Những thân cây lạ quanh ngôi đền linh thiêng không ai dám vào ở Hà Giang

Phóng sựThứ Tư, 06/01/2016 06:40:00 +07:00

Bất kỳ thân cây nào trong rừng cấm đều là nơi trú ngụ của thần linh.

(VTC News) - Bất kỳ thân cây nào trong rừng cấm đều là nơi trú ngụ của thần linh.

Kỳ 2: Thân cây lạ quanh ngôi đền thiêng

Từ nhà thầy cúng Lù Vần Xẻng một lát, thì khu rừng cấm linh thiêng của người Nùng ở núi Đản Kháo trên dãy Tây Côn Lĩnh, thuộc xã Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì, Hà Giang) hiện ra trước mắt. Ông Xẻng đứng trước cổng rừng, quỳ gối lạy xin thần rừng cho cán bộ vào rừng cấm.

Sau khi thần rừng “đồng ý”, theo như lời ông Xẻng, thì ông quay sang bắt chúng tôi hứa sẽ không xâm phạm đến rừng. Ông Xẻng lại quay vào rừng cúng khấn, như trò chuyện với thần rừng đang đứng trước mặt bằng thứ ngôn ngữ lạ. Một lát sau, ông Xẻng bảo thần rừng cho vào rồi.

Bất kỳ ai muốn vào rừng cấm, kể cả người trong bản, đều phải có ông Xẻng, người giữ rừng cấm, trông đền thiêng dẫn đường, mới được vào.

Cây cổ thụ trong rừng cấm Pờ Ly Ngài
Cây cổ thụ trong rừng cấm Pờ Ly Ngài 

Cả một rừng cây cổ thụ mênh mông ngút tầm mắt. Cây kháo da vàng au, thân thẳng tắp, sừng sững như những vệ sĩ, chọc thẳng lên trời xanh. Ngửa cổ nhìn mỏi mắt mới thấy ngọn cây lẫn trong mây mù. Những cây đa mới thực sự to lớn, cây nào cây nấy cứ phình tướng lên, tuổi đời của nó dễ đến ngàn năm, rễ vằn vện luốn lượn trên mặt đất như những con trăn khổng lồ.

Có những giống cây cổ thụ mà bao năm đi rừng tôi chưa từng gặp. Từ gốc đến ngọn đầy những “ung bướu”, “mụn nhọt” to như cái thúng. Đồng bào ở đây gọi là cây máy mặc ma. Lúc đầu “mụn” ở thân cây chỉ bằng ngón tay, rồi to dần bằng cái thúng. Không ai biết bên trong “khối u” đó là cái gì.

 
Nhiều thân cây u cục kỳ quái
Nhiều thân cây u cục kỳ quái 

Dân bản, kể cả thầy cúng Xẻng cũng tò mò lắm, muốn đục ra xem, nhưng đây là rừng cấm nên chịu. Bất kỳ thân cây nào trong rừng cấm đều là nơi trú ngụ của thần linh. Do đó, động vào cây là xúc phạm đến nơi ở của thần rừng. Tuổi của những thân cây lạ này có lẽ đến mấy trăm năm.

Đi bộ cả tiếng trong khu rừng cấm mà tuyệt nhiên không thấy có một con muỗi, con rĩn hoặc con vắt nào. Cây to, tán rộng phủ kín mít, dưới đất thiếu ánh sáng, cỏ không mọc được nên rất sạch sẽ.

Ngôi đền thiêng hiện ra giữa trung tâm rừng cấm. Duy nhất ngôi đền có ánh sáng lọt qua tán cây chiếu xuống, do đó, nhìn từ xa, ngôi đền lúp xúp chợt sáng bừng lên giữa bốn bề âm u tĩnh mịch.

Ngôi đền có tường trình đất rất dày, lợp bằng ngói đất nung, nằm trên một mỏm đất rộng và sạch sẽ. Ngôi đến này mới được dân bản làm lại 30 năm nay, trên nền ngôi đền cũ. Còn ngôi đền cũ có từ bao giờ thì không ai biết.

 
Ngôi đền trình đất
Ngôi đền trình đất 

Xung quanh ngôi đền rất sạch sẽ. Mỗi tuần, thầy cúng Lù Vần Xẻng đều vào rừng cấm, quét dọn đền.

Có một chi tiết độc đáo, là trước ngôi đền có hai thân cây lạ án ngữ. Loài cây này không bao giờ ra hoa, ra quả. Tổ tiên 5 đời trước của thầy cúng Xẻng kể cho con cháu rằng, khi ông tổ sinh ra đã thấy hai cây lạ này rồi. Mấy trăm năm tuổi, nó vẫn chỉ to bằng bắp đùi.

Ông Xẻng để ý thấy mấy năm liền nó không nảy chồi, cũng không thấy có cái lá vàng nào. Quá trình lớn lên, cỗi đi của nó cực chậm. Với hai cây này, hẳn thời gian không trôi. Trông nó nhang nhác cây chè, nhưng rõ ràng không phải chè. Ở các cánh rừng đều không có loài cây này, cũng không ai biết nó. Có một ông thầy cúng người Trung Quốc sang thăm rừng cấm và bảo nó là cây quỷ hóa và chỉ có ở Trung Quốc.

Video trâu rừng đuổi sư tử


Ngôi đền có 3 gian và chỉ mở vào ngày lễ cúng rừng và khi đó, chỉ người đức cao vọng trọng, có uy tín với dân bản mới được vào. Kể cả những ngày hành lễ cúng rừng, những người khách lạ như chúng tôi cũng chỉ được đứng nhìn ngôi đền từ xa.

Không biết trong ngôi chùa thiêng huyền bí kia có điều gì bí ẩn mà người ta sợ đến vậy? Các vị thần rừng có thực sự ngự ở đó để tìm cách giúp đỡ con người như lời kể của ông thầy cúng và tất cả người Nùng ở xứ xở này hay không? Mọi sự thuyết phục được vào trong ngôi chùa của tôi đều thất bại.

Tuy nhiên, trí tò mò muốn khám phá bí ẩn trong ngôi đền thiêng đã chiến thắng sự sợ hãi của tôi. Sau đêm ăn ngủ ở nhà thầy cúng Lù Vần Xẻng, hôm sau tôi cáo biệt ông để… xuống núi. Tuy nhiên, tôi không vòng ra UBND xã để lấy xe máy mà cuốc bộ vào rừng cấm với tâm trạng hồi hộp.

Bệ thờ bằng đất
Bệ thờ bằng đất 

Tôi mở cửa đền thiêng. Khác với tưởng tượng của tôi, bên trong ngôi đền rất đơn sơ. Lòng đền rộng chừng 30m2, nền đất và khá sạch sẽ. Kể cả bệ thờ thần rừng thiêng liêng cũng được đắp bằng đất. Trên bệ thờ có 2 chai rượu, ba hàng chén, mỗi hàng có 6 chiếc và một cổ vật bằng đồng, trông giống với cây để nến ở các bàn thờ dưới xuôi.

Tôi không có khả năng trông thấy hay giao tiếp được với vị thần linh nào cả, nhưng tôi tin rằng, Thần Rừng ngự trị trong tâm thức tất cả người Nùng nơi đây. Thế nên, những cánh rừng trên đỉnh Đản Kháo mờ sương vẫn còn hoang hoải.

Còn tiếp...

Dương Phạm - H.Minh
Bình luận
vtcnews.vn