Tử chiến ở “Lò vôi thế kỷ” Hà Giang: Chặn đứng quân xâm lược Trung Quốc trước giao thừa

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 22/06/2016 06:50:00 +07:00

Quá trưa, lính Trung Quốc dồn tổng lực xua quân lên lần nữa, nhưng bị pháo binh Việt Nam bắn trúng, chết như ngả rạ.

Kỳ 1: Chuyện chưa kể về cuộc tử chiến với quân Trung Quốc ở 'Lò vôi thế kỷ' Hà Giang 

Kỳ 2: Tử chiến ở 'Lò vôi thế kỷ': Dấu tích tàn khốc, đạn pháo la liệt trên núi

Kỳ 3: Tử chiến ở 'Lò vôi thế kỷ' Hà Giang: Xúc động lời thề sống bám đá, chết hóa đá

Kỳ 4: Tử chiến trên “Lò vôi thế kỷ” Hà Giang: Nã pháo diệt lính Trung Quốc như ngả rạ

Kỳ 5: Tử chiến ở “Lò vôi thế kỷ” Hà Giang: Đấu súng giành giật từng mét đất

Kỳ 6: Tử chiến ở 'Lò vôi thế kỷ': Đấu súng, nã pháo giáp lá cà diệt lính Trung Quốc

Kỳ 7(Kỳ cuối): tổng lực phản kích

Nói về cuộc tử chiến trên “Lò vôi thế kỷ” đầu năm 1984, cựu binh Đặng Việt Châu cho biết: “Kể từ sau khi phát hiện ra chiến thuật đánh lấn dúi của ta, quân Trung Quốc tổ chức phản công lấn chiếm các điểm mình đã chốt giữ. Hầu hết đều diễn ra theo một kịch bản quen thuộc: Chúng nã pháo vào các trận địa của ta mở đường cho bộ binh tiến lên, rồi đến lượt pháo binh ta giã thẳng vào đội hình địch, rồi bộ binh hai bên quyết đấu ngay trên đỉnh ngọn núi đó.

Hàng trăm trận đánh lớn nhỏ đã diễn ra nhưng ta vẫn giữ vững trận địa và phát triển thêm nhiều hướng tiến công mới. Sự kiện đỉnh 685 đã thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến ở biên giới Hà Giang, bộ đội Việt Nam đã hoàn toàn giành lại thế chủ động trên chiến trường, tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ được đẩy lên cao nhất ”.

Trong ký ức của những người trở về trên các điểm chốt giữ ở "Lò vôi thế kỷ" 32 năm trước, không ai có thể quên được trận chiến trong 2 ngày cuối cùng của cuộc đấu pháo 6 ngày đầu năm 1985 (từ 13/1 cho đến 19/1). Ngày 19/1/1985 cũng là ngày 29 tháng chạp âm lịch, mà như nhiều cựu binh đã kể lại, quân Trung Quốc định chơi “tất tay”, huy động tổng lực tấn công lên đỉnh 685 nhằm giành một kết quả có lợi về ăn tết, nhưng chúng đã thất bại, dù rằng bên mình cũng không ít hy sinh mất mát.   

Trở lại câu chuyện nhóm chiến sĩ do Phạm Ngọc Quyền chỉ huy, được cấp trên phân nhiệm vụ bố trí trận địa dưới chân mỏm E4. Đến gần sáng ngày 28 tháng chạp, mọi người mới chợp mắt được một lúc đã choàng tỉnh bởi những tiếng pháo Tàu và tiếng bộ binh hò hét xung phong, từ dưới đánh lên, từ trên mỏm E1 đánh xuống, từ 772 tràn sang, khói lửa mịt mù. Các chiến sĩ lập tức gọi pháo binh Việt Nam trút mưa đạn xuống đội hình tấn công của quân Trung Quốc.

IMG_0465

 Cựu binh Phạm Ngọc Quyền tìm thấy những dấu tích của cuộc chiến năm xưa

“Địch lên đông lắm, vô số kể không đếm hết, hết tốp này đến tốp khác, đánh cả ngày ròng rã, mặc cho pháo mình liên tiếp nhả đạn, bộ binh mình bắn địch rụng như sung, chúng vẫn cứ tiến”, cựu binh Phạm Ngọc Quyền hồi tưởng.

Bên phía mỏm E5, đồng chí Thái Khắc Ba bị thương nặng, một số chiến sĩ bị thương và hi sinh, số còn lại do Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh chỉ huy. Đồng chí Ninh bị thương nặng vào bụng, vào ngực vẫn cùng với số anh em còn lại đẩy lui được đợt tiến công của địch.

Chiều tối, ánh nắng chìm xuống dưới chân các ngọn núi, sương muối cũng bắt đầu buông. Lúc đó pháo ta và địch cũng đã bắn hạn chế và cầm chừng, địch chủ yếu bắn chặn đường tiếp viện của ta. Các chiến sĩ chốt giữ đã cảm thấy bụng đói cồn cào và bắt đầu rét, anh em bị thương thì khát khô cả cổ họng.

Đến lúc tối hẳn, mọi người mới nhận được tin pháo Trung Quốc bắn dữ dội suốt từ ngã ba Thanh Thủy, vào tận cửa hang Làng Lò, rồi trên vị trí ém quân của Tiểu đoàn 3 vận tải. Bộ chỉ huy Trung đoàn 876 đang theo sát diễn biến, nếu thời cơ thuận lợi sẽ tức khắc tiếp viện lên "Lò vôi thế kỷ".

IMG_5543

 Các cựu binh trên điểm cao 685

Đến nửa đêm, phía hướng của nhóm ông Phạm Ngọc Quyền đang chốt giữ, mọi người bỗng nghe thấy có tiếng sột soạt. Lúc đầu vẫn nghĩ là đội vận tải đã gần lên đến nơi, tuy nhiên, sau khi lắng nghe và phân tích kỹ càng, mọi người nhận định là thám báo của Trung Quốc mò sang thăm dò tình hình.

Không ai bảo ai, các chiến sĩ lặng lẽ tản ra tìm vị trí ẩn nấp, chờ lệnh nổ súng.

“Chưa bắn nhưng lại nghe thấy tiếng súng nổ liên hồi phía dưới, chúng tôi nhanh chóng hiểu ra là chúng đang phục kích đội vận tải. Tất cả lập tức tham chiến. Cuộc giao tranh cục bộ diễn ra tầm vài chục phút. Thấy bên mình bắn rát quá, nhóm phục kích của Trung Quốc tháo chạy, chúng tôi may mắn cứu sống được 2 đồng chí vận tải”, ông Phạm Ngọc Quyền thuật lại.

Cũng vì thế, các chiến sĩ nhận được thông tin, đúng 3h sáng, pháo binh Việt Nam sẽ tổng lực áp chế và tiêu diệt các trận địa pháo của địch, mở đường cho bộ đội Việt Nam tiến lên 685 tiếp viện, đồng thời tổng lực phản kích quân Trung Quốc trên toàn chiến trường. Nghe tin, ai nấy đều phấn khởi, khí thế bừng bừng.

13315357_1081323671931728_5940716024252414798_n

 Một góc hang Làng Lò, nơi xuất phát của các chiến sĩ tiến quân lên đỉnh 685

Đúng theo hiệp đồng, bầu trời bỗng bừng sáng bởi ánh chớp của đạn pháo, tiếng kêu rít, gầm rú như xé toác cả màn đêm, cả ngọn núi rung chuyển, hỏa lực thi nhau trút xuống trận địch của địch. Quân Trung Quốc nhanh chóng phản pháo, nhưng suốt 1 giờ đồng hồ, chúng dần dần câm lặng trước khả năng bắn cực kỳ chính xác của các pháo thủ Việt Nam.

Đến hơn 4h sáng, nhóm các chiến sĩ chốt giữ và nhóm tiếp viện đã liên lạc được với nhau. 5h sáng, pháo binh Việt Nam chuyển làn bắn thẳng vào các trận địa bộ binh Trung Quốc chiếm đóng trên "Lò vôi thế kỷ". Phạm Ngọc Quyền cùng mọi người chỉ biết núp kín vào vách đá, tai điếc đặc.

6h30 phút sáng 29 tháng chạp âm lịch (19/1/1985), theo đúng kế hoạch, pháo ta lại tiếp tục chuyển làn bắn tiêu diệt các trận địa pháo của địch từ xa, tạo điều kiện cho bộ đội xông thẳng lên trận địa, tiêu diệt nốt những tên lính Trung Quốc còn lại đang ngoi ngóp trong khói bụi của đất đá.

IMG_5614

 Đài hương trên điểm cao 468, nhìn từ "Lò vôi thế kỷ" - nơi tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến ở Vị Xuyên

Đến 8h40 phút, pháo Trung Quốc lại điên cuồng nhả đạn lên đỉnh 685, nhưng do các chiến sĩ đã quá quen với cách đánh của địch nên mọi người vẫn rút về được những vị trí an toàn. Quá trưa hôm đó, lính Trung Quốc lại dồn tổng lực định xua quân lên lần nữa, nhưng lại bị pháo binh Việt Nam bắn trúng, chết như ngả rạ. Trên mọi vị trí, các hướng phòng ngự và tiến công của ta, anh em chiến sĩ reo hò, hoan hô vang vọng cả chiến trường.

Kể từ lúc đấy, quân Trung Quốc không còn đủ sức để tấn công trên 685 nữa, chỉ bắn những phát pháo ì ạch. Xẩm tối 30 tết, tiếng súng im phắc, các tốp vận tải lại có mặt trên nóc các cao điểm. Lần này, quà bánh đã lên đến tận nơi, chia vui cùng bộ đội. Tất cả đều thức trắng trên "Lò vôi thế kỷ" chờ đón một đêm giao thừa đáng nhớ.

Đối với cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng các đồng đội, đó là ký ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời của họ.

Ngoài những cuộc đấu quyết tử trên cao điểm 772 và 685 – "Lò vôi thế kỷ" những năm 1984, 1985, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc chống quân bành trướng Trung Quốc ở Hà Giang còn diễn ra cực kỳ khốc liệt ở những địa điểm khác, có thể kể ra như ở bình độ 300 – 400, ở Đồi Đài, điểm cao 1100, 1509…

Những hồi ký một thời máu lửa của các cựu binh, VTC News sẽ tiếp tục chuyển tiếp tới độc giả ở những loạt bài sau.

Hải Minh – Lê Hồng(Theo hồi ký Giữ đất đón xuân, và ký ức của cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng các đồng đội)  

Bình luận
vtcnews.vn