Phụ nữ hãy nhìn lại mình trước khi trách đàn ông

Góc của nàngThứ Năm, 06/08/2015 11:25:00 +07:00

Tôi cũng không biết từ lúc nào, nỗi lo cơm áo khiến mọi thứ cứ cuống cuồng, rối rắm. Vợ tôi loay hoay với số tiền mang về mỗi tháng, thờ ơ với cái gọi là phút riêng tư của đời sống vợ chồng.

Tôi cũng không biết từ lúc nào, nỗi lo cơm áo khiến mọi thứ cứ cuống cuồng, rối rắm. Vợ tôi loay hoay với số tiền mang về mỗi tháng, thờ ơ với cái gọi là phút riêng tư của đời sống vợ chồng.

Là một người phụ nữ, chắc bạn cũng hiểu một điều đơn giản là bản thân mỗi người chúng ta không có ai hoàn hảo. Vì vậy, thế giới không cần những con người hoàn hảo, mà cần những người biết yêu ai đó một cách hoàn hảo. Bước vào đời sống hôn nhân, đó không đơn giản như là khi yêu nhau chỉ cần có tình yêu và những lời hoa mỹ. Khi đã kết hôn thì chỉ có tình yêu thôi chưa đủ, làm một người vợ hay người chồng còn cần phải có kiên nhẫn, thông cảm, bao dung và tha thứ. 

chuyện hôn nhân

Thực ra, đàn ông chúng tôi cũng muốn một lòng một dạ, một vợ một chồng, không lăng nhăng bồ bịch cho yên ấm cửa nhà. Nhưng, phụ nữ - những người vợ danh chính ngôn thuận lại cứ dồn chúng tôi đến "chân tường" khiến cánh mày râu chúng tôi đôi lúc bị xiêu lòng bởi những người đàn bà quyến rũ, ngọt ngào và bình yên.

Trước tiên phải thú nhận là tôi chẳng biết có phải mình đang ngoại tình hay không, bởi tôi hiểu ngoại tình là một trong những "tội tày đình" khiến cửa nát nhà tan, hạnh phúc chơi vơi như đứng trên bờ vực thẳm. Ngoại tình cũng bị xã hội lên án kịch liệt và chẳng có lý do chính đáng nào cho việc ngoại tình. Nhưng thực sự là, từ ngày có người bạn tri kỷ này, tôi cảm thấy cuộc sống của mình dễ thở hơn. Tôi thực lòng cũng muốn giữ cho gia đình mình được trọn vẹn, không phải rơi vào cảnh vợ chồng ly tán, con cái bơ vơ nên tôi chỉ trải lòng với cô gái ấy qua điện thoại, tin nhắn, thỉnh thoảng đi cà phê, dạo phố để đỡ tủi thân, hoặc hạ hỏa trong người khi "chiến tranh" với vợ.

Hai vợ chồng tôi kết hôn được 10 năm có lẻ. Tôi năm nay bước sang tuổi 41. Chúng tôi đã có hai đứa con "đủ nếp đủ tẻ". Vợ làm ở một cơ quan nhà nước, còn tôi làm doanh nghiệp tư nhân. Thu nhập tuy không cao song cũng ở mức khá, ổn định. Vì vậy mà sau 5 năm cưới nhau, cùng với sự giúp đỡ của bố mẹ hai bên, vay mượn thêm chút ít của bạn bè, chúng tôi cũng mua được một căn hộ chung cư nho nhỏ. Cuộc sống gia đình những năm đầu tiên ấy cứ trôi qua êm đềm, hạnh phúc. Có hai đứa con nhỏ, hạnh phúc lại càng rộn ràng hơn. Tôi vẫn thường được vợ âu yếm gọi là "người đàn ông đẹp trai nhất nhà". Hàng năm, gia đình tôi vẫn dành thời gian đi nghỉ mát, du lịch, về quê... Chúng tôi hạnh phúc nhìn các con ngoan ngoãn, đáng yêu. 

Mọi chuyện tồi tệ bắt đầu xảy ra khi hai con đi học - điều đó đồng nghĩa với việc vợ chồng tôi phải bận rộn hơn để cùng kiếm tiền và chăm con. Mọi chi phí sinh hoạt nhiều hơn trước, từ tiền ăn, tiền điện nước, tiền học hành của con, tiền xăng xe, điện thoại... Tôi vẫn luôn hiểu trách nhiệm của mình là kiếm tiền để cho vợ con có được cuộc sống sung túc, đủ đầy. Đến giai đoạn này, tôi lại càng phải cố gắng làm việc nhiều hơn. Ban ngày tôi làm ở công ty, buổi tối nhận làm thêm tại nhà. Nhưng đúng thời điểm này thì do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, công ty tôi cũng xuống dốc không phanh khi không bán được sản phẩm, từ đó nguồn thu của tôi bị giảm đi phân nửa.

chuyện hôn nhân

Tôi vẫn biết vợ lo lắng về vấn đề kinh tế, làm sao để chi tiêu hợp lý vừa cho sinh hoạt gia đình, quan hệ xã hội, bạn bè lại có điều kiện cho các con học thêm chất lượng cao, học năng khiếu... Nhưng tôi cũng không nghĩ rằng chỉ vì thu nhập gia đình giảm đi mà vợ tôi lại thay đổi như thế. Tôi cũng không biết từ lúc nào, nỗi lo cơm áo khiến mọi thứ cứ cuống cuồng, rối rắm. Vợ tôi loay hoay với số tiền mang về mỗi tháng, cáu gắt với lịch học dày đặc của các con (trong khi chính vợ tôi lên cái lịch ấy), thờ ơ với việc chăm sóc chồng, bỏ bê cái gọi là phút riêng tư của mỗi cặp vợ chồng. Vợ tôi ngày qua ngày, tháng qua tháng quanh quẩn với hai chữ "trách nhiệm": Trách nhiệm của anh là đón con vì em còn phải chợ búa cơm nước; trách nhiệm của anh là kiếm tiền mà anh không hoàn thành được nên anh phải tự giác mà làm việc nhà; trách nhiệm của anh là nấu cơm, rửa bát khi em không có nhà... 

Hai chữ "trách nhiệm" nó bỗng trở nên quá đỗi nặng nề đối với tôi. Trong khi, lẽ ra trách nhiệm được sinh ra từ yêu thương. Bao lâu nay, tôi chưa bao giờ nề hà với việc nhà, chưa bao giờ từ chối việc đón đưa con. Tôi làm tất cả để cùng vợ chung tay xây dựng một gia đình hạnh phúc. Tôi có cảm giác mình bị vợ coi thường khi lời lẽ không còn ngọt ngào như trước, khi vợ không còn ủng hộ những việc làm mà tôi dự định. Cuộc sống gia đình trở nên ngột ngạt, áp lực bởi tiếng cằn nhằn, quát tháo của vợ mỗi khi hết gạo, hết gas...

Vợ bắt đầu bài ca so sánh tôi và những người đàn ông khác trong mỗi bữa cơm. Ban đầu vợ còn kể chuyện nhà cô bạn đồng nghiệp mới thay cái điều hòa gần ba mươi triệu, chạy êm như ru, mát như gió tự nhiên, ngồi chơi một lúc mà thấy... sướng cả người. Rồi cô bạn học cùng lớp đại học cũng mới mua cái ô tô hơn ba tỷ, đi đâu cũng tiện, chả bao giờ bị nắng mưa, ngồi trên cái xe ấy cũng thấy mình sang hơn, thuộc đẳng cấp khác hẳn. Đâu như nhà mình, điều hòa cũ xì, bật nửa tiếng đồng hồ mới thấy mát; hay cái xe máy đi nửa năm lại phải bảo dưỡng mà chạy cứ rề rề... Chồng mà "trót" buông câu: "Mình ở nhà mình thì mình theo hoàn cảnh nhà mình, so sánh làm gì" là ngay tức khắc, vợ "ca" bài ca anh không có chí tiến thủ, không biết nhìn lên, nhìn xa trông rộng mà học hỏi, cố gắng. Người ta cũng là chồng, là cha sao người ta lại làm cho vợ con người ta sung sướng thế, còn nhà mình thì lẹt bẹt... Tự ái của đàn ông dâng lên, nhưng tôi chỉ im lặng bởi không muốn các con phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau. 

giữ gìn hạnh phúc gia đình

Chuyện "phòng the" cũng vì thế mà ngày càng nguội lạnh, hai vợ chồng đang ở độ tuổi sung mãn nhất thế nhưng vợ luôn từ chối tôi một cách thẳng thừng. Nhiều khi muốn làm hòa với vợ nhưng mới quay sang ôm thì đã bị vợ hất ra: "Mệt muốn chết, để yên cho người ta ngủ". Bao nhiêu ham muốn, yêu thương trong tôi tắt ngóm vì bị vợ tạt cho gáo nước lạnh như băng. Nhiều lần như thế, tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi khi không còn được vợ tôn trọng, gần gũi. Cũng từ khi ấy, vợ chẳng bận tâm đến dung nhan của mình nữa. Quần áo ở nhà thì chân cao, chân thấp, mái tóc mượt mà ngày còn yêu giờ xơ xác, lúc nào cũng thấy vợ buộc túm lên. Chả mấy khi thấy vợ dùng đến kem dưỡng da, nước hoa, đồ trang điểm. Nhiều khi chồng mua tặng vợ lọ nước hoa nhân ngày 8/3, thỏi son ngày sinh nhật nhưng chẳng thấy vợ dùng. Đi làm hay đi đâu ra đường vợ chỉ vớ cái lược chải "vài đường cơ bản" là xong. Góp ý với vợ thì vợ gạt đi: "Ôi giời, ai nhìn nữa mà phải trang điểm, cũng làm gì có thời gian nữa..."

Cứ thế, vợ dường như đã quên mất mình còn có một người chồng để san sẻ, yêu thương. Vợ cứ loay hoay, cứ nặng nề với bài toán kinh tế của gia đình, cứ mặt nặng mày nhẹ với tôi. Tôi từ tự ái, đến tổn thương rồi bỗng nhận được sự quan tâm của một cô gái trẻ, giống như vùng đất khô cạn được tưới dòng nước mát. Chúng tôi quen nhau trong một lần công ty tổ chức cuộc hội thảo. Tôi không đưa đẩy, tán tỉnh cô ấy nhưng cảm thấy nhẹ lòng hơn mỗi khi được nói chuyện, tâm sự cùng nàng. Tôi cũng không so sánh giữa vợ và cô ấy. Tôi chỉ không thích về nhà với vợ sau giờ làm mà muốn đi dạo cùng cô ấy để được cùng nhau kể chuyện, chia sẻ, cùng nhau nghe nhạc. Ở bên cạnh tri kỷ, tôi thấy mình được tôn trọng, được thấu hiểu, được vui vẻ chứ không phải đối mặt với những tra khảo của vợ về tiền lương, cùng với thái độ cáu gắt của cô ấy mỗi khi con xin tiền đóng học phí và bài ca của cô ấy: "Bao giờ thì nhà mình bằng nhà người ta" khiến tôi không chịu nổi. 

Tôi cũng không dám kể với vợ về mối quan hệ này vì tôi sợ vợ thế nào cũng bù lu bù loa lên, tôi không muốn hai con nhìn tôi như một kẻ đang làm điều gì sai trái với gia đình. Giá mà vợ quan tâm đến tôi hơn, bớt cằn nhằn hơn thì chắc tôi cũng đã chẳng cần tìm người khác để nói chuyện cho khuây khỏa. Trước khi muốn trách đàn ông, tôi nghĩ phụ nữ cũng nên nhìn lại mình bởi không phải người đàn ông nào cũng có tính trăng hoa, nhăng nhít, nhưng vợ cứ thế, bảo sao cánh đàn ông chúng tôi không đi tìm người khác để sẻ chia và tâm sự?

Lam Dung

Bình luận
vtcnews.vn