tàu, mọi người ngồi chèn với nhau như ‘cá mòi’ vô cùng khó chịu.

Khởi động liên tục không được vì bị tắt máy liên tục, đi được một đoạn thì lái tàu kêu hết xăng nên bị mọi người trách móc là không chuẩn bị kĩ càng trước khi đi. Kêu tàu khác tiếp nhiên liệu giúp cũng không được vì tàu đó cũng sắp hết nhiên liệu.

Dù vậy, lái tàu vẫn tiếp tục cho tàu chạy bất chấp nguy hiểm. Chạy được một đoạn thì tàu bắt đầu nghiêng, có dấu hiệu chuẩn bị lật, nhưng mọi người vẫn cố bám víu lại nên chưa sao. Đi tiếp thêm một đoạn thì tàu bị chết máy ở một khu vực cạn nước. Khi đó mọi người đã bắt đầu mệt và sóng sánh.

Sau khi thợ máy sửa chữa thì tàu lại tiếp tục đi được thêm một đoạn, và tàu đã bắt đầu nghiêng, nước bắt đầu tràn vào. Chị Phiên bị chìm đầu tiên khi tàu gặp nạn. Những người còn lại trên tàu đã cố gắng bám vào mũi tàu nổi lên mặt nước.

"Lúc đó, em thấy anh Nguyễn Văn Cương cầm chiếc điện thoại cầu cứu cho một ai đó. Những người ở đầu dây bên kia kêu anh Cương xác định tọa độ, vị trí nhưng mọi người cũng chẳng biết mình đang ở vị trí nào. Hình như là họ chỉ muốn hỏi để tự tìm kiếm tàu chứ không muốn kêu cứu hộ. Được một lúc thì máy của anh Cương cũng hết sạch pin.

Khi tàu đang chuẩn bị chìm hẳn thì có một tàu đứng lại gần, nhìn thấy, và cứ nghĩ rằng họ sẽ cứu bọn em, nhưng không hiểu sao được một lúc thì họ cũng chạy đi mất. Mọi người lúc đó vô cùng thất vọng, nên đã cùng nhau dồn sức để kêu lớn hơn nữa, nhưng cũng chẳng có ai nghe được.

Quá tuyệt vọng, các nạn nhân chỉ còn biết vật lộn giữa ranh giới cái sống và sự chết, chứ cũng chẳng để ý còn tàu nào đi ngang qua hay không nữa", chị Thu cho biết.

Cũng theo chị Thu, gần 19h tối 2/8, tàu H29 – BP chính thức bị lật. Kể từ khi cuộc gọi điện thoại đầu tiên của anh Cương, thì tính ra có đến gần 7h lênh đênh trên biển, mọi người vật lộn với con sóng dữ dội và cái chết cận kề. Các nạn nhân ai cũng nghĩ rằng mình sẽ chết, chỉ còn nghĩ cố gắng bám víu được cái gì thì bám víu mà thôi.

Ngay bản thân chị Thu cũng do may mắn được anh Hiệp và nhiều thanh niên khác dùng dây kéo vào, nếu không cũng tử vong. "Em cũng nghĩ số mình đến đây là hết rồi, chứ không nghĩ là sẽ thoát khỏi tai nạn này một cách kì diệu đến như vậy, một khi mà niềm hy vọng đã tắt ngóm. Khi đó, chỉ những ai ở trong cuộc mới thấu hiểu được sự tuyệt vọng của con người giữa dòng nước biển.

Phải đến rạng sáng 3/8, các nạn nhân mới thấy ánh đèn lấp lóa trên mặt nước. Như một người đã chết đi sôdng lại, bọn em nhìn thấy có một anh đứng trên mũi tàu cởi áo ra để làm ám hiệu với các nạn nhân…", chị Thu nói thêm.

Bách Hợp(lược ghi)

Bình luận
vtcnews.vn