Phút băng mình cứu 8 mạng người trong lũ quét

Thời sựThứ Tư, 15/08/2012 12:30:00 +07:00

(VTC News) – Vượt qua dòng lũ hung dữ, vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết, người chiến sĩ trẻ đã quên mình để cứu 8 mạng người đang cầu cứu.

(VTC News) – Vượt qua dòng lũ hung dữ, vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết, người chiến sĩ trẻ đã quên mình để cứu 8 mạng người đang cầu cứu.

Ngày 14/8 vừa qua, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Bộ Công an đã công bố danh sách 20 thanh niên chiến sỹ được tuyên dương giải thưởng “Thanh niên Công an tiêu biểu năm 2012”. Chương trình vinh danh những chiến sỹ này sẽ được Bộ Công an tổ chức trong các ngày 17-18/8 tới đây.

Những gương mặt tuyên dương năm nay là những người có thành tích, chiến công đặc biệt trong chiến đấu góp phần đảm bảo an ninh trật tự, danh hiệu thủ khoa xuất sắc toàn khóa học trong các học viện, trường công an nhân dân.

Trong số 20 chiến sỹ đó có Thượng úy Lô Tú Tài (SN 1983, công tác tại CA huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An).

Với chiến công dũng cảm, giải cứu 8 người dân trong cơn lũ quét năm 2011, anh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương dũng cảm.

Trước ngày Thượng úy Tài nhận giải thưởng của Bộ Công an, PV VTC News đã có cuộc tiếp xúc với chiến sỹ này để nghe anh kể về những chiến công anh dũng và những câu chuyện về gia đình, nghề nghiệp.

Ấn tượng đầu tiên khi tôi tiếp xúc với chiến sỹ công an này là một chàng trai to cao, rắn giỏi có nước da trắng, nụ cười hiền hậu, giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng mang âm hưởng miền Trung.

Thượng úy Lô Tú Tài trong cuộc tiếp xúc với PV. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Nghẹt thở phút cứu người trong lũ quét

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai trẻ người dân tộc Thái Lô Tú Tài được tuyển dụng vào ngành Công an và công tác ở CA huyện Tương Dương. Từ đây, cuộc đời anh bước sang một trang mới, anh xác định sẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp an ninh của Tổ quốc.

Vẫn nhớ như in hình ảnh 8 người dân bị mắc kẹt trong lũ quét, anh Tài cho biết, sáng 25/6/2011 trên địa bàn Tương Dương xảy ra lũ quét (đã từng có nhiều người dân thiệt mạng trong những năm trước), anh nhận được chỉ đạo của chỉ huy đi cứu giúp người dân trong thời gian dài.

Ngay lập tức, một tổ công tác do Thượng úy Tài (lúc bấy giờ là Trung úy) làm tổ trưởng nhanh chóng chuẩn bị phương tiện, kỹ thuật đến nơi người dân đang bị mắc kẹt.

Hơn 2 tiếng vất vả trên con đường lầy lội đầy nguy hiểm, tổ công tác đến bản Xiêng Nứa, xã Yên La (huyện Tương Dương, Nghệ An) khi bản miền núi đã trở thành biển nước mênh mông trắng xóa.

Dòng nước lũ càng ngày càng xoáy, đất cát, cây cối, nhà cửa của người dân bị nước cuốn trôi trong dòng lũ. Diễn biến sự việc khiến anh Tài và tổ công tác càng đặt quyết tâm cứu nhân dân.

Theo chân vị trưởng bản, tổ công tác tiếp tục vượt qua dòng lũ, đến nơi 8 người dân bị mắc kẹt.

“8 người bị mắc kẹt trên một ngọn cây xoan, có cả người nhà và em nhỏ. Họ khóc, hoảng loạn và chỉ cách chúng tôi 200m qua dòng suối. Thấy đó nhưng đành bất lực vì nước ở thời điểm đó dâng lên cuồn cuộn, những hố nước xoáy sâu cực kỳ nguy hiểm nên không thể băng qua” – Thượng úy Tài xúc động nói.

Tình thế bắt buộc phải hành động nhanh vì nước đang dâng lên, chậm trễ một chút có thể nước sẽ cuốn trôi cả cây xoan có 8 người đang trú ngụ. Nhanh trí quan sát, anh Tài quyết định cùng đồng đội đi vòng qua dòng nước hung dữ để tiếp cận với người dân.

Hơn 1 tiếng đi bộ, tổ công tác đã đến vị trí chỉ các nhóm người bị mắc kẹt chỉ còn 60m. Dù gần hơn nhưng dòng nước chảy xiết, nhiều người không biết bơi, tổ công tác bối rối trong phương án xử lý.

“Không có cách nào khác, những ánh mắt lo lắng bên kia đang dồn hết hy vọng về chúng tôi, tôi quyết định bơi sang để đồng đội ở trên dùng dây thừng kéo, khi tiếp cận được người dân sẽ buộc vào để kéo lên” – anh Tài kể lại.

Hình ảnh lũ quét xảy ra tại huyện Tương Dương. Ảnh Internet.

Anh Tài nói rồi nhanh chóng bơi xuống, khi bơi đến chính giữa, dòng nước bất ngờ trở nên hung giữ, anh Tài trở nên đuối sức và bắt đầu bị cuốn, đồng đội lo lắng định kéo anh lên để bàn phương án khác.

“Đúng lúc đó có một cây rừng bị nước đẩy tới, chắn ngang giữa dòng thành một chiếc cầu, tôi nhanh chóng bám lấy nó để đi về phía người dân” – Thượng úy Tài kể.

Sang đến nơi, những người mặc kẹt (đa số là học sinh) đã rơi vào hoảng loạn, anh Tài đã phải trấn an tâm lý mọi người rồi lần lượt buôc dây thừng vào từng người, đồng đội ở đầu bên kia kéo lên.

Một người, hai người, ba người… rồi tám người được anh lần lượt bơi qua bơi lại cột dây thừng và được đưa lên bờ an toàn.

“Lúc đó ai cũng lo lắng, nhưng không ai nghĩ đến cái chết, tất cả đều quyết tâm và cuối cùng đều trở về” – anh Tài xúc động.

Cưới vợ 2 năm, ở gần vợ được 2 tháng

Khiêm tốn nói về chiến công của mình, anh Tài nói rằng chiến công đó là của đồng đội, của cả tổ công tác vì đứng trước cảnh ngộ đó bất kỳ ai cũng làm được như vậy. Trước đây, khi tắm sông, anh cũng đã từng cứu những đứa trẻ không may bị rơi xuống dòng nước.

Nhẹ nhàng kể về gia đình, Tài cho biết anh sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em, bố mẹ đều là cán bộ địa phương, gia đình có truyền thống cách mạng.

Tháng 7/2010, Tài lập gia đình với một cô giáo gần nhà. Ở bên vợ được 1 tháng, vợ anh đi nhận công tác ở một xã miền núi cách nhà hàng chục km.

“Vợ tôi phải mất 1 tiếng đi xe, 4 tiếng đi thuyền và 1 tiếng đi bộ mới tới trường. Mỗi tháng chúng tôi chỉ tranh thủ gặp nhau 1 lần, lần nào vợ không về thì tôi lên” – anh Tài tính toán.

Hình ảnh cứu người dân trong mưa lũ là một hình ảnh đẹp của các chiến sỹ công an nhân dân. Ảnh Internet.

Cuối năm 2011, vợ anh may mắn được chuyển công tác về nhà. Nhưng đúng lúc này, Thượng úy Tài nhận quyết định đi học 3 năm ở Học viện An ninh nhân dân, mỗi tháng anh chỉ về với vợ được 1 lần.

“Tính từ khi cưới, hai vợ chồng bên nhau 1 tháng, với 1 tháng hè vừa qua là tôi được bên vợ 2 tháng sau 2 năm lấy nhau” – Thượng úy Tài cười nói.

Sau khi lập chiến công, Thượng úy Tài được chuyển về Đội CS điều tra tội phạm ma túy, kinh tế và chức vụ - CA huyện Tương Dương.

Địa bàn anh công tác được đánh giá là nơi tội phạm ma túy hoạt động phức tạp, liều lĩnh. Do đó, công tác đấu tranh phòng ngừa phức tạp.

Có lần anh truy bắt một kẻ buôn bán ma túy do nhân dân cấp báo, anh đã bị trầy xước, chảy máu. Sau khi đối tương này chết, anh mới biết đối tượng bị nhiễm HIV. Lo lắng và quyết định ra Hà Nội khám, các bác sỹ hẹn 3 tháng sau mới trả lời kết quả.

“Bình thường không lâu như vậy, bác sĩ nói thế tôi hết sức lo lắng, chuẩn bị tinh thần đón nhận kết quả dương tính. Nhưng sau khi có kết quả, tôi đã vui mừng đến khóc” – Thượng úy Tài bộc lộ.

Nói về dự định của mình trong tương lai, Thượng úy Tài cho biết trước mắt sẽ phấn đấu hoàn thành khóa học 3 năm tại Học viện An ninh nhân dân rồi sau đó tiếp tục về địa phương công tác.

Chia tay chàng trai Thượng úy công an dũng cảm Lô Tấn Tài, chúng tôi không khỏi cảm phục trước những gì anh cũng như bao chiến sĩ khác đang ngày đêm cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Dũng
Bình luận
vtcnews.vn