Phương án tuyển sinh của 6 trường đại học top đầu ở Hà Nội có gì đặc biệt?

Tuyển sinhChủ Nhật, 21/03/2021 10:35:00 +07:00
(VTC News) -

Bên cạnh việc xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, nhiều trường đại học ở Hà Nội bổ sung phương thức tuyển sinh mới và có thêm chỉ tiêu.

Năm 2021, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển 1.600 chỉ tiêu qua 3 phương thức là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (30%); xét tuyển theo kết quả thi THPT (50%); xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực (20%).

Đối với phương thức tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, trường chia thành 3 nhóm đối tượng chính, gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; xét tuyển thẳng theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển thẳng các thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, A-level, ACT và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Năm nay, bài thi đánh giá năng lực của trường gồm 3 phần, mỗi phần 50 câu hỏi về các chủ đề tư duy định tính, tư duy định lượng, khoa học. Điều kiện đăng ký xét tuyển theo phương thức này là thí sinh đạt điểm trung bình chung 5 học kỳ môn Ngoại ngữ 7.0 trở lên.

Phương án tuyển sinh của 6 trường đại học top đầu ở Hà Nội có gì đặc biệt? - 1

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2021. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Năm nay, Đại học Ngoại thương tuyển sinh theo 6 phương thức. Đặc biệt, trường dành 50% tổng chỉ tiêu để tuyển sinh theo phương thức riêng.

Sáu phương thức tuyển sinh của trường bao gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT; xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh thi Học sinh giỏi Quốc gia, đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố và hệ chuyên của trường THPT chuyên; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi THPT; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định riêng của trường; xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Ngoài ra, Đại học Ngoại thương tuyển sinh 2 chương trình đào tạo mới là Luật Kinh doanh quốc tế và Tiếng Anh thương mại. Dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6, nhà trường sẽ mở hệ thống cho thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh được phép tham gia xét tuyển cả 5 phương thức nếu đạt đủ các điều kiện.

Dự kiến trong năm 2021, Đại học Bách Khoa Hà Nội tuyển sinh hơn 7.000 chỉ tiêu bằng 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng theo hồ sơ năng khiếu (10-20% tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (50-60% tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (30-40% tổng chỉ tiêu). Thí sinh có thể chọn một hoặc đồng thời cả 3 hình thức xét tuyển nếu đạt đủ điều kiện.

Phương thức xét tuyển thẳng theo hồ sơ năng khiếu dành cho học sinh lớp chuyên, học lực giỏi; học sinh có chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh, chứng chỉ SAT, A-level; học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh trở lên ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học. Dự kiến, trường triển khai sớm, trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra.

Với phương thức tuyển sinh theo kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức, dự kiến ngoài bài thi đánh giá tư duy trên cơ sở đọc hiểu và môn Toán có phần tự luận như năm 2020, trường sẽ bổ sung tổ hợp môn Khoa học tự nhiên để thí sinh có thêm lựa chọn. Qua đó, thí sinh có thể chọn thêm môn thi để theo học các ngành kỹ thuật khác.

Thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá tư duy cần đạt đủ các điều kiện sau: Điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT trong tổ hợp môn sơ tuyển đạt từ 7.0 trở lên, đồng thời xét theo điểm trung bình 6 học kỳ THPT của điểm 3 môn theo tổ hợp lựa chọn: Toán - Lý - Hóa; Toán - Hóa - Sinh; Toán - Văn - Anh.

Học viện Ngân hàng vừa công bố phương thức tuyển sinh năm 2021 qua 4 phương thức là xét tuyển thẳng (5%), xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (60%), xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (10%), xét tuyển dựa trên học bạ THPT (25%).

Đối với phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thí sinh cần có một trong bốn chứng chỉ sau: IELTS Academic (6.0 trở lên), TOEFL iBT (72 điểm trở lên), TOEIC 4 kỹ năng (665 điểm trở lên). Riêng ngành Kế toán định hướng Nhật Bản và Hệ thống thông tin quản lý định hướng Nhật Bản, thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Nhật N3 trở lên.

Học viện Tài chính dự kiến tuyển 4.000 chỉ tiêu cho năm học mới, theo 5 phương thức, bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài.

Trong đó, phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ chiếm 50% tổng chỉ tiêu. Trong trường hợp không đủ chỉ tiêu, trường tiếp tục xét tuyển bổ sung theo các phương thức trên cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu dựa trên nguyên tắc không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của học viện ở đợt 1.

Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2021 với tổng chỉ tiêu của là 6.000, tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2020.

Năm nay, trường có 3 phương thức tuyển sinh:

Phương án tuyển sinh của 6 trường đại học top đầu ở Hà Nội có gì đặc biệt? - 2

Trường sẽ xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và sẽ có thông báo chi tiết theo từng đối tượng tuyển thẳng. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến là 18 điểm, gồm điểm ưu tiên. Điểm trúng tuyển xác định theo mã ngành/chương trình, không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển.

Nhà trường sẽ xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Trường không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển, ngoài quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, Đại học Kinh tế quốc dân cũng xét tuyển kết hợp với 5 nhóm đối tượng theo đề án tuyển sinh của trường. 

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp