Ly kỳ chuyện quả núi chui qua… lỗ kim ở Hải Dương

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 01/11/2013 07:01:00 +07:00

(VTC News) - Dân gian có câu nói châm biếm “con voi chui lọt lỗ kim”, nhưng ở Hải Dương còn có chuyện “quả núi chui lọt lỗ kim”.

(VTC News) - Dân gian có câu nói châm biếm “con voi chui lọt lỗ kim”, nhưng ở Hải Dương còn có chuyện “quả núi chui lọt lỗ kim”.


Ở huyện Kinh Môn, nhắc đến chùa Nhẫm Dương không ai không biết. Đứng bên sông Kinh Thầy nhìn tứ phía, thấy quả núi nào cũng nham nhở, trắng lốp. Duy chỉ có núi Nhẫm, nơi có ngôi chùa Nhẫm Dương vẫn còn một vạt xanh.

Ở ngôi chùa ấy, sư thầy Thích Diệu Mơ bao năm nay đã phải lấy thân mình… lấp lỗ mìn, để bảo vệ quả núi. Nói thế, độc giả nghĩ hình tượng hóa, nhưng đó là sự thật.

Nhiều doanh nghiệp nhìn quả núi đá “mỡ màng” nên thèm muốn lắm, cứ sơ hở ra là tìm cách ăn trộm. Hễ thấy doanh nghiệp nào khoan núi, nhồi mìn, sư Mơ lại lấy thân mình lấp cái lỗ khoan mìn đó, nhất định không cho phá núi, mới giữ được đoạn rông núi màu xanh thanh khiết cho nhân dân quanh vùng.

Báo điện tử VTC News đã có loạt bài phản ánh về chuyện ấy. Có lẽ, được sự tin tưởng của nhân dân quanh vùng, mà mới đây, một người dân, xưng là đại diện cho người cao tuổi ở thị trấn Phú Thứ, cách chùa Nhẫm Dương không xa, điện thoại cho Báo than rằng: “Nhà báo ơi nhà báo! Các cụ vẫn có câu nói hài rằng “con voi chui lọt lỗ kim”, nhưng ở chỗ chúng tôi còn có chuyện “quả núi chui lọt lỗ kim” cơ nhà báo ạ.

hải dương
 
hải dương
Quả núi đã biến mất, để lại những hố sâu thế này 

Nhà báo không tin thì về đây mà xem. Họ đào mất cả gốc rễ quả núi rồi. Người ta làm ngơ để “quả núi chui qua lỗ kim”, doanh nghiệp thu tiền tỷ, còn nhà cửa nứt toang hoác thì chúng tôi phải chịu nhà báo ạ”.

Nghe chuyện lạ, tôi đã tìm về khu dân cư số 1, thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn, Hải Dương). Một anh nông dân đứng ở đầu đường đợi sẵn. Ngó trước, nhìn sau, anh dặn tôi bỏ hết đồ đạc vào trong xe, rồi đi xe máy với anh.

Tôi thắc mắc hành động lạ lùng, một người nông dân mà phải sợ hãi khi đứng ngay trên mảnh đất làng mình, thì anh giải thích: “Nhà báo thông cảm, giờ côn đồ nhiều lắm, chúng tôi thấp cổ bé họng, mất mạng như chơi. Họ ném tiền vào mình cũng vỡ đầu, chứ cần gì ném đá”.

Lại ngó trước nhìn sau không thấy ai, anh mới giục tôi lên xe. Anh nổ máy đi xuyên qua cánh đồng hoang toàn cỏ lác mọc um tùm. Anh bảo: “Nhà báo nhìn xem, hàng chục héc-ta phải bỏ hoang thế này đấy. Họ khoét núi sâu xuống lòng đất, nên phải bơm nước lên. Nước lẫn bột đá tràn ra cánh đồng thì thử hỏi cây gì mà sống được. Bao nhiêu ruộng nương quanh vùng bỏ hoang hết, chẳng làm được gì, mà cũng chẳng có ai đền bù”.

Cánh cổng với chòi canh hiện ra trước mắt. Anh nông dân dặn tôi rằng, nếu có người ra hỏi, thì không được nhận là người quen, mà chỉ bảo là đi nhờ xe máy ra nghĩa địa (nghĩa địa ở cách quả núi không xa).

Tuy nhiên, không thấy có bảo vệ nào cả, nên chúng tôi xuyên thẳng vào trong công trường. Giữa ngã ba đường, ông Bùi Xuân Việt và bà Đinh Thị Ngọc đứng dưới gốc cây trứng cá trò chuyện.

hải dương
Ông Việt và bà Ngọc canh chừng trộm đá ở đường dẫn vào núi 
hải dương
Ông Việt bên một hố khai thác đá sâu 10-15 mét 

Gặp nhà báo, ông Việt bảo: “Chẳng ai sai khiến chúng tôi, nhưng chúng tôi tự nguyện thay nhau đảo qua khu vực này để trông nom tài sản cho nhân dân, cho Nhà nước. Họ đã ăn cắp mấy năm nay, đào rỗng đáy cả quả núi, thì không có lý do gì mà họ lại không tiếp tục ăn cắp. Chúng tôi đứng đây chặn đường ra vào, nên có động thái gì chúng tôi biết ngay, hô cả xóm ra chặn”.

Không sợ như anh nông dân nọ, ông Bùi Xuân Việt dựng xe đạp dẫn tôi đi sâu vào lòng núi. Vừa đi, ông Việt vừa giới thiệu: “Ngày xưa, khu vực này lắm núi nhiều non lắm, đẹp chả khác gì Hạ Long trên cạn, hay ít cũng phải như Tràng An, Tam Cốc ở Ninh Bình. Nhưng chỗ này thuận tiện đường sông, đá lại đẹp, nên họ mới đầu tư khai thác.

Quả núi chỗ tôi và anh đang đứng là núi Đất Đỏ. Sở dĩ có tên như thế, vì quả núi này phủ một lớp đất màu đỏ. Cây cối tốt tươi lắm, khỉ vượn nhiều, xuống cả ruộng trêu người.

hải dương
Đồng ruộng bỏ hoang vì doanh nghiệp bơm nước ô nhiễm từ hố khai thác lên cánh đồng 

Khoảng hơn 10 năm trước, Công ty cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Hải Dương đã được cấp phép khai thác quả núi này. Họ đã đào bới đem đi không biết bao nhiêu triệu mét khối. Công trường của họ có bảo vệ hẳn hoi, xe chở đá lại đi lối khác, người dân chúng tôi chẳng bao giờ vào đây, nên cũng chẳng biết họ làm gì trên đất làng mình. Chỉ đến khi nhà cửa dân làng nứt vỡ toang hoác, thì chúng tôi mới phát hiện ra chuyện tày đình này”.

Ông Bùi Xuân Việt vừa kể chuyện thủng thẳng, vừa dẫn tôi đi sâu vào trong núi. Khu vực rộng lớn mênh mông mà theo ông trước kia là quả núi lớn, giờ nham nhở, chỗ nhô lên, chỗ sâu hoắm. Quả núi đã mất tích. Vượt qua mấy bụi cây, một hố sâu, khổng lồ, như thể hố bom nguyên tử hiện ra trước mắt. Đá trắng lóa phản chiếu lấp lánh ánh mặt trời, nước trong xanh như ngọc.

Ông Việt kể: “Chú nhìn xem, cái hố này có đến cả héc-ta không? Nhìn vậy thôi, mà có chỗ sâu đến 15 mét đấy”.

hải dương
Máy bơm nước nằm im lìm vì công trường đã bị dừng khai thác 

Tôi đứng bên mép hố, phóng tầm mắt, thấy hố rộng mênh mang, con người nhỏ bé lại. Cả một con đường nhựa lớn hình vòng cung chạy xuống tận chân hố, xuyên ra giữa lòng hố. Một đại công trường khai thác đá vốn hoạt động nhộn nhịp giờ đã ngừng lại. Máy móc hút nước hoen rỉ nằm im lìm.

Ông Việt tiếp tục dẫn tôi men theo vách đá, đi sâu vào trong. Trước mắt tôi lại hiện ra một hố nữa, rộng gấp rưỡi hố lúc đầu. Theo ông Việt, hố này phải rộng cỡ 3 héc-ta. Theo con đường vận chuyển, chúng tôi xuống tận đáy hố. Từ dưới đáy hố nhìn lên, thấy vách núi như tường thành hun hút. Ngay cạnh hố khổng lồ này, lại là một cái hố nữa, cũng rộng đến cả héc-ta, khoét sâu vào lòng đất.

Trèo nên mỏn đá còn sót lại, chỉ tay về phía Tây, ông Việt bảo: “Anh nhìn xem, làng tôi ngay kia kìa, cách có vài trăm mét. Núi đá này thuộc làng tôi, nằm ngay cạnh làng tôi. Hàng chục năm nay, dân làng tôi đã quá quen với cảnh ùng oàng của mìn, hứng chịu cảnh đá bay vào làng, làm vỡ nhà dân, sứt đầu mẻ trán. Nhưng khoảng 4 năm nay, có chuyện rất lạ, ấy là đến giờ nổ mìn vào buổi trưa và buổi chiều tối, làng tôi như có động đất. Nhà cửa cứ rung bần bật, rồi sau đó mới nghe thấy tiếng mìn trầm đục.

hải dương
Đường rộng mênh mông được mở xuống tận đáy mỏ đá 

Dân ở đây nghe mìn quen tai rồi, nhưng cái kiểu mìn nổ rung nhà, làm nứt toác hết cả nhà cửa thì thực là bức xúc. Nhưng quanh đây rất nhiều công trường khai thác đá, cùng nổ mìn lúc đó, thì biết là của công trường nào? Mà chúng tôi đi kêu, đi kiện, thì khác gì kiện củ khoai.

Thế nhưng, trước tình cảnh nhà cửa hỏng hết, dân chúng tôi quyết đi điều tra. Lúc ấy, mới té ngửa ra rằng, Công ty cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Hải Dương chính là thủ phạm gây ra tình trạng nhà cửa nứt nẻ. Họ đã đào quả núi sâu hoắm xuống lòng đất. Chính vì họ bắn mìn dưới lòng đất nên mới gây chấn động mạnh, mới khiến nhà cửa rung bần bật như thế.

Thế là chúng tôi nêu ý kiến, phản ánh với chính quyền. Rồi đùng một cái, cách đây một tháng, lãnh đạo tỉnh về kiểm tra, dân làng chúng tôi mới té ngửa biết rằng công ty này chỉ được khai thác quả núi đến dương 5m, là phải dừng lại. Lẽ ra, họ phải dừng lại từ năm 2008 hoặc 2009 gì đó. Thế nhưng, họ vẫn tiếp tục đào sâu xuống lòng đất, ăn cắp cả gốc rễ quả núi. Tiền tỷ họ bỏ túi, nhà cửa của dân làng nứt nẻ, thì dân làng tự gánh chịu”.

Còn tiếp…


Phạm Sông Diêm

Bình luận
vtcnews.vn