Vì sao cặp vợ chồng đào hát bị tế sống ở sông Hóa?

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 21/02/2015 06:12:00 +07:00

Những hôm diễn ra hội hè, tế lễ, cặp vợ chồng đào hát lại “hiện về” khóc lóc kêu oan thảm thiết.

(VTC News) - Những hôm diễn ra hội hè, tế lễ, cặp vợ chồng đào hát lại “hiện về” khóc lóc kêu oan thảm thiết.


Kỳ 2 (kỳ cuối): Cuộc hiến tế kinh dị


Sau nhiều lần đoạn đê sông Hóa qua làng Phương Man (hiện thuộc xã Thụy Dũng, Thái Thụy, Thái Bình) bị vỡ, các cụ trong làng đã mời thầy pháp đến tìm hiểu. Thầy pháp đã “mời” Hà Bá lên hỏi nguyên do. Tương truyền, Hà Bá muốn được hiến tế cặp vợ chồng tơ trò, tức là nghề ca kỹ, còn gọi là đào hát.

Thầy pháp truyền lại “ý chỉ” của Hà Bá cho các cụ già. Nhiều cuộc họp trong làng Phương Man đã diễn ra. Hầu hết các ý kiến đều phản bác chuyện hiến tế người sống, bởi đây là việc thất đức, gieo họa chết chóc.

Thế nhưng, những lần hạp long sau đó đều thất bại, nên các cụ già đã quyết định đưa thông tin ra cho cả làng bàn bạc.

Mọi người trong làng đã quyết định mời thầy cúng đến gieo quẻ. Thầy cúng gieo quẻ nhiều lần đều được. Không còn cách nào khác, chức dịch làng đành làm theo lời nhắc bảo của thủy thần.

Sau khi quyết định phương án đó, thì tại làng Phương Man diễn ra chuyện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhằm đảm bảo thông tin được tuyệt mật.
Đoạn đê sông Hóa bị vỡ và cũng là nơi diễn ra cuộc tế sống vợ chồng đào hát hơn 200 năm trước 
Mấy người trong làng được phân công đến các địa phương cách xa Phương Man tìm kiếm những người làm nghề đào hát.

Ngày 15 tháng chạp, đúng ngày nước rút cạn nhất, một cặp vợ chồng đào hát ở tỉnh ngoài đã được mời đến Phương Man biểu diễn.

Đêm đó, toàn bộ dân làng, từ già, trẻ, gái trai đều có mặt ở bờ đê sông Hóa. Dân làng đã bắc sẵn sân khấu bằng dàn tre trên miệng vực. Trên mặt sân khấu được rải nhiều chiếu cói. Phía dưới sân khấu là vực sâu do nước xoáy tạo thành.

Trước khi cặp vợ chồng đào hát biểu diễn, thì thầy phù thủy cúng bái, làm lễ hiến tế. Dân làng đã sẵn tre nứa, gỗ đá, sọt đất, chỉ đợi lệnh là hạp long.
Ông Nguyễn Văn Dương chỉ nơi từng có ngôi miếu cũ thờ cặp vợ chồng tơ trò 
Khoảng 8-9 giờ tối hôm đó, trong khi vợ chồng nhà tơ trò đang say sưa đàn hát, theo lệnh của thầy phù thủy, người ta giật dây cho sạp tre đổ xuống vực, kéo theo cả vợ chồng người đào hát rơi xuống đó. Ngay đêm đó cho tới mấy ngày sau đoạn đê vỡ đã được hạp long thành công.

Từ đó, mặc cho mưa to, gió lớn nước sông dâng cao, đoạn đê sông Hóa chảy qua làng Phương Man vẫn bình yên vô sự. Điều kỳ lạ, là nước sông Hóa không phóng thẳng vào đoạn đê làng Phương Man nữa.

Từ điểm xói lở, đoạn đê làng Phương Man biến thành nơi bồi lấp. Dòng sông Hóa cứ lùi xa dần, tạo ra bãi bồi rộng mênh mông ở ngôi làng này.

Ông Nguyễn Hữu Thanh, 75 tuổi, người nắm rõ nhất cuộc hiến tế người ở làng Phương Man cho biết, theo lời các cụ kể lại và thư tịch ghi chép của làng, hồi mới hàn gắn xong đê, vào những ngày trở trời, dân làng vẫn thấy cặp vợ chồng tơ trò hát ở đê sông Hóa.

Những hôm diễn ra hội hè, tế lễ, cặp vợ chồng này lại hiện về khóc lóc kêu oan thảm thiết.

Thấy việc hiến tế vợ chồng đào hát tàn nhẫn quá, nên dân làng đã mời thầy về cúng tế nhiều ngày, giúp cặp vợ chồng đào hát được siêu sinh. Sau đó, dân làng đã góp công, góp của xây dựng ngôi miếu, lấy tên là miếu Tơ Trò.
Miếu Tơ Trò mới được xây dựng lại ở cạnh ngôi miếu cũ, ngay con đê sông Hóa, nơi diễn ra cuộc tế sống vợ chồng đào hát hơn 200 năm trước 
Sau này, có người gọi là miếu Tơ Trò, có người gọi là miếu Đào Hát. Ngôi miếu ấy được đặt trên đê, đúng chỗ hiến tế cặp vợ chồng đào hát. Miếu xây xong, dân làng tổ chức cúng tế 3 ngày để tạ lỗi với vợ chồng nhà tơ trò. Sau ngày đó, không thấy tiếng hát, tiếng kêu oan của họ nữa.

Hàng năm, cứ đến ngày 15 tháng 12 ( tháng Chạp) dân làng Phương Man lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tới vợ chồng người đào hát đã chết oan uổng vì sự bình yên của dân làng.

Theo lời ông Nguyễn Văn Dương, ngôi miếu cũ vốn rất lớn, nhưng chiến tranh loạn lạc, nên có thời kỳ bị phá tan tành.

Năm 1995, một số hộ dân di cư ra cánh đồng lập nên ngôi làng Đầm Sen sinh sống.

Nhiều người bảo rằng, đêm đêm nghe thấy tiếng hát ở đâu vọng lại. Nghĩ đến chuyện các cụ kể, dân làng đã dựng lại ngôi miếu nhỏ bằng gạch trên nền móng cũ, chỉ rộng độ hơn mét vuông.

Mấy năm trước, theo lời ông Dương, chỗ ngôi miếu thường xuyên xuất hiện một cặp rắn khổng lồ, thân to bằng cái phích, khiến dân làng hoang mang, sợ hãi.

Gần đây nhất, là vụ anh Nguyễn Văn Nghĩa, là lái xe cho một đại lý vật liệu xây dựng, khi đi qua miếu, đã phanh gấp xe, vì trước mặt là hai con rắn khổng lồ, to bằng cái phích, vắt ngang đê.

Anh Nghĩa sợ hãi, đóng chặt cửa xe, chờ đến mấy phút sau, hai con rắn bò qua đường, mới dám đi tiếp.

Ngay đêm đó, sự việc náo loạn cả làng. Anh Hoàng đã dẫn một nhóm người dùng đèn pin đi tìm, nhưng không thấy cặp rắn đâu cả.

Tin rằng cặp vợ chồng đào hát hiển linh, nên năm ngoái, dân làng đã dựng lại ngôi miếu khang trang, ở gần địa điểm có ngôi miếu cổ.


Dương Phạm Ngọc – Kỳ Hà
Bình luận
vtcnews.vn