Phú Thọ: Cát tặc ngang nhiên lộng hành, dân uất ức không làm gì nổi

Thời sựThứ Bảy, 02/06/2018 09:32:00 +07:00

Cát tặc và tình trạng lở đất đang là nỗi ám ảnh đối với người dân sống ven sông Lô, khu vực các xã Bình Bộ, An Đạo, Tử Đà (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).

Người dân tại khu vực xã Bình Bộ, An Đạo và Tử Đà huyện Phù Ninh đang sống trong nỗi ám ảnh bởi lở đất và cạn kiệt nguồn nước do nạn khai thác cát trái phép. Cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng hiểm họa ấy vẫn treo lơ lửng trên đầu người dân, gây phẫn nộ và nhức nhối.

A1

Một cẩu quăng đang cạp cát dưới lòng sông Lô, đoạn qua xã Bình Bộ. 

Hai tháng trở lại đây, khi giá cát đang sốt lên từng ngày cũng là lúc các phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Lô gia tăng việc vơ vét lòng sông dữ dội. Cả ngày lẫn đêm, hàng chục tàu hút, máy múc vẫn hoạt động huyên náo suốt một đoạn sông Lô dài khoảng 10 km (đoạn qua hai địa phương Phú Thọ, Vĩnh Phúc).

Dọc bãi bồi tại khu vực các xã Bình Bộ, An Đạo, Tử Đà dù chỉ chưa đầy 5 km nhưng có năm, bảy điểm tập trung các tàu cuốc, cẩu quang thản nhiên hoạt động.

Khoảng 9h sáng ngày 29/5, ngay giữa sông khu vực xã Bình Bộ có ít nhất 2 điểm với nhiều tàu cuốc đang hì hục vung gầu nạo cát. Chứng kiến cảnh các tàu cuốc thản nhiên cuốc cát giữa ban ngày, bà Ngô Thị Phương (47 tuổi, khu 10 Bình Bộ) lắc đầu ngao ngán: “Toàn là làm không phép cả đấy, vậy mà họ đâu có sợ ai...”.

 
Chuyện khai thác cát trái phép và sạt lở bờ sông, hoa màu đã được người dân xã đề cập, phản ánh nhiều lần.

Ông Lê Xuân Kết – Chủ tịch UBND xã Bình Bộ

Cách đó khoảng hơn cây số, đoạn sông qua xã An Đạo, Tử Đà nhiều tàu cuốc, cẩu quăng công suất lớn cũng đang tìm chỗ thọc vòi xuống lòng sông hút cát. Từ xa, thi thoảng lại nghe tiếng động cơ gầm rú hết công suất.

Khi thấy người lạ xuất hiện, các tàu này lập tức dừng hút, chuyển qua sang tải như không có gì xảy ra.

Ông Đỗ Xuân Hùng (44 tuổi, khu 12 xã Bình Bộ) cho biết hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực diễn ra đã nhiều năm, các tàu hút cát trái phép hoạt động liên tục, gây ra những tai họa khôn lường cho người dân.

Để chống cát tặc bà con nhân dân trong xã phải túc trực xua đuổi tàu hút cát ra khỏi khu vực sát mép sông. “Khi phát hiện tàu hút cát trái phép, người dân đánh kẻng báo động rồi kéo ra bờ sông phản ứng, xua đuổi. Lập tức, chúng tắt máy, thả trôi thuyền hoặc chạy sang địa bàn xã khác, chờ người dân về lại tiếp tục nổ máy tiếp tục hút”, anh Hùng nói.

Ông Hùng cho biết thêm, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết được dứt điểm nạn hút cát trái phép và về lâu về dài thì vẫn gây tác hại không nhỏ cho cuộc sống người dân vì sông bị thay đổi dòng chảy, bãi bồi sạt lở, mất đất canh tác.

Kể về những ngày, đêm “trường kỳ” cùng bà con trắng đêm canh tàu hút cát, bà Ngô Thị Phương (khu 10 Bình Bộ) không giấu được bức xúc: “Bất cứ lúc nào, thấy tàu hút cát sục vào gần bờ là bà con lại đánh kẻng gọi nhau ra giữ đất. Nhiều lúc rất uất ức vì không thể làm gì được”.

Vẫn theo bà Phương, việc canh giữ đất đai, xua đuổi đám cát tặc không phải lúc nào cũng thuận lợi. “Nhiều lần chúng tôi bị chúng đe dọa sẽ cho “xã hội đen” xử nhưng không còn cách nào khác là phải giữ đất, mất đất rồi còn biết làm gì để trồng cấy”, bà Phương nói thêm.

A2

 

A3 3

Tàu cuốc, cẩu quăng rầm rộ "rút ruột" lòng sông Lô đoạn qua xã Bình Bộ ngày 29/5.

Chủ tịch xã Bình Bộ Lê Xuân Kết cho hay đã nhiều lần chỉ đạo lực lượng công an xã đuổi các tàu hút cát trái phép nhưng gặp khó khăn do lực lượng mỏng, thời gian các tàu khai thác chủ yếu vào ban đêm đến rạng sáng, khu vực khai thác trái phép lại ở giữa sông, giáp ranh hai tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc và xã không đủ thẩm quyền xử phạt hành chính.

“Công an huyện cũng xử phạt một số thuyền hút cát hoạt động trái phép trên khúc sông này nhưng họ vẫn lén lút hoạt động. Ngày 25/5 trực tiếp Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu kiểm tra, nhưng khi kiểm tra thì lại không hoạt động”, ông Kết nói.

Ông Kết cho biết thêm, hoạt động hút cát trái phép tại khu vực rộ lên từ tháng 4 sau hơn một năm vắng bóng.

Ông Trương Tiến Dũng, Trưởng công an xã Bình Bộ cho hay hiện trên địa bàn không doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác cát.

“Việc xử lý gặp khó khăn do công an xã không đủ thẩm quyền ra bắt mà phải báo cáo công an huyện. Nhiều lần công an huyện xuống tới nơi thì họ đã ngừng hoạt động, chạy sang khu vực khác”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho hay, tình trạng tàu hút cát trái phép hoạt động rầm rộ đã được địa phương làm tờ trình gửi lên cấp trên nhưng vẫn không mấy biến chuyển.

Có lợi ích nhóm, bao che cho “cát tặc”

Ngày 6/7, tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát sỏi, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi và kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy khai thác cát, sỏi trái phép.

“Nguyên nhân chủ yếu của các vi phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi là công tác quản lý nhà nước của các bộ ngành, địa phương chưa thật quyết liệt, chưa hiệu quả, chưa phối hợp chặt chẽ”, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nói.

“Một số quy định pháp luật còn bất cập, việc phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng, một số nơi buông lỏng quản lý. Dư luận cho rằng có biểu hiện lợi ích nhóm, bao che cho các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép”, ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Phó thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác cát, sỏi ở các địa phương, kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng lập bến bãi thu mua cát trái phép, khai thác cát, sỏi trái phép.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn