Những bí ẩn về vương quốc gạch bùn lớn nhất thế giới

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 09/12/2016 07:10:00 +07:00

Đặc trưng kiến trúc Chan Chan là các tòa nhà được xây dựng bằng gạch làm từ bùn đất phơi khô không qua nung với hàng loạt các khối nhà xen kẽ các kênh lót đá và hồ nhân tạo nhỏ.

 Mảnh đất Peru vốn chứa đựng nhiều bí ẩn kỳ thú của các nền văn minh cổ, ngoài cái tên đã quá quen thuộc là nền văn minh Inca thì nền văn minh Chimu cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm.

Theo Acient Origins, đây là nền văn minh lớn nhất Peru cho tới khi bị người da đỏ Inca xâm chiếm. Chan Chan là thủ phủ của vương quốc Chimu được coi là thành phố ấn tượng nhất trong lịch sử của những nền văn minh trên dãy Andes cổ đại. Kiến trúc, cách quản lý, nghệ thuật của người Chimu cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến người kế tiếp nổi tiếng hơn của họ, người Inca.

Thành phố từ gạch bùn

Thủ phủ Chan Chan (có nghĩa là Mặt trời) được đặt tên theo những cư dân nguyên thủy thời đó, và xây dựng tại cửa sông Rio Mochefrom vào khoảng năm 1000. Sự thịnh vượng ban đầu của Chimu phần lớn là do kỹ năng nông nghiệp khi những cư dân nơi đây biết áp dụng hệ thống tưới tiêu. Sau đó là sự thành công từ các cuộc xâm chiếm quân sự và Chimu đã trở thành vương quốc thống trị trong khu vực.

Ở thời kỳ cực thịnh, có tới hơn 40.000 người sinh sống ở Chan Chan trên diện tích lên tới 20 km2 khiến nó trở thành đô thị lớn nhất ở dãy núi Andes. Thành phố đã trở thành trung tâm của mạng lưới thương mại, với nhiều thợ thủ công có tay nghề cao, cung cấp hàng hóa chất lượng cao cho tiêu dùng và xuất khẩu. Những hàng hóa chính là vàng, vỏ trai, lông thú và thực phẩm.

Người cai trị đầu tiên và sáng lập ra vương quốc Chimu là Taycanamo, huyền thoại Chimu kể lại ông được sinh ra từ một quả trứng vàng trôi dạt trên biển. Vương quốc Chimu liên tục được mở rộng về phía nam và vươn tới cả thung lũng Moche.

133bbf98-e57a-448f-b048-07801d699d92

 Một góc di tích đang được bảo tồn.

Vào thời kỳ cực thịnh (những năm 1400), đế chế Chimu lớn mạnh và thịnh vượng nhất khu vực Nam Mỹ. Ảnh hưởng của nó trải dài theo 1.300 km bờ biển phía bắc Peru. Có nhiều trung tâm hành chính khác được xây dựng như Farfan, Manchan, El Milagro, Quebrado Katuay... thế nhưng Chan Chan luôn được coi là trung tâm của vương quốc Chimu.

Đặc trưng kiến trúc Chan Chan là các tòa nhà được xây dựng bằng gạch làm từ bùn đất phơi khô không qua nung với hàng loạt các khối nhà xen kẽ các kênh lót đá và hồ nhân tạo nhỏ, giếng. Ấn tượng nhất là những cung điện hình chữ nhật lớn với nhiều chức năng, là nơi ở của hoàng gia, kho tàng, lăng mộ, và cả trung tâm hành chính.

Có tới 10 cung điện và các tổ hợp nhà đã được xây dựng qua nhiều thế kỷ tại Chan Chan. Các nhà nghiên cứu cho rằng ở thời đại của vương quốc Chimu, những vị vua mới lên ngôi chỉ kế thừa danh hiệu chứ không phải của cải, sự giàu có của người tiền nhiệm. Người tiếp quản hoàng gia có thể phải nhận được yêu cầu xây dựng cho mình một cung điện mới. Điều này giải thích cho số lượng lớn cung điện được xây dựng ở Chan Chan. Theo đó thì người cai trị mới phải luôn tích cực mở rộng đế chế để duy trì và phát triển cho triều đại của mình.

Các cung điện được xây dựng trong bố cục hình chữ nhật, với tường bao bên ngoài cao tới 10 mét. Với những hành lang, phòng thiết kế như một mê cung và chỉ có lối vào duy nhất được bảo vệ bởi hai bức tượng gỗ đặt trong hốc tường. Các phòng khách hoặc phòng nghi lễ hình chữ U được xây chắn lối vào các nhà kho.

90af83a6-49fd-45cb-a469-1988dc9fc7b9

 Đồ trang sức được chế tác bằng vàng.

Những nhà kho hình chữ T dùng để lưu giữ xác ướp các vị vua, những ngôi mộ nhỏ hơn là gia đình và tùy tùng của họ. Có nhiều không gian được dành để lưu trữ những chiến lợi phẩm từ các vùng lãnh thổ bị chinh phục bởi người Chimu. Những ngôi mộ như vậy sẽ thường xuyên được mở rộng để dành cho những người cai trị mới. 

Các bức tường của các tổ hợp công trình được trang trí bên ngoài với nhiều họa tiết hình học lặp lại, động vật và sinh vật biển, đặc biệt là cá. Các bức tường có hốc treo mặt nạ trang trí bằng gỗ và các bức tượng nhỏ. Những tổ hợp công trình lớn được xây dựng ở trung tâm Chan Chan là nơi ở của hoàng gia và những công trình khiêm tốn hơn dành cho các cư dân trong thành phố ở ngoại ô.

Thủ phủ Chan Chan phản ánh rõ nét về chính sách chính trịxã hội nghiêm ngặt của Vương quốc Chimu. Điều này thể hiện qua kiến trúc của thành phố. Ngoài những thành chính gồm 9 tổ hợp hình chữ nhật, còn có 32 khu khác với quy mô nhỏ hơn và những khu sản xuất với các hoạt động dệt may, luyện sắt và chế biến gỗ. Thành phố cũng có một hệ thống thủy lợi rộng lớn kết hợp với các kênh mương, hồ chứa và giếng.

Các phía bắc, đông, tây của thành phố là vùng đất nông nghiệp rộng lớn và bao gồm cả hệ thống thủy lợi. Có thể thấy rằng Chan Chan đã có một hệ thống phân cấp rõ ràng, trong đó trung tâm đô thị được cung cấp bởi các sản phẩm của công nghiệp ngoại thành và nông nghiệp từ các nông trại ở phía xa hơn.

Nghệ thuật đặc sắc

Chịu ảnh hưởng của nền văn minh Wari và Moche (được coi là nền văn minh lâu đời nhất bờ biển phía bắc Peru), đồ gốm sứ Chimor đặc trưng bởi tính đơn sắc có chi tiết gia công từ kim loại như vàng, bạc, đồng, tumbaga (hợp kim đồng và vàng). Đồ gốm thường được tạo hình sinh vật, người… và được nung ở nhiệt độ cao tạo nên màu đen bóng. 

5e60268e-cb69-478a-9947-58c7d752946e

 Những bức tường được chạm khắc cầu kỳ ở khu di tích Chan Chan

Các sản phẩm dệt may thời kỳ này có màu sắc tự nhiên, dệt từ bông và lông lạc đà với nhiều họa tiết hình chim thú, rắn hai đầu... Trang phục của tầng lớp quý tộc đính kèm những miếng kim loại quý. Chạm khắc và khảm trai trên những đồ trang sức cũng được coi là phổ biến vào thời kỳ này.

Những nhà khảo cổ đã thu thập được rất nhiều đồ trang sức và các tác phẩm điêu khắc trên gỗ ở hai cấu trúc kim tự tháp bên ngoài thủ phủ Chan Chan. Những nhà nghiên cứu cho rằng điều thú vị ở những người cai trị của vương quốc Chimu là việc họ luôn hấp thụ nghệ thuật từ các nền văn hóa khác, và việc các hốc trong những bức tường ở thủ phủ Chan Chan luôn đầy ắp các đồ tạo tác nghệ thuật đã minh chứng cho điều này.

Những cuộc khảo cổ ngày nay tìm thấy nhiều đồ vật được chế tác bằng vàng, áo chẽn lông thú, mặt dây chuyền khảm trai, những bức điêu khắc mô tả cảnh tang lễ trên chất liệu gỗ và vàng… là những bằng chứng cho thấy kỹ năng cao của những nghệ nhân Chan Chan.

Vào khoảng những năm 1470, vương quốc Chimu trở thành chư hầu của đế quốc Inca. Vua của họ bị người Inca giam giữ làm con tin tại Cuzco để đảm bảo người Chimu quy phục đế quốc mới. Qua những văn bản còn lại, những nhà nghiên cứu tìm được những thông tin liên quan đến sự cai trị của người Inca và các vị thần họ thờ phụng. Đó là thần sáng tạo Ai Apaec, thần biển Ni và vị thần quan trọng nhất của người Chimu là nữ thần mặt trăng Si.

Sự đam mê với các đồ tạo tác nghệ thuật từ các nền văn hóa khác vô tình đã biến những khu di tích của nền văn hóa Chimu trở thành những kho báu, dễ dàng bị cướp phá bởi người Inca, những kẻ săn lùng cổ vật và người Tây Ban Nha sau này.

73faad08-7b07-47e3-9b64-338b6d73b838

 Một bức tường còn lại ở Chan Chan.

Người châu Âu đầu tiên có mặt ở Chan Chan là Francisco Pizarro, tướng viễn chinh người Tây Ban Nha. Ông và quân lính của mình đến đây vào khoảng năm 1532, kéo theo những thợ săn kho báu và kẻ cướp mộ. 

Theo một báo cáo của Pizzaro, khắp các bức tường và công trình ở Chan Chan đều được trang trí bằng kim loại quý. Có thông tin cho rằng, người Tây Ban Nha đã nấu chảy một ô cửa cướp được từ thủ phủ Chan Chan và thu được tới 500 kg vàng.

Sau sự tàn phá bởi các cuộc chinh phục, Chan Chan còn hứng chịu hậu quả của El Nino xuất hiện theo chu kỳ 25-50 năm, đã xói mòn các bức tường, các công trình được xây dựng bằng gạch không nung trong nhiều thế kỷ. Nhiều giải pháp như sử dụng lều che, làm cứng các họa tiết bằng dung dịch nước cất pha nhựa xương rồng... đã được đưa ra nhằm bảo tồn và làm chậm quá trình hư hại của khu di tích.

Nguồn: Hoàng Ngọc(An ninh thế giới)

Bình luận
vtcnews.vn