Phụ huynh tuyệt vọng trông chờ vào kết quả xổ số để được cho con vào mẫu giáo

Giáo dụcThứ Hai, 02/10/2017 18:29:00 +07:00

Sự bùng nổ dân số khiến phụ huynh tuyệt vọng trông chờ vào hệ thống xổ số hoặc chi rất nhiều tiền vào trường mẫu giáo tư nhân.

Tại thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ, vị trí của trẻ em 2-5 tuổi trong trường mầm non công lập được xác định bởi lá phiếu trực tuyến. Trừ khi bố mẹ có đủ khả năng chi trả cho giáo dục tư nhân, nếu không nhiều đứa trẻ có nguy cơ bỏ lỡ chương trình giáo dục của những năm đầu đời.

Sukhbaatariin Boldbaatar và vợ không đủ tiền cho con trai hai tuổi học trường tư. Anh đang tìm việc, trong khi vợ ở nhà chăm sóc đứa trẻ một tháng tuổi.

tre-mong-co-phai-quay-xo-so-de-duoc-vao-mau-giao

 Nhiều phụ huynh không có tiền đăng ký vào trường tư buộc phải để con ở nhà cho đến năm 6 tuổi. (Ảnh: AFP)

"Chúng tôi nghĩ sẽ giành chiến thắng và đã sẵn sàng mua đồ đi học cho con. Nhưng tin nhắn đến, báo thằng bé không được chọn. Vào khoảnh khắc đó, tôi nghĩ làm thế nào mà người ta có thể đối xử với trẻ hai tuổi dựa vào may rủi?", Boldbaatar nói trên NDTV ngày 28/9.

Không có chỗ cho con trong hệ thống trường công, họ chỉ có lựa chọn duy nhất là giữ con ở nhà cho đến đủ 6 tuổi, bởi học mẫu giáo không bắt buộc ở Mông Cổ.

Theo Sở Giáo dục thành phố, các trường mẫu giáo công lập ở đây chỉ đủ chỗ cho một nửa trong số 146.000 trẻ em 2-5 tuổi. Các chuyên gia giáo dục đổ lỗi cho kế hoạch dài hạn và chính sách của nhà nước không hiệu quả. Phần lớn trường học do nhà nước quản lý ở Mông Cổ được xây thời Liên Xô, khá ít cơ sở mới được xây dựng kể từ cuộc cách mạng dân chủ năm 1990.

 Tình trạng thiếu chỗ không chỉ gây ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình. Giáo viên các trường công lập đã đình công vào ngày 21 và 26/9 do kiệt sức khi làm việc trong các lớp quá đông và hưởng hương thấp.

Trường mẫu giáo thứ 122 của Bayanzurkh, một trong chín quận của thủ đô Ulaanbaatar có 660 học sinh, gấp đôi sức chứa. "Chúng tôi phải thích nghi với việc dạy hơn 60 em trong mỗi lớp", giáo viên Tsergiin Bayalag cho biết.

"Khối lượng công việc gấp đôi không chỉ ảnh hưởng đến giáo viên. Đầu bếp cũng phải nấu nhiều hơn hai lần. Tôi muốn chính phủ trả lương hợp lý", anh bổ sung.

Tình trạng quá tải gây ra những nguy cơ về sức khỏe, bởi vi khuẩn và bệnh cúm đang lây lan nhanh chóng, khiến các bệnh viện phải vật lộn khi chăm sóc lượng lớn trẻ em bị ốm.

"Dấu hiệu cảnh báo bị bỏ qua"

Theo văn phòng thống kê quốc gia, tỷ lệ sinh ở Mông Cổ tăng từ 18,4 trẻ trên 1.000 dân năm 2006 lên 25,4 trẻ trên 1.000 dân vào năm ngoái. Khoảng 49.000 trẻ ra đời mỗi năm trong thập kỷ trước, trong khi năm ngoái con số này là 80.000. Lời giải thích hợp lý là thế hệ từ cuộc bùng nổ dân số từ những năm 1980 đã bước vào độ tuổi sinh nở.

Tại thủ đô, nơi cư ngụ của một nửa dân số đất nước, cuộc di cư nội địa của những người chăn nuôi không có việc làm từ khu vực nông thôn đã khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng. Batkhuyagiin Batjargal, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Liên minh Giáo dục Mông Cổ, cho biết cuộc khủng hoảng là kết quả của chính sách công sai lầm.

"Có đủ dấu hiệu cảnh báo, nhưng chưa đủ biện pháp được tiến hành", ông nhận định.

Tỷ lệ sinh tăng vọt trong "năm lợn vàng" 2007 bởi người Mông Cổ tin rằng năm đó mang lại sự thịnh vượng, nhưng dự đoán nhu cầu về nguồn tài nguyên khi những đứa trẻ lớn lên không được tính toán kỹ. Chính phủ đang xây dựng trường học ở khu ổ chuột trong các quận của Ulaanbaatar, song các khoản nợ của nước này khiến việc đầu tư bị hạn chế.

Các trường trung học cơ sở cũng bị nhồi nhét, song học sinh không phải quay xổ số để kiếm chỗ do hiến pháp Mông Cổ đảm bảo giáo dục miễn phí cho mọi trẻ em từ 6 tuổi.

Lkhagvasurengiin Oyunchimeg, giáo viên của một lớp 44 học sinh ở Trường số 65, không thể tìm thấy phòng học trống để dạy ngoài giờ cho các học sinh bị tụt hậu kiến thức so với bạn học. "Đôi khi chúng tôi dạy các em đó trong hành lang, nhưng đó không phải không gian thích hợp nên chúng dễ bị phân tâm", Oyunchimeg nói.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn