Phương Tây tấn công Libya theo phương án nào?

Thế giớiChủ Nhật, 20/03/2011 01:29:00 +07:00

(VTC News) – Mỹ và phương Tây đã cân nhắc một trong ba phương án tấn công phủ đầu vào Libya mà trước tiên là hệ thống phòng không, các trạm radar...

(VTC News) – Mỹ và phương Tây đã cân nhắc một trong ba phương án tấn công phủ đầu vào Libya mà trước tiên là hệ thống phòng không, các trạm radar và thông tin liên lạc.

Theo dự báo trước khi Pháp bắt đầu không kích Libya của giới chuyên gia phân tích, Mỹ và phương Tây sẽ tấn công Libya vào ngày 20 hoặc 21/3/2011 theo tinh thần Nghị quyết số 1973 mới được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua ngày 17/3/2011.

Tàu sân bay của quân đội Mỹ (ảnh minh hoạ). 

Dự thảo nghị quyết số 1973 do Li-băng, Anh, Pháp và Mỹ đề xuất, khởi xướng và được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận trong 3 ngày, đến ngày 17/3 Nghị quyết số 1973 đã được Liên Hợp Quốc chính thức thông qua với 10/15 thành viên của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu ủng hộ, 5 nước bao gồm Nga, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Brazil bỏ phiếu trắng, trong khi chỉ cần 9 phiếu ủng hộ và không có phiếu phủ quyết nào là đủ để thông qua nghị quyết.

Theo tinh thần nghị quyết này, Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu chính quyền Libya ngừng bắn và ném bom vào tất các thành phố do phe đối lập ở nước này đang chiếm giữ để bảo vệ dân thường, đóng cửa không phận Libya đối với tất cả các loại máy bay của nước này ngoại trừ những máy bay chở hàng nhân đạo, thuốc men, thực phẩm và sơ tán ngoại kiều khỏi Libya, các nước thành viên LHQ không được phép cho bất cứ máy bay nào của Libya cất, hạ cánh hay bay qua không phận nước mình nếu các chuyến bay đơn lẻ không được sự đồng ý của Ủy ban trừng phạt Hội đồng Bảo an LHQ, cấm tất cả các hoạt động quân sự của chính quyền Libya trừ những hoạt động quân sự sử dụng lực lượng mặt đất, phong tỏa các tài khoản của công ty dầu mỏ quốc gia và Ngân hàng Trung ương Libya, cho phép áp dụng mọi biện pháp, ngoại trừ chiếm đóng Libya hay bất kỳ phần lãnh thổ nào của nước này bởi lực lượng nước ngoài.

Để tiêu diệt hoàn toàn hay một phần hệ thống phòng không của ông Muammar Gaddafi, Mỹ và phương Tây đã đưa ra một số phương án không kích vào Libya và dự trù kinh phí cho các phương án đó do Trung tâm Đánh giá ngân sách và chiến lược (Center for Strategic and Budgetary Assessments - CSBA) của Mỹ ước tính:

Phương án 1: Tiêu diệt hoàn toàn hệ thống phòng không Libya. Phương án này sẽ tiêu tốn của NATO khoảng 300 triệu USD/tuần. Như vậy trong 6 tháng bảo đảm duy trì vùng cấm bay thì NATO sẽ phải mất 8,8 tỷ USD. Nếu quyết định tấn công ồ ạt một lần vào các trận địa phòng không Libya thì NATO sẽ phải tiêu tốn từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD.

Bởi lẽ, trung bình để tiêu diệt 1 mục tiêu cố định phải tốn tới 2 triệu USD chưa kể mục tiêu di động, sự kiên cố của mục tiêu đòi hỏi phải mất nhiều tên lửa và bom không quân hay xác suất tiêu diệt mục tiêu. Dự kiến, Mỹ và phương Tây nếu muốn tiêu diệt hoàn toàn hệt thống phòng không Libya thì phải tiêu diệt tới 500 mục tiêu phòng không khác nhau trong phạm vi 680.000 dặm vuông trong khi vùng cấm bay ở Iraq trước đây chỉ rộng 104.600 dặm vuông.

Phương án 2: Không tiêu diệt hoàn toàn mà chỉ tiêu diệt các mục tiêu phòng không chính của ông Gaddafi bố trí ở các vùng ven biển. Việc làm “suy yếu” hệ thống phòng không của Libya sẽ phải mất 400-800 triệu USD. Trong trường hợp này, NATO có thể sử dụng 3 tàu tuần dương hạm mang hệ thống chỉ huy và điều khiển hỏa lực AEGIS của Mỹ, các máy bay tiêm kích trang bị tên lửa không-đối-không AIM-120 và các máy bay do thám từ xa bằng radar AWACS.

Phương án 3: Lập vùng cấm bay hạn chế, bao gồm không phận các thành phố lớn, đặc biệt là các thành phố dự đoán có bố trí tới 400 mục tiêu phòng không trên diện tích 230.000 dặm vuông. Lập vùng cấm bay kiểu này Mỹ sẽ phải chi 30-100 triệu USD/tuần.

Thông thường, để tiến hành bất cứ một chiến dịch quân sự nào trong khuôn khổ NATO cần phải thỏa mãn đầy đủ 3 yếu tố cơ bản sau: cơ sở pháp lý vững chắc (Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc); sự ủng hộ vững chắc của khu vực và tính minh bạch trong hành động của Liên minh. Như vậy, hiện nay về cơ bản đã hội tụ đầy đủ 3 yếu tố trên, vấn đề bây giờ chỉ là quyết định của các nhà lãnh đạo và lợi ích của mỗi nước đạt được khi tham chiến.

Hiện nay, các nước tuyên bố tham gia chiến dịch quân sự vào Libya có Mỹ, Anh, Italia, Đan Mạch, Na-uy, Qatar, các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Pháp. Tuy nhiên, Pháp chỉ ủng hộ chiến dịch quân sự tấn công vào Libya chứ không ủng hộ chiếm đóng nước này. Ngoài ra, còn có một số quốc gia Ả Rập khác như Ai Cập, Tuy-ni-zi và Ả Rập Xê-út cũng có thể tham gia chiến dịch.

Hữu Kỷ - Minh Nhật





Bình luận
vtcnews.vn