Người đàn bà cô độc hóa điên mong tìm lại ‘ngựa vàng’

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 13/01/2013 06:22:00 +07:00

Sau những đêm trắng canh giữ, cất giấu, bà Bảy quyết định bán những báu vật mà mình vô tình tìm được.

Sau những đêm trắng canh giữ, cất giấu, cuối năm 2001, bà Bảy quyết định bán những báu vật mà mình vô tình tìm được. Nghĩ bán được những thứ vô giá này, bà sẽ có một món tiền lớn đủ để đổi đời.


Bà Nguyễn Thị Bảy (thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) là người nổi tiếng khắp vùng vì từng đào được 'ngựa vàng', nải chuối vàng, mâm vàng, một phần nhỏ trong kho báu cổ của người Chăm. Thế nhưng, đúng như người xưa nói, được vàng thì tội, bà đã phải trải qua rất nhiều những lao đao, khổ sở để bây giờ vẫn sống trong những ảo vọng mơ hồ hệt như người điên dại…

Hy vọng đổi đời

Từ khi kiếm được kho báu, trong mỗi lần ra chợ bán hàng, bà Bảylại mon men làm quen bà bán vải tên Muôn và nói cho bà này biết chuyện bà đang có báu vật bằng vàng.

Nghe xong câu chuyện của bà, chẳng biết bởi lý do gì bà Muôn đã phán ngay: “Được bạc thì sang, được vàng thì tội, bà được nhiều vàng thế thì cần phải mời thầy cúng ngay nếu không thần thánh sẽ bắt chết!”.

Nghe bà Muôn nói vậy, bà Bảy vô cùng hốt hoảng. Và, nhờ người đàn bà bán vải giới thiệu, bà Bảy gặp ông thầy cúng tên Võ Huỳnh Huân, ở thị trấn Phú Long. Vị thầy cúng này lạnh lùng phán: “Đây là những vật của âm hồn. Nếu lấy thì sẽ bị bắt theo người chết!”.

Theo lời của ông thầy cúng này thì bà phải cúng giải hạn thì mới có thể sở hữu cả một kho báu trên. Không những thế, bà phải chỉ dẫn chính xác cho ông ta chỗ đào được các báu vật, “nếu không sẽ không hóa giải được… kiếp nạn”.

Con ngựa màu vàng chóe bà Bảy đào được. Dù đã bán đồng nát, nhưng bà vẫn tin nó là vàng ròng.
Sau khi biết chính xác địa điểm bà Bảy đào được báu vật, thầy cúng Huân khấn lầm rầm mấy câu rồi bỏ đi. Bốn ngày sau, nhân đêm mưa gió, ông Huân cùng một người khác bịt kín mặt đến chỗ bà Bảy chỉ để đào bới.

Suốt đêm, họ tìm được một lư nhang, một bình cắm hoa cũng có màu vàng chóe. Biết mình bị lừa, bà Bảy vẫn ngậm đắng nuốt cay, im thin thít vì sợ chuyện mình đào được báu vật lộ ra ngoài.

Không muốn tiếp tục ôm số “của cải của người âm”, sẽ mang họa diệt thân thêm nữa, lại đang túng thiếu, nợ nần nên bà Bảy quyết định tìm mối để bán. Lại người bán vải tên Muôn đứng ra tìm mối cho bà.

Một buổi, bà Muôn đưa tới 2 vị khách lạ. Sau một hồi trao đổi, xem những báu vật mà bà tìm được, 2 vị khách này đã dặn, vài hôm nữa có người ở Sài Gòn ra hỏi mua. Khi đó, bà cứ đòi 45 cây vàng, người ta trả xuống 35 cây là bán được. Sau khi bán phải trả công dắt mối 10 cây.

Nghĩ số vàng trên chẳng thấm vào đâu so với những báu vật (bà cho rằng được làm từ vàng ròng) mà mình đang sở hữu, nhưng suy tính thiệt hơn, bà vẫn quyết định bán. Bà đinh ninh rằng khi có được 30 cây vàng trong tay sẽ trích một ít làm từ thiện, trả nợ và xây nhà mới. Thế nhưng, việc bán chác đó đã đẩy cuộc đời bà vào cảnh khốn cùng, đúng như người ta nói “được vàng thì tội”.

Sau những đêm trắng thấp thỏm cất giấu, cuối năm 2001 bà Bảy muốn bán báu vật. Nghe tin này một đại gia tên Nam từ Sài Gòn đánh xe về ngay trong đêm. Sau khi xem kỹ cổ vật, ông Nam dùng 3 chai nước tẩy xối lên con ngựa vàng.

Tắm “thuốc thử” nhưng con ngựa vẫn thấy giữ nguyên màu sắc. Nghĩ đó là vàng thật, ông Nam hớn hở như bắt được của. Sờ mó, ngắm nghía một hồi nữa, ông Nam mới cưa một mẫu nhỏ ở chân ngựa để mang về Sài Gòn phân kim và hẹn 3 ngày sau sẽ trở lại mua.

Trong 3 ngày chờ ông Nam trở lại, bà Bảy chẳng biết làm gì ngoài việc ngồi khư khư ôm báu vật của mình. Hết thời gian hẹn, không thấy ông Nam trở lại, bà Bảy lo lắng và lại tìm chỗ kín đáo chôn báu vật.

Vừa chôn xong thì ông Nam đến. Lần này, ông dẫn thêm một đại gia khác tên Hòa và giới thiệu đại gia này sẽ mua tất cả những báu vật này của bà với giá như thỏa thuận khi trước. Và, ngay trong đêm đó, cuộc mua bán đã diễn ra tại nhà ông Võ Long (phường Đức Thắng, Phan Thiết).

“Khi được các đại gia nhất trí mua, tôi vui lắm, nghĩ ngay đến việc sẽ trả hết các món nợ nần cũ và xây cất nhà cửa. Khổ sở quá mới bán chứ mấy chục ký vàng mà bán 35 cây, đâu ăn nhằm gì. Bữa đó, tôi thông báo ngay với những người mình nợ tiền rằng ngày mai sẽ trả hết. Ai dè, nói trước bước chẳng qua, sau đêm đó tôi thành trắng tay”, bà Bảy nhớ lại.

Đem “vàng ròng” bán cho… đồng nát

Anh Nguyễn Cang, con trai bà Bảy kể: “Người dân ở đây cứ thấy màu vàng chóe thì tin đó là vàng thôi chứ ai mà biết được! Cuộc mua bán đó bí mật, dân làng chẳng ai biết. Nếu còn con ngựa đó mà bằng vàng giờ bán phải có đống tiền rồi, chứ đâu khốn khổ như vầy!”.

Theo lời bà Bảy kể thì vụ mua bán gần đi vào hồi kết thì công an ập đến. Và, cho rằng đây là vụ mua bán cổ vật trái phép nên công an đã thu hồi tất cả những thứ mà bà Bảy cho rằng đã được người xưa đúc bằng vàng ròng.

Bị thu báu vật và cả số vàng mà khách vừa trả, bà Bảy không đồng tình. Bà làm đơn khiếu nại. Tuy nhiên, năm 2003, bà vẫn bị UBND huyện Hàm Thuận Bắc ra quyết định phạt hành chính 1 triệu đồng “về hành vi mua bán hàng hóa Nhà nước cấm kinh doanh”, đồng thời tịch thu hai món đồ bà đã bán lẫn số vàng bà đã nhận. Đương nhiên, với quyết định này, bà không chịu. Vậy là cuộc “đi tìm công lý” vẫn cứ thế dai dẳng.

Hơn 3 năm sau, Hội đồng giám định thuộc Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin mới kết luận: “Bốn hiện vật trên không phải là cổ vật mà đều là những hiện vật mới, không có giá trị về lịch sử nghệ thuật”.
Bà Bảy kể lại chuyện kiếm được ngựa vàng 
Vụ việc đã được kết luận và giải quyết nhưng vẫn chưa thật sự kết thúc. Bà Bảy không vi phạm pháp luật, nghĩa là việc giao dịch dân sự giữa người bán 2 hiện vật với người mua phải được thừa nhận. Và đương nhiên, số vàng trước đây cơ quan công an thu giữ phải giao trả cho bà, còn “báu vật” thì phải giao lại cho bên mua.

Tuy nhiên, thực tế vụ việc đã không diễn ra như thế. Mặt khác, trước khi mua, người mua đã xem xét hiện vật nhiều lần và thử nghiệm kỹ lưỡng. Là một chuyên gia buôn bán đồ cổ, hiển nhiên họ không thể bị lừa khi đồng ý mua với giá 35 cây vàng.

Không những thế, bà Bảy còn cho rằng, rất có khả năng sau nhiều lần chuyển từ cơ quan nọ sang cơ quan kia để giám định, những “bảo vật bằng vàng ròng” của bà đã bị đánh tráo. Theo bà, con ngựa và nải chuối được trả lại có màu vàng bóng, sáng rực, không giống với màu sắc ban đầu mà bà đào được.

Nhận lại bảo vật sau bao nhiêu năm đơn thư “đòi”, bà Bảy vui buồn lẫn lộn. Trò chuyện với chúng tôi, bà bảo, quá chán với những thứ mình đã trải qua, lại thêm mệt mỏi với những lời đồn thổi của mọi người, một phút quẫn chí, bà đã gọi hàng đồng nát đến bán phăng những món đồ mà đã có lúc bà nghĩ đó là cả một gia tài khổng lồ ấy.

Theo bà Bảy, hàng đồng nát trả 50 ngàn đồng/kg. Trong cơn u mê, bà đã gật đầu. Cầm gần triệu bạc trong tay, khi hàng đồng nát vừa đi khỏi, bà đã ngẩn ngơ vì tiếc, nhưng đã quá muộn.
Vẫn đêm ngày khắc khoải chờ… báu vật quay về

Dù chẳng còn ngựa, chuối và mâm trong tay nhưng bà Bảy vẫn hàng ngày cầu nguyện sẽ có một ngày “trời xui đất khiến” các báu vật đó quay về với bà để bà bớt cơ cực trong cuộc mưu sinh khi tuổi già héo úa như hiện nay.

Quệt ròng mồ hôi túa ra ròng ròng trên mặt, bà bộc bạch: “Rõ ràng đó là báu vật, nhiều người đã nói thế kia mà. Tôi đến chùa cầu miết, vẫn tin có ngày vàng quay về với tôi. Sống cuộc sống giữa đồi hoang này, lạnh lẽo lắm chứ nhưng nghe bảo khổ hạnh thế này rồi sẽ có ngày được lại báu vật nữa nên vẫn sống đó!”.

Trước khi bán các báu vật cho phế liệu, một người đã xin bà Bảy giữ giùm các báu vật đó nhưng bà đã nhất quyết không cho. Nhớ lại những dấu tích trên con ngựa vàng, bà Bảy kể: “Họ bảo đó chỉ là đồ giả, đồ cúng của người đã lượm được của thật trước đó thôi. Nhưng tôi không tin! Đồ giả sao ông đại gia Sài Gòn lại trả giá 35 cây vàng và muốn sở hữu ngay, cưa ra vẫn nguyên màu vàng mà. Tính ra, con ngựa đó đến giờ phải giá hàng tỷ chứ đâu có phải chuyện chơi.

Hơn nữa, trên con ngựa khắc số 1412, đó là ký hiệu thời vua Chàm. Mà hồi đó vàng ngãi còn nhiều nên việc đúc ngựa vàng chôn dưới đất đâu phải là chuyện hiếm đâu. Cuộc đời tôi giờ đây chẳng có gì đâu, lên mảnh đất hoang này trồng mấy cái cây keo chờ đến ngày lớn bán kiếm ít tiền sống qua ngày và chờ có ngày may mắn cổ vật quay về”.

Nhìn cuộc sống sinh hoạt thất thường của bà Bảy, nhiều người dân Phú Long còn bàn luận rằng, có khi bà Bảy dựng chuyện bán những món đồ đó cho đồng nát, còn thực tế bà vẫn giữ những món đồ đó cho riêng mình.

Lại có người thấy bà suốt ngày lang thang thì bảo, bà đi tìm người bán phế liệu năm xưa để lần dò tin tức của những báu vật ấy. Lại nữa, thấy bà Bảy cứ đào xới đất trên núi đá ông Địa (nơi nhiều người từng đào được vật quý), có người đã bảo, bà vỡ đất để đi tìm những báu vật đã tuột khỏi tay mình.

Hỏi bà Bảy chuyện này, bà trầm ngâm lắc đầu: “Làm gì có đào cổ vật, đào đất trồng dưa thôi. Người ta bảo phải kiên trì kham khổ thì báu vật mới tìm đến mình chứ dễ gì mà đào lại được nữa”.

Còn tiếp...












Theo Báo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận
vtcnews.vn