Những trăn trở đầu năm Mậu Tuất của Bộ trưởng Y tế

Sức khỏeThứ Sáu, 16/02/2018 12:00:00 +07:00

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ về những kỳ vọng, trăn trở trong việc chăm sóc, đảm bảo sức khỏe người dân nhân khi năm mới Mậu Tuất vừa đến.

Tết đến Xuân về không chỉ là thời điểm đầm ấm sum vầy bên gia đình, bạn bè mà còn là thời điểm cùng nhìn lại một năm qua đi và đặt ra những mục tiêu mới cho năm sắp tới.

Ngày đầu năm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông qua báo điện tử VTC News gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn dân đồng thời có những tâm sự, chia sẻ đặc biệt về những  kỳ vọng, trăn trở trong năm mới đối với việc chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kỳ vọng nhiều trong năm mới

- Thưa Bộ trưởng, năm 2017 với nhiều chuyện buồn và không may mắn của ngành y đã qua đi. Năm 2018 đã tới với những mục tiêu, kỳ vọng to lớn được Chính phủ và người dân dành cho ngành Y tế cũng là một năm nhiều trách nhiệm, nhiều việc phải làm… Với vai trò là tư lệnh ngành, xin Bộ trưởng chia sẻ đôi điều về những dự định trong năm 2018?

Bộ Y tế luôn đặt mục tiêu lấy người dân làm trung tâm để xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng, bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe.

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong suốt nhiều năm qua, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành, tập trung triển khai thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trong năm 2018, trong đó chú trọng tới nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách theo Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Y tế để tạo hành lang pháp lý trong việc đổi mới căn bản từ hệ thống tổ chức, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, quản lý và quản trị đơn vị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính… đến việc triển khai các giải pháp chuyên môn.

10887192_1527229397540482_2254203124219323672_o

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương, hy vọng đến cuối năm 2018, ngành Y tế sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế đề ra, đáp ứng được những mong mỏi, kỳ vọng của dân với ngành Y và công tác khám chữa bệnh.

Hệ thống y tế sẽ có nhiều khởi sắc, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở và người dân được quản lý sức khỏe, chăm sóc ban đầu đầy đủ và toàn diện hơn.

- Là người làm công tác y tế lâu năm và cũng là người đứng đầu ngành Y tế hiện nay, Bộ trưởng có trăn trở và mong muốn gì về việc nâng cao sức khỏe nhân dân?

Nghị quyết 20-NQ/TW đề ra mục tiêu với các nhiệm vụ, giải pháp rất thiết thực, cụ thể, Chính phủ cũng ban hành Chương trình hành động (Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017) và phân công cho các bộ, ngành, các cấp thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

ds

 

Ngày xưa thì chỉ mong ăn no thôi, bây giờ thì ăn no, ăn ngon và bắt đầu chú ý hơn đến rèn luyện thể dục, thể thao.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Song, điều trăn trở nhất của tôi là liệu các Bộ, Ngành, các cấp có nhận thức đầy đủ, thực sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân hay không.

Các cấp, các ngành, các địa phương có đưa mục tiêu, chỉ tiêu về Y tế và các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khỏe như Môi trường, Thể dục Thể thao, Văn hóa… vào chương trình, kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội không?

Tôi cũng băn khoăn việc liệu rằng nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có được cân đối, huy động đầy đủ và sử dụng hiệu quả không.

Bản thân tôi cũng như mọi người dân luôn mong muốn thể chất và tầm vóc của người Việt Nam được cải thiện nhanh chóng để xứng vai với các nước trong khu vực và thế giới.

Năm 2018 còn nhiều thách thức với ngành Y

- Hội nghị lần thứ 6 - Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cho thấy, đây là một công tác hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước, qua đó cũng cho thấy trách nhiệm hết sức nặng nề của ngành Y tế trong năm 2018. Là người đứng đầu ngành Y, Bộ trưởng có tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra? Đâu là khó khăn và thuận lợi?

Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đạt được nhiều kết quả to lớn.

Các chỉ số sức khỏe, cũng như tuổi thọ bình quân được cải thiện đáng kể, tăng gần 8 tuổi. So với năm 1990, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4.

Chúng ta kiểm soát và ngăn chặn được nhiều bệnh dịch nguy hiểm, kiểm soát được bệnh lao, sốt rét, sởi, HIV/AIDS... Thanh toán được bệnh phong, bại liệt, uốn ván sơ sinh.

Đặc biệt năng lực, chất lượng điều trị ở các tuyến được nâng lên rõ rệt. Không ít kỹ thuật cao trước đây chỉ làm được ở các bệnh viện trung ương tuyến cuối nay đã trở thành thường quy ở nhiều bệnh viện tỉnh, huyện.

Theo ghi nhận y khoa thế giới có thể ghép 6 tạng: Thận, gan, tim, tụy, phổi và ruột thì Việt Nam đã ghép thành công 5 tạng gồm thận, gan, tim, ghép khối tụy - thận và phổi; cứu sống nhiều người bệnh.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống tổ chức y tế còn thiếu ổn định, hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Chất lượng dịch vụ, nhất là ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý nhà nước về Y tế tư nhân, cung ứng thuốc, thiết bị y tế còn nhiều yếu kém. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế.

Công nghiệp dược, thiết bị y tế phát triển chậm. Đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý trong các cơ sở y tế công lập còn lúng túng. Đào tạo, sử dụng, cơ cấu, chế độ đãi ngộ cán bộ y tế còn nhiều bất cập.Sự chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền còn lớn. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao.

Tầm vóc người Việt Nam chậm được cải thiện. Sau 25 năm chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm 3 cm. Số năm sống khoẻ chưa tăng tương ứng với tuổi thọ.

Video: Bộ trưởng Bộ Y tế mặc áo cờ đỏ sao vàng cổ vũ U23 Việt Nam

Trong bối cảnh trong nước và thế giới đang có nhiều đổi thay, tác động mạnh đến sức khỏe nhân dân, Hội nghị lần thứ 6 - Ban chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng, chủ trương bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đổi mới mạnh mẽ từ quan điểm đến mục tiêu, bao quát toàn diện các yếu tố tác động đến sức khỏe; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra đồng bộ, chuyên sâu, thiết thực và cụ thể theo từng lĩnh vực.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW quy định trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, các ngành, các cấp và toàn thể xã hội có nghĩa vụ tham gia, thực hiện, trong đó ngành y tế làm nòng cốt.

Ngoài những nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đề ra cho từng lĩnh vực hoạt động, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành xây dựng trên 70 chương trình, đề án. Riêng ngành y tế chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng 56 đề án chính sách và phải xong trước năm 2020.

Trong đó, năm 2018 có 17 đề án, một số là đề án Luật, còn đa số là các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định. Qua đó cho thấy trách nhiệm hết sức nặng nề của ngành Y tế và các cơ quan liên quan trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW, ngành Y tế cũng có nhiều thuận lợi, nhiều chương trình, đề án đã được Bộ Y tế nghiên cứu, chuẩn bị trước, đang được triển khai từ những năm 2015 - 2016, đồng thời phát huy những thành tựu đạt được, cùng sự có gắng, nỗ lực, sáng tạo của toàn ngành, khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2018 của ngành Y tế là rất lớn. Tôi tin tưởng vào điều đó.

Nói về khó khăn, thách thức có lẽ cũng rất nhiều bởi điều kiện và năng lực thực thi nhiệm vụ còn hạn chế, nhận thức và trách nhiệm của các bộ, ngành, các cấp chưa đầy đủ, trong khi Nghị quyết 20-NQ/TW đề ra những yêu cầu về đổi mới hết sức đồng bộ, toàn diện và sâu sắc, giải quyết các vấn đề từ nguyên nhân gốc rễ, từ thụ động sang chủ động, từ các yếu tố tác động đến sức khỏe như ô nhiễm môi trường, dinh dưỡng, rèn luyện thể thao, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, y tế học đường, phòng chống ma tuý, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá, tai nạn giao thông, đuối nước, cung cấp nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh...,

Chính vì vậy, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương mà trước hết phải tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi người dân để thực hiện quan điểm “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội".

- Chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn có thể do ngành y tế chỉ đạo trực tiếp nhưng “đổi mới căn bản giáo dục thể chất, tâm lý, tăng số môn tập luyện tự chọn trong nhà trường, kết hợp chặt chẽ với luyện tập ngoài nhà trường hay tăng cường công tác y tế học đường” lại liên quan đến ngành giáo dục. Với vai trò là nòng cốt trong việc thực hiện Nghị quyết 20, ngành Y tế có kế hoạch cụ thể gì để thực hiện những mục tiêu đó?

Nghị quyết 20-NQ/TW không phải chỉ riêng cho ngành y tế, giải quyết các vấn đề về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

Đặc biệt trong vấn đề bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân đòi hỏi các bộ, các ngành, các cấp, các đoàn thể cùng tham gia, triển khai các giải pháp Nghị quyết đề ra theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho các bộ, ngành.

Chính vì vậy, nhiệm vụ “đổi mới căn bản giáo dục thể chất, tâm lý, tăng số môn tập luyện tự chọn trong nhà trường, kết hợp chặt chẽ với luyện tập ngoài nhà trường hay tăng cường công tác y tế học đường” được giao cho Bộ Giáo dục – Đào tạo làm đầu mối thực hiện, có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương (như Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn và văn bản hướng dẫn chuyên môn).

Vì vậy trong kế hoạch hành động của Bộ Y tế triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW, Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các Vụ, Cục chuyên môn tiếp tục hoàn thiện các quy định, văn bản hướng dẫn và triển khai mở rộng đề án y tế học đường như: Dinh dưỡng học đường, răng miệng, phòng chống giun sán, cận thị, cong vẹo cột sống…

Tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ, nâng cao sức khỏe học sinh tại các trường học.

- Những ngày cuối năm 2017 là thời điểm rất vui của cả nước ta. Đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam vừa dành được huy chương Bạc giải U23 châu Á làm nức lòng người hâm mộ trong cả nước. Bộ trưởng cũng là người rất yêu thể thao, vậy nhìn theo một góc hẹp hơn từ thành tích của U23 Việt Nam rằng thành tích trên rất tuyệt vời, nhưng thực tế không thể phủ nhận chiều cao cũng như thể trạng cầu thủ Việt Nam khá bé nhỏ. Bộ trưởng có hy vọng chương trình chăm sóc sức khỏe cho toàn dân mà như mục tiêu Nghị quyết 20 đề ra sẽ góp phần nâng cao thành tích thể thao nước nhà trên trường quốc tế?

Một điều dễ thấy về tầm vóc và thể lực của người Việt Nam khi các vận động viên Việt Nam (mặc dù là những người được rèn luyện, tuyển chọn) tham gia vào các Đại hội thể thao khu vực và quốc tế, cũng như những hình ảnh trên các phương tiện thông tin truyền thông còn thấp bé so với các vận động viên quốc tế.

apgs-236859-1516674651463 3

Thành tích của U23 Việt Nam rất gây ấn tượng với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Vừa qua, việc các cầu thủ U23 Việt Nam đá 2-3 trận liên tiếp trong thời gian hơn 120 phút thi đấu là một điều phi thường, một sự nỗ lực vượt bậc và một tinh thần quả cảm của các cháu. Nhìn các cháu căng mình chiến đấu trong mưa tuyết tôi rất thương.

Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến điều này, không chỉ nâng cao thể trạng thể lực cho các cầu thủ mà cho mọi người dân, chính vì vậy nhiệm vụ nâng cao sức khỏe lần đầu tiên được tách thành một mục riêng và đưa lên trước các nhiệm vụ chuyên môn về y tế.

Kết quả vừa qua cái lớn nhất là nhận thức về tầm quan trọng của sức khoẻ được nâng lên. Bây giờ mọi người vẫn có câu "phú quý sinh lễ nghĩa", ngày xưa thì nghèo quá, bây giờ đời sống khá giả lên, việc tăng cường tuyên truyền cũng giúp ý thức giữ gìn sức khoẻ của người dân được nâng lên.

Điều này thể hiện từ việc sử dụng cầu tiêu hợp vệ sinh, nước sạch cho đến ăn uống. Ở thành thị, sau khi tỷ lệ béo phì tăng lên, người dân bắt đầu chú ý đến thói quen ăn uống.

Ngày xưa thì chỉ mong ăn no thôi, bây giờ thì ăn no, ăn ngon và bắt đầu chú ý hơn đến rèn luyện thể dục, thể thao. Chúng tôi đánh giá tất cả các chỉ tiêu về sức khoẻ đều nâng lên rất tốt, song tôi muốn nhấn mạnh thêm về hoạt động thể lực. Từ trước đến nay chúng ta cũng chưa chú ý đến thế nào là có vận động thể lực, khi nghiên cứu ra thì thế giới họ quy định rất cụ thể.

Tổ chức Y tế Thế giới, WHO quy định chúng ta vận động ở cường độ bình thường thì phải đạt đủ 150 phút một tuần, cường độ cao hơn thì thời gian có thể bằng một nửa.

Theo tỷ lệ được khảo sát nhờ vào các tổ chức quốc tế, ở nước ta tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực vẫn còn cao lắm, chính bởi vậy Nghị quyết đề ra giải pháp cụ thể về nâng cao sức khỏe, Chương trình hành động của Chính phủ cũng giao cho Bộ y tế làm đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng “Chương trình sức khỏe Việt Nam” trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong năm 2018.

Khi triển khai chương trình này sẽ trực tiếp góp phần cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam và chắc chắn góp phần quan trọng trong việc nâng cao thành tích thể thao nước nhà trên trường quốc tế.

Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới, thay mặt toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong lĩnh vực y tế, tôi xin gửi tới toàn thể nhân dân lời chúc mừng năm mới, Mạnh khỏe, Hạnh phúc, An khang, Thịnh vượng. Chúc báo VTC News và các cơ quan truyền thông phát triển, thành công hơn trong năm mới.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyên Hoàng - Thu Minh
Bình luận
vtcnews.vn