Phụ huynh nháo nhác tìm lớp, chi tiền triệu cho con 'luyện thi' vào lớp 1

Giáo dụcThứ Năm, 20/06/2019 07:37:00 +07:00

Dù gần 2 tháng nữa năm học mới chính thức bắt đầu, nhưng thay vì vui chơi, giải trí, nhiều trẻ chuẩn bị vào lớp 1 lại phải học miệt mài.

Chị Nguyễn Hà Thy (Long Biên, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 chia sẻ, chị đã xác định được cho con đăng ký học trường công đúng tuyến, ngay gần nhà.

Năm học mới diễn ra vào tháng 8, nhưng ngay từ đầu tháng 5, chị Thy phải hỏi thăm khắp nơi, tìm lớp học thêm tiền lớp 1 cho con. “Môi trường tiểu học khác hẳn với bậc mẫu giáo. Để con làm quen với những thứ mới như tập đọc, tập viết, tập trung học trong lớp nhiều giờ, tôi cho rằng việc học trước là cần thiết. Điều này giúp con không bị bỡ ngỡ khi vào lớp 1”.

Chị Thy cho biết, những ngày đầu, con trai chị khá hào hứng với việc học theo cách hoàn toàn mới. Sau dần bé có tâm lý sợ đi học, không còn hào hứng như trước nữa. Dù vậy, chị vẫn cho con tiếp tục học, mong không bị “tụt hậu” so với những trẻ khác.

hoche1

 Nhiều phụ huynh cho con học tiền lớp 1 dịp hè. (Ảnh minh họa: Vietnamnet).

Chị Hoàng Liên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Thấy ai cũng cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1, sợ con không theo kịp các bạn, lạc lõng, nên tôi quyết định cho con đi học trước cho bằng bạn bằng bè. Ép con học sớm trong mùa hè nóng lực cũng thấy tội, nhưng thế còn hơn là để vào năm học phải vật vã”.

Con gái chị Liên 6 tuổi, biết đọc và đếm số, nhưng chưa đọc thông viết thạo như vài bạn cùng lớp, nên ngày nào, vợ chồng chị cũng phân công lịch đưa con đi học. Hiện cháu học tại nhà cô giáo mà chị biết chắc rằng sẽ dạy con năm học tới.

Mỗi tháng chị Liên chi khoảng 4,5 triệu đồng cho con học tiền lớp 1. Trước đó, vợ chồng chị cũng tìm những lớp học kỹ năng mềm và phát triển tư duy, học phí mỗi khóa cũng lên đến 5 triệu đồng cho 10 buổi học.

Không chỉ tại các đô thị lớn, nhiều vùng nông thôn, phụ huynh cũng đang chạy đua cho con học trước khi vào lớp 1.

gia đình anh Nguyễn Duy Tâm (Nam Sách, Hải Dương) có con trai năm nay bước vào lớp 1 chia sẻ: “Bé trước gia đình tôi không cho con đi học trước, khi vào năm học, các bạn biết đọc, biết viết hết, còn con mình vẫn ngô nghê, chậm hơn hẳn, cô giáo liên tục báo về nhà là cháu học chậm, không theo kịp các bạn. Nên đến cháu thứ 2, vợ chồng tôi đầu tư cho con đi học từ sớm”.

Được biết, cả 2 vợ chồng anh Tâm đều làm công nhân tại khu công nghiệp Nam Sách, tiền học thêm của con mỗi tháng hết 5 triệu đồng, tương đương với 1 tháng lương của vợ anh. Thế nhưng, vợ chồng anh vẫn quyết tâm cho con đi học thêm bằng được.

Không cần học thêm, bố mẹ làm gì để con thích nghi với lớp 1?

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, khoa giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, học tiền lớp 1 mà học chữ trước thì không được phép và hoàn toàn không nên. Việc học trước là do phụ huynh lo lắng quá đà.

“Bên cạnh tâm lý thích khoe con, sính bệnh thành tích của không ít phụ huynh, còn có tâm lý quá lo lắng cho con", tiến sĩ Hương nói.

Theo chuyên gia giáo dục này, 5 năm ở bậc tiểu học là thời gian để trẻ làm quen với việc học hành. Như vậy, việc học trước khi vào lớp 1 không những thừa mà còn có nhiều hệ lụy khác như làm cho các bé sợ học, ghét học, chán nản và phá phách. Đó là chưa tính đến những hệ lụy khác mà trẻ sẽ gặp phải về sức khỏe khi phải học quá sớm.

Một thực tế khác là những trẻ biết chữ rồi khi học lại bài học cũ thường chủ quan, chán chường và dễ rơi vào trạng thái thiếu tập trung trong học tập. Sau hơn 2 tháng biết nhiều hơn bạn thì cũng đồng thời là thiếu tập trung hơn bạn, trẻ sẽ tự hình thành thói quen không tập trung trong việc học tập. Khi đó, gặp bài mới, trẻ sẽ chóng nản, ghét học, chán học và ức chế với việc học.

Ở độ tuổi này, thay vì nhồi nhét kiến thức cho con, các phụ huynh nên dạy con cách dần thích nghi với kỷ luật, nề nếp.

Ngoài ra, khi con gặp khó khăn về việc thích nghi với môi trường mới, cha mẹ cần thiết cho con dần làm quen bằng cách cho con qua trường tiểu học, giới thiệu về mọi thứ, cùng con đi mua đồ dùng học tập, trò chuyện cùng con về lớp 1.

Ngoài ra, cha mẹ cũng rất cần chuẩn bị trước kiến thức và tâm lý để chiến đấu cùng con ở cấp học mới.

Trong đó, việc quan trọng nhất mà cha mẹ phải lo lắng dạy con suốt 5 năm học hành đầu đời là: Dạy con biết học là nhiệm vụ của mình; biết học là quyền lợi to lớn của con; dạy con học tập trung; biết tự giác học bài; dạy con biết tự chăm lo cho bản thân khi không có cha mẹ ở bên cạnh; dạy con biết tự ứng xử, ứng phó trong các tình huống và đặc biệt là các tình huống nguy hiểm…

Cha mẹ cũng nên tránh suy nghĩ rằng con quá bé bỏng nên làm hộ con mọi việc, như vậy sẽ chỉ làm hại con mà thôi.

Nguyễn Trang/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn