Người giải mã bí ẩn bãi đá cổ Sapa

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 10/12/2011 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Trong lúc nhậu cùng một số nhà sử học, ông cao hứng tuyên bố: "Nếu cho tôi một tỷ, tôi sẽ giải mã toàn bộ bãi đá cổ Sapa".

(VTC News) - Trong lúc nhậu cùng một số nhà sử học, khi ngà ngà, ông cao hứng và đã hùng hồn tuyên bố: "Nếu cho tôi một tỷ, tôi sẽ giải mã toàn bộ bãi đá cổ Sapa".

Nhiều người biết đến ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương) bởi tuyên bố có phần ngông cuồng, rằng ông thể đuổi được mưa trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Chẳng mấy ai tin những tuyên bố của ông ngoài những đệ tử, học trò của ông. Bản thân tôi, là người quen biết ông từ lâu, cũng không tin ông làm được điều đó, bởi tuyên bố đó mang màu sắc… hoang tưởng.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh (bên trái) và nhà phong thủy Bùi Quốc Hùng. Ảnh: Dienbatn. 

Nhưng là người tiếp xúc với ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh khá nhiều và luôn dõi theo các đề tài nghiên cứu của ông nên tôi tin rằng, ông thực sự là người đam mê nghiên cứu khoa học. Ông yêu đất nước Việt Nam, yêu lịch sử Việt Nam đến phát rồ và ông dành hết tâm huyết đời mình cho những nghiên cứu về lịch sử. Ông đã thách thức các nhà khoa học Việt Nam bác bỏ được đề tài nghiên cứu khẳng định lịch sử Việt Nam có tới 5.000 năm tuổi!

Quả thực, tôi chưa đủ trình độ để thẩm định giá trị khoa học ở trong hàng trăm tài liệu, cả chục cuốn sách nghiên cứu lịch sử đó, nhưng tôi tin rằng, nó đã thể hiện tình yêu trọn vẹn của ông với tổ tiên đất Việt.

Trong số những đề tài nghiên cứu của ông mà tôi theo dõi nhiều năm nay, tôi thực sự ấn tượng với giải mã của ông về những bí ẩn trên bãi đá cổ Sapa.

Sơ đồ bãi đá cổ Sapa. 

Các nhà khoa học nước nhà mới chỉ dừng lại ở việc mô tả các hình khắc, chứ chưa giải mã được các thông điệp mà cha ông ta để lại trên những hình vẽ đó. Một số nhà khoa học cũng đã giải mã một số hình vẽ, nhưng chưa dũng cảm công bố. Riêng ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã khảng khái công bố những giải mã của mình.

Có những giải mã của ông tôi còn đặt nghi vấn, song có những thông tin khiến tôi giật mình.

Ranh giới giữa một nhà khoa học tài năng và một người hoang tưởng đôi khi rất mong manh. Điều tôi nhìn ở Nguyễn Vũ Tuấn Anh trong nghiên cứu này, là ở góc độ một nhà khoa học thực sự. Đúng – sai – hay – dở thế nào, còn tùy thuộc vào nhận định của các nhà khoa học và độc giả.

Trong loạt bài này, xin được công bố những giải mã về bãi đá cổ Sapa của ông Tuấn Anh, khi mà bãi đá cổ đã gần như biến mất hoàn toàn bởi sự phá hoại của con người.

Hòn đá cổ khổng lồ bị biến thành... cầu trượt. 

Suốt mấy năm nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh đi về Sài Gòn – Hà Nội – Sapa như con thoi. Chỉ cần có một phát hiện mới, một tài liệu mới, hoặc một ý kiến mới của nhà nghiên cứu nào đó về bãi đá Sapa, là ông sẵn sàng diện kiến để trao đổi, tranh luận, nhằm làm sáng tỏ những nghi vấn.

Mỗi lần ra Hà Nội, ông thường ngồi ở một vài quán café bên hồ Trúc Bạch, rồi hẹn hò các nhà nghiên cứu, các học trò ưu tú của ông để trao đổi học thuật. Họ có thể bàn luận về mọi thứ và tôi nhận thấy rằng, mọi câu chuyện họ trao đổi đều có bóng dáng, luận thuyết của triết học và Kinh Dịch.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã biết đến bãi đá cổ Sapa từ lâu rồi, nhưng ông thực sự bắt tay vào nghiên cứu và giải mã từ khoảng 10 năm nay, sau khi một nhà khoa học Pháp công bố tài liệu nghiên cứu về bãi đá này.

Khách du lịch thi nhau vẽ bậy, khắc bậy lên đá cổ. 

Khi đó, một tờ tạp chí khoa học nước ngoài viết rằng, nhà khoa học người Pháp Phillipe Le Failler - chuyên gia hàng đầu của Viện Viễn Đông Bác Cổ và các cộng sự Việt Nam thực hiện công việc dập bản khắc hình vẽ trên bãi đá trước tình trạng bãi đá cổ Sapa có thể bị biến dạng bởi tác động của thiên nhiên và con người.

Bài viết cũng nói rằng, những bí ẩn về bãi đá cổ nổi tiếng ở Sapa đang có cơ hội hé mở khi lần đầu tiên toàn bộ hoa văn của hơn 200 viên đá đã được in dập lại và được nghiên cứu theo công nghệ hiện đại.

Sau 7 tháng làm việc, nhóm nghiên cứu của Phillipe đã dập được toàn bộ 200 viên đá, với tổng cộng 3.000 bản dập. Tất cả những bản dập này cũng như những dữ liệu định vị của các viên đá sẽ được nhập vào máy tính, sắp xếp, tính toán số lượng, sự lặp lại của các mẫu hoa văn... làm cơ sở để giải mã các hoa văn, hình vẽ bí ẩn.

Vô tư ngồi chơi trên đá cổ. 

Theo Phillipe Le Failler: "Công việc nghiên cứu cho những kết luận ban đầu, có thể là một bản đồ, một bài cúng..."

Bí ẩn của những hoa văn này đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ rất lâu. Ngay từ năm 1925, giáo sư Pháp Victor Goloubev đã đưa ra những giả thuyết giải thích về các hoa văn này.

Những hoa văn lạ, đẹp và nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết... và nhiều hình khắc bí ẩn khác. Đặc biệt và khó lý giải nhất là có một hình người tỏa ra các vầng hào quang xung quanh.

Bãi đá quý như vậy, nhưng nó đang có nguy cơ bị biến dạng. Một số họa tiết bị mờ vì mưa nắng bào mòn.

Mới đây người ta lại phát hiện thêm những bãi đá cổ tương tự ở xã Tả Phìn (Lào Cai) Vị Xuyên (Hà Giang), Pá Màng (Sơn La) cùng với những hoa văn và cách bài trí bí ẩn. Phillipe Le Failler dự định sẽ tiến hành dập lấy mẫu tiếp những bãi đá này.

Và khi công việc hoàn thành, ông sẽ có trong tay hệ thống toàn bộ các mẫu hoa văn của các bãi đá cổ được phát hiện tại Việt Nam. Cùng với việc cập nhật dữ liệu thông tin và nghiên cứu trên máy tính, Phillipe tuyên bố rằng bí ẩn mà người xưa gửi gắm trên những viên đá này chắc chắn sẽ được giải mã trong tương lai không xa.

Bản dập một hình khắc trên bãi đá cổ Sapa. 
 

Sau khi nghe tin này, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh khá... bất bình. Ông nói: "Thật là khôi hài. Nếu là một bài cúng thì chẳng cần phải ghi vào bãi đá cổ làm gì để giải mã cho mất công thế...".

“Phương tiện khoa học hiện đại có thể cho con người thấy tất cả những thực tại đang hiện hữu: Từ hạt vật chất nhỏ nhất đến thiên hà khổng lồ. Nhưng sự bí ẩn lại nằm trong tính tương tác giữa những thực tại đó. Người Pháp có thể dùng máy móc và phương tiện hiện đại để xem xét những ký hiệu trên bãi đá cổ Sapa, nhưng họ sẽ không thể hiểu được những ký hiệu ấy nói lên điều gì? May lắm thì họ hiểu phần nào mà thôi” – ông Tuấn Anh khẳng định.

Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đang in dập hình khắc trên bãi đá Sapa. 

Theo ông Tuấn Anh, chưa có một tiêu chí nào cho sự giải mã một di sản văn hóa cả. Bởi vì, một vòng tròn trên bãi đá cổ, người thì bảo đó là ký hiệu mặt trời, người bảo mặt trăng, người bảo thái cực, người kêu đích thị hòn bi, kẻ cãi lại thì bảo cái bánh dầy mới đúng... Như vậy rất khó biết ai đúng.

Tuy nhiên, ông khẳng định rằng, tiền nhân làm ra bãi đá cổ kỳ công này thì phải có mục đích rõ ràng.

Có lần, trong lúc nhậu cùng một số nhà sử học, khi ngà ngà, ông cao hứng và đã hùng hồn tuyên bố: "Nếu cho tôi một tỷ, tôi sẽ giải mã toàn bộ bãi đá cổ Sapa".

Tháng sau, một vị quan chức trong Viện Sử học gọi điện cho ông "OK" kế hoạch này. Nhưng lúc ấy ông lại tỉnh táo, sợ rằng mình bảo cái bánh dầy, người khác bảo hòn bi ve thì cãi nhau mệt. Thế là ông từ chối. Ông xin được giải mã miễn phí.

Người bảo đây là nền văn minh nông nghiệp, người bảo hình vẽ miêu tả sự tương tác vũ trụ, người bảo vẽ cái... cối đá. 

Việc giải mã một thông điệp người xưa để lại là một việc rất khó khăn. Bởi vì khái niệm của người xưa khác người thời nay, hoàn cảnh xã hội, thói quen tư duy, nhận thức đều khác. Vì vậy muốn hiểu người xưa nói gì qua những mật ngữ để lại thật không dễ dàng. Hơn nữa, chúng ta lại chưa có một tiêu chí khoa học về phương pháp giải mã những di sản văn hóa nói chung, hoặc chí ít chúng ta chưa biết đến điều này.

Nhưng điều đó không có nghĩa không thể hiểu được nếu có sự hiểu biết về văn hóa, toán học cổ xưa. Hai lĩnh vực này ông đã nghiên cứu nhiều năm, nên ông hy vọng có thể áp dụng trong việc giải mã bí ẩn của bãi đá.

Với những sự kiện trên, ông lặng lẽ gom góp tiền bạc và nhiều lần từ Sài Gòn ra Hà Nội, lên tận bãi đá cổ Sapa để đi tìm lời giải mã.

Còn tiếp…


Trần Bình Thủy



Bình luận
vtcnews.vn