Tang thương vì mìn ở biên ải Hà Giang

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 18/07/2013 07:20:00 +07:00

(VTC News) - Người cụt tay, người cụt chân, người mù mắt. Số người chết nhiều đến nỗi... ra đường gặp bà góa.

(VTC News) - Người cụt tay, người cụt chân, người mù mắt. Số người chết nhiều đến nỗi... ra đường gặp bà góa.


Kỳ cuối: Tang thương vì mìn

Nhắc đến chuyện người dân vẫn trúng mìn thời hậu chiến, thường nghĩ đến miền Trung nắng gió, mà tiêu biểu là cùng Quảng Bình, Quảng Trị. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, vấn đề này vẫn rất thời sự ở vùng biên giới tỉnh địa đầu Hà Giang.

Xã Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang), nơi có những câu chuyện lạ lùng về những người trúng mìn, phải cưa chân, và sấy chân trên gác bếp, chưa phải là vùng đất kỷ lục về chuyện người dân thương vong vì “quái vật” ẩn dưới lòng đất, bởi xã này chỉ có... 25 người!

Xã Thanh Thủy, nơi đầu nguồn sông Lô có tới 36 người tàn tật vì “thần chết”. Người cụt tay, người phải cưa chân, người mù mắt. Số người chết thì nhiều đến nỗi... ra đường gặp bà góa. Những người đàn ông trụ cột gia đình phải vào rừng đốn củi, săn thú, chăn dê, khai phá nương rẫy… đã dẫm phải mìn và chết banh xác.

Hà Giang
Dùng đạn pháo làm vật trang trí trước hiên nhà 
Tôi gặp Đại úy Nguyễn Việt Phú, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Thủy khi anh vừa cùng anh em chiến sĩ kết thúc chuyến đi dọc biên giới Hà Giang để khảo sát các bãi mìn. Đại úy Phú bảo rằng, dọc vùng biên giới còn vô số bãi mìn, chưa có điều kiện rà phá, tháo gỡ được. Hiện tại, các đơn vị chức năng đang thống kê, khoanh vùng một số bãi mìn để cảnh báo người dân.

Đại úy Phú cử Trung úy địa bàn Bùi Văn Đại dẫn tôi xuống địa bàn thôn Giang Nam, nơi có hàng chục người tử nạn vì mìn, đạn và hiện vẫn còn cả chục người tàn tật vì thứ vũ khí sát thương này.

Đường vào thôn, tôi có cảm giác như đi giữa bãi mìn. Bước chân trên những con đường mòn nhỏ xíu, vòng vèo qua những bờ ao, bờ ruộng, mà có cảm giác như mìn đang chờ bàn chân mình đánh thức. Những quả đạn nằm lăn lóc đầu hồi nhà dân. Bọn trẻ vần vò, nghịch ngợm những vỏ đạn. Đạn pháo to như cái phích cắm dọc hiên nhà làm vật trang trí.

Ông Nguyễn Đức Dân, người nhỏ thó, mái tóc muối tiêu, trông như đã 70 tuổi, nhưng thực ra mới ngót 50. Hai tay không còn ngón, nhưng ông pha trà, rót nước thoăn thoắt.
Hà Giang
 
Hà Giang
Mìn, đạn khắp nơi trong nhà ông Dân 
Cả thôn Giang Nam đều biết ông Dân nổi tiếng là người đào bới mìn, đạn làm đồng nát. Chẳng thế mà, khi tôi đề nghị ông giới thiệu về các loại mìn, đạn, ông Dân trở nên hào hứng hẳn.

Để “bài giảng” được trực quan sinh động, ông xách ra mấy xô đựng đầy vỏ mìn, đạn pháo. Chưa hết, ông kéo tôi vào góc nhà, chỉ thêm một đống vỏ đạn, vỏ mìn. Thứ vũ khí sát thương này nằm lăn lóc khắp nhà ông, dùng để kê chân giường, kê bồ đựng thóc, ngô. Gom hết lại, có lẽ đến cả tạ vỏ mìn, vỏ đạn pháo.

Mặc dù chuyên đào bới mìn, đạn và là cao thủ trong việc tháo mìn, đạn, đổ bỏ thuốc đi, lấy sắt bán đồng nát, nhưng ông lại bị nạn trong một hoàn cảnh không đâu. Bữa ấy, dân làng tổ chức nạo vét mương, đã nhặt được đầu nổ DK85.

Thấy đầu nổ, người nọ ném chuyền cho người kia. Mọi người vừa ném vừa cười đùa dọa nhau. Người nhận đầu nổ cuối cùng là ông Dân. Tuy nhiên, ông vồ trượt, nên đầu nổ quả đạn rơi xuống đất. Ông vừa nhặt lên, thì đoàng một cái, 2 bàn tay ông te tua, máu me bê bết. Đầu nổ quả đạn phát nổ đúng lúc ông nhặt nó lên. Rụng 2 bàn tay rồi, ông vẫn có thể tháo đạn, gỡ mìn nhoanh nhoách.
Hà Giang
Ông Dân bị đầu nổ đạn pháo cướp mất đôi tay 
Theo lời ông Dân, ở thôn Giang Nam có vô số người làm “nghề” tay trái đào bới mìn, đạn làm phế liệu. Có thời điểm cả làng kéo vào rừng, ra biên giới đào bới món tử thần này để kiếm sống. Ông Dân kể: “Ở làng này có ông Dũng, anh Sư, anh Tài, ông Thào, anh Chơ… cụt chân, anh Hùng mù mắt. Còn nhiều lắm. Xóm Lùng cũng có khoảng hơn 10 người tàn phế vì rà phá bom mìn lấy phế liệu”.

Tuy nhiên, những người trúng mìn mà còn giữ được tính mạng như ông Dân còn là may. Rất nhiều người đã thành thiên cổ. Ngay đầu ngõ nhà ông, có 2 ông đều tên là Việt, gồm Lục Văn Việt và Lại Văn Việt đã tử nạn vì mìn.

Ông Lại Văn Việt chết vào năm 2002 khi liều lĩnh vào bãi mìn đào bới tìm sắt vụn, dù đã có biển cảnh cáo rõ ràng, đã được chính quyền, cán bộ biên phòng tuyên truyền kỹ lưỡng.

Cái chết của ông Lại Văn Việt rất thảm khốc, nhưng lại không có tác dụng cảnh báo với ông Lục Văn Việt hàng xóm. Mang quả đạn pháo to bằng cái phích đi bán nhưng không ai dám mua, ông liền đè nghiến ra cưa.
Hà Giang
Ông Dân giới thiệu các loại mìn, đạn 
Hành động liều lĩnh ấy bị cả nhà phản đối. Tức mình, ông đem vào rừng cưa. Một tiếng nổ long trời lở đất khiến cả làng bừng tỉnh. Gia đình vào rừng nhặt từng mẩu thịt ông về an táng.

Rồi ở cách nhà hai ông tên Việt quả đồi, bà Sùng trưởng thôn cũng chưa nguôi đau đớn, khi cậu con dại dột theo đoàn người cuốc đất kiếm mìn, để rồi banh xác vì mìn nổ.

Không chỉ hàng chục người chết, bị thương vì đào mìn, đạn bán phế liệu, mà còn có cả chục con người đen đủi đạp phải thứ “thần chết ngủ trong rừng”.

Đại úy Bùi Văn Đại dẫn tôi đến nhà anh Nông Đình Dũng, sinh năm 1963, dân tộc Tày. Anh Dũng cà nhắc ra tiếp khách.

Ngôi nhà anh xây từ năm 2005, chưa kịp hoàn thiện thì đại nạn xảy đến, nên cứ để ở tềnh toàng như vậy.
Hà Giang
Hai anh em ông Khắp đều cụt chân vì mìn (Ảnh: Đào Thanh Tuy)
Ngày đó, 4 anh em tính cách làm giàu, đã thầu lại rừng của lâm trường. Gia đình anh thầu 2 héc-ta. Anh mua 100 con dê rồi xua lên đồi chăn thả. Từ mảnh rừng của anh, đàn dê có thể tỏa sâu vào rừng già kiếm ăn. Tương lai giàu có mở ra trước mắt.

Mảnh đồi ấy vốn là một bãi mìn, nhưng anh chẳng dại chạy nhảy đông tây để mà dẫm phải mìn. Giống dê chỉ nặng trên chục ký, lại chia sức nặng vào 4 chân, nên dẫm phải mìn cũng chưa đủ độ kích nổ.

Thế nhưng, một buổi đi đuổi dê, trời mưa to, anh đang đi trên con đường mòn, thì trượt chân ngã chỏng chơ. Chả hiểu cái chân thế nào lại đạp trượt ra khỏi con đường mòn, tông đúng vào quả mìn 652A.

Đây là loại mìn nhựa, chứa thuốc nổ và thủy ngân. Khi sức công phá của thuốc nổ xé rách cơ thể người, thì thủy ngân ngấm vào da thịt, khiến máu tuôn xối xả. Anh đã nhanh trí xé áo ga-rô chân lại. Bác sĩ đã cưa cái chân te tua nhiễm thủy ngân đó đi.

Sau vụ ấy, mấy anh em bỏ hết rừng, chẳng dê với bò gì nữa.
Ở vùng đất địa đầu, liên quan đến chuyện mìn, gia đình ông Nguyễn Văn Khắp (xã Phương Tiến, Vị Xuyên) có lẽ bất hạnh nhất.

Năm 1991, ông Khắp vào rừng xẻ gỗ, đã dẫm phải mìn. Quả mìn đã phạt mất một chân. Trái gió trở giời, đầu ông đau như búa bổ.

Năm 2007, vợ ông bị sét đánh chết ở mảnh vườn ngay trước nhà. Người em kế của ông tật nguyền, không làm được gì. Mọi công việc nặng lớn bé của đại gia đình đổ lên người em út, là ông Nguyễn Văn Thủy.

Tuy nhiên, không thoát khỏi cám dỗ đồng tiền, năm 2007, ông Thủy đã liều mạng theo đoàn người săn lùng phế liệu ra biên giới đào bới mìn, đạn. Và cũng lại dẫm phải mìn. Ông cũng mất một chân.

Gia đình ông Khắp chưa hết đen đủi với… mìn. Người con của ông cũng không rút được tí bài học nào, mà vẫn tiếp nối công việc của chú. Anh này đã cưa vỡ cả tấn mìn, đạn các loại. Anh gom được cả bao thuốc nổ, vứt ở góc nhà. Thế rồi một ngày, anh đã bị bắt và bị kết án 10 năm tù vì chứa trong nhà một lượng thuốc nổ có thể thổi bay cả xóm.


Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn