Phương Tây nói gì về chuyển giao quyền lực ở Myanmar?

Thế giớiThứ Sáu, 01/04/2011 06:15:00 +07:00

(VTC News) - Chính quyền quân sự Myanmar đã mở đường cho một chính phủ dân sự mới. Tuy nhiên, luồng không nhỏ quốc tế coi sự chuyển đổi này là không thực chất.

(VTC News) - Chính quyền quân sự Myanmar đã mở đường cho một chính phủ dân sự mới sau 23 năm cầm quyền. Tuy nhiên, một luồng không nhỏ quốc tế coi sự chuyển đổi sang chế độ dân sự lần này là một động thái không thực chất.

 

Hôm thứ Tư, 30/3, tại Thủ đô Naypyitaw trước Quốc hội, Thủ tướng của chính quyền quân sự, ông Thein Sein đã tuyên thệ trở thành Tổng thống Myanmar. Ông Thein Sein nắm giữ cương vị Thủ tướng chính quyền quân sự Myanmar từ tháng 10/2007 và hiện là Chủ tịch đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) - đảng giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái.

 

Tân Tổng thống sau đó đã chỉ định các thành viên nội các.

 

 Tân Tổng thống Myanmar Theinsen

Chính phủ mới sẽ có 34 bộ. Theo Hiến pháp mới của Myanmar, tên chính thức của Myanmar sẽ là Cộng hòa liên bang Myanmar với thủ đô là Nay Pyi Taw. Myanmar sẽ theo đuổi chế độ đa đảng. Quân đội sẽ tham gia vai trò dẫn đầu trong hoạt động chính trị của nước này.

 

Việc ông Thein Sein tuyên thệ nhậm chức đã hoàn tất quá trình chuyển giao từ chính quyền quân sự sang dân sự trên danh nghĩa. Trước đó, sau cuộc tổng tuyển cử hôm 7/11/2010, bước tiến có ý nghĩa trong việc thực hiện lộ trình dân chủ 7 điểm, Quốc hội Myanmar đã phê chuẩn các chức vụ Tổng thống, Phó tổng thống và Bộ trưởng nội các.

 

Trong một sắc lệnh được đọc trên đài truyền hình quốc gia, Thống tướng Than Shwe, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và phát triển nhà nước (SPDC) đã tuyên bố giải tán SPDC sau khi nội các mới tuyên thệ nhậm chức. SPDC, từng được biết dưới tên Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Quốc gia (SLORC), nắm quyền tại Myanmar từ năm 1988. Tuy nhiên, trên thực tế, quân đội đã trực tiếp nắm quyền ở nước này từ năm 1962.

 

Hãng AFP dẫn lời một quan chức Myanmar cho biết, tướng Min Aung Hlaing đã thay thế ông Than Shwe làm Tổng tư lệnh quân đội nước này.

 

 Thống tướng Than Shwe (Ảnh: AFP)
 

Tuy nhiên, một luồng không nhỏ dư luận quốc tế coi sự chuyển đổi sang chế độ dân sự lần này là một động thái không thực chất, vì phần lớn các vị trí quan trọng trong chính phủ mới đều do các quan chức cấp cao của chính quyền quân sự nắm giữ. Một lý do cho sự thận trọng này là luồng quan điểm trái chiều cho rằng cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11 năm ngoái đã loại bỏ nhà lãnh đạo phong trào dân chủ Aung San Suu Kyi.

 

Theo Reuters, mặc dù đã giải tán, SPDC vẫn giữ vai trò nổi bật trong hệ thống chính trị mới với việc các thành viên cũ của cơ quan này nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tổng thống, Phó tổng thống, Chủ tịch quốc hội, Bộ trưởng nội các… Mặt khác, cũng theo hãng tin này, cá nhân ông Than Shwe dù đã rút lui vào hậu trường nhưng vẫn sẽ tiếp tục giữ tầm ảnh hưởng lớn trên chính trường Myanmar.

 

Đ.L. (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn