Phóng viên bị 'gạt tay vào má' trên cầu Nhật Tân: Dùng từ 'tát' là chính xác nhất

Pháp luậtThứ Bảy, 01/10/2016 18:33:00 +07:00

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, kết luận của công an Hà Nội sử dụng từ "gạt tay vào má" phóng viên là không hợp lý, dùng từ "tát" là chính xác nhất.

Công an Hà Nội kết luận về vụ việc xô xát giữa 2 cảnh sát hình sự - Công an huyện Đông Anh và phóng viên Quang Thế - báo Tuổi Trẻ và cho rằng các hành vi của các chiến sĩ chỉ là "gạt tay vào má" và "đá nhưng không trúng" nên đã khiển trách một người, một người phải viết kiểm điểm, rút kinh nghiệm. 

cong an danh phong vien

Công an huyện Đông Anh "gạt tay vào má" phóng viên trên cầu Nhật Tân

Đối với phóng viên Trần Quang Thế, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã thông báo, gửi quyết định xử phạt hành chính với 6 lỗi vi phạm gồm: Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng;

Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng. Tổng mức tiền phạt trên là 14.405.000 đồng.

Bàn về quyết định xử phạt phóng viên Quang Thế với 6 lỗi vi phạm trên, luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: "Việc xử phạt sẽ khiến phóng viên có nhân thân xấu. Nó khác hẳn với hành vi vượt đèn đỏ giao thông..."

Video: Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội trả lời vụ việc công an "gạt tay vào má" phóng viên

Trong 6 lỗi vi phạm trên, luật sư Tú chỉ đồng quan điểm với việc xử phạt hành vi đỗ xe trên cầu của phóng viên Quang Thế. Những lỗi còn lại luật sư Tú thấy hơi mù mờ, chưa xác định rõ.

 
Trong từ điển tiếng Việt, động từ "gạt" có nghĩa là đẩy sang một bên, ví dụ như "gạt đi nước mắt...". Bởi vậy, từ "gạt" sử dụng trong trường hợp này rõ ràng là không hợp lý. Về vụ việc này, dùng từ "tát" là chính xác nhất.

LS Trương Anh Tú

"Công an không lập biên bản vi phạm hiện trường nhưng lại ra quyết định xử phạt vi phạm hiện trường là không chính xác. Áp quy định chụp ảnh tại khu vực cấm là chưa xác định được. Theo đó, chưa đủ tài liệu và chứng cớ xác định rõ hành vi phạm tội của phóng viên Quang Thế", luật sư Tú nói.

Theo dõi diễn biến vụ việc những ngày qua, luật sư Tú cho rằng, đây là việc chỉ đáng chú ý về mặt dư luận, về hình sự cả hai bên đều không đáng bị xử lý. "Việc không xử lý hình sự hai bên là đúng, không có gì phải thắc mắc. Tuy nhiên vấn đề xử phạt hành chính phóng viên Quang Thế 6 lỗi như thế thì cần phải xem xét lại", luật sư Tú khẳng định.

Khi nêu ý kiến về kết luận "gạt tay vào má" hay "đá chân chưa tới" từ phía cơ quan công an, luật sư Tú nói: "Thực ra cái kết luận như vậy là chưa "hay". Rõ ràng hành vi của hai chiến sĩ là không phù hợp nên Công an thành phố Hà Nội mới yêu cầu kiểm điểm, khiển trách. Chứ nếu đúng đã không bị xử lý gì cả".

"Đã kết luận nó phải đúng bản chất đến 100%, còn nếu 99% vẫn là chưa đúng. Việc đưa ra kết luận, nếu dùng ngôn từ không đúng, ngữ cảnh lại khác đi thì dễ gây ra hiểu lầm và sai bản chất của sự việc. Trong từ điển tiếng Việt, động từ "gạt" có nghĩa là đẩy sang một bên, ví dụ như "gạt đi nước mắt...".

Bởi vậy, từ "gạt" sử dụng trong trường hợp này rõ ràng là không hợp lý. Về vụ việc này, dùng từ "tát" là chính xác nhất. Trong từ điển tiếng Việt từ dộng từ "tát" được định nghĩa là đánh mạnh vào mặt bằng bàn tay đang mở..." - luật sư Tú nói.

Video: Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ việc hành hung phóng viên trên cầu Nhật Tân

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn