Kỳ thú chuyện câu ‘cua âm phủ’ trên núi Hòa Bình

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 11/08/2013 12:55:00 +07:00

Dân bản địa vẫn quen gọi nó là “con vật đến từ âm tào”, bởi trước giờ chưa ai đủ khả năng đào đến tận cùng những cái hang sâu hun hút để bắt chúng.

Có một loài cua kỳ lạ sống ở đất bãi thôn Vâng (xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn, Hoà Bình) từ hàng trăm năm nay. Dân bản địa vẫn quen gọi nó là “con vật đến từ âm tào”. Bởi trước giờ chưa ai đủ khả năng đào đến tận cùng những cái hang sâu hun hút để bắt chúng.

Chỉ làng Vâng mới có

Người làng Vâng ai cũng khẳng định như thế, kể cả Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn Bùi Văn Dương (người thôn Vâng). “Tôi đố anh tìm được nơi nào trên dải đất hình chữ S này có loài cua mà mọi bộ phận trên cơ thể đều trắng đục như sữa, thậm chí khi đun sôi cũng không biến sắc như cua làng Vâng”, ông Dương nói.

Thấy tôi tỏ vẻ hoài nghi, ông Dương kéo khách ra khu vườn ngay cạnh nhà trồng toàn bương tre, chỉ tay vào chi chít những lỗ tròn như cổ tay người mà rằng: “Đấy chính là nơi ở của chúng”. Tôi hỏi: Những cái hang này nông sâu ra sao? – Khoảng 3 m, 5 m, thậm chí 7 m.

hòa bình
Cần câu cua được làm từ một cành cây thẳng, trên ngọn có 2 lá non 
Kỳ lạ hơn, khoảng đất bãi nhà ông Dương và các hộ lân cận nằm xen lẫn khu dân cư, lại có lối mòn dẫn ra đồng nên trung bình mỗi ngày không dưới trăm bước chân người qua lại; xung quanh không hề có bóng dáng con sông, dòng suối hay kênh mương nào nên nguồn nước rất khan hiếm.

Tôi lại thắc mắc với vị chủ tịch xã: Đất đai cằn cỗi thế này thì cua sống bằng cách nào? Ông bảo: “Chắc chắn là nó phải đào hang sâu đến tận nơi có mạch nước ngầm rồi. Còn thức ăn thì tạp nham lắm: giun, dế, côn trùng, bọ gậy, thậm chí cả rong rêu”.

Có lẽ, tập tính ẩn mình sâu trong lòng đất, nơi ánh sáng không thể len lỏi tới, là nguyên nhân chính dẫn đến hình hài “bạch tạng” của loài cua này. Và người ta đặt cho nó hàng chục cái tên độc đáo như: Cua sữa, cua trinh nữ, cua trắng, cua đất… Ở xóm Vâng chỉ có 2 bãi đất cua đục lỗ ở là bãi Báy và bãi Bương.

Kỳ tài câu cua

Nhắc đến những người câu cua đất giỏi nhất thôn Vâng thì không thể thiếu cái tên Bùi Văn Duyên. Ở tuổi gần 50, kỹ nghệ câu cua của ông khiến ngay cả những người bản địa cũng phải trầm trồ thán phục.

Hiếm khi có khách lạ tới nhà, lại hỏi han tỉ mỉ về con vật “độc nhất vô nhị” của quê hương nên ông Duyên mừng ra mặt. “Chú thu xếp thời gian nán lại đây một ngày. Tôi sẽ cho chú thưởng thức hương vị thơm ngon của cua đất”, ông nói.

Sau tuần trà ngồi trò chuyện, bã chè đã thôi mục, ông Duyên rời khỏi ghế ngồi tiến vào gian buồng và mang ra một chiếc áo màu xanh đậm đưa cho tôi và bảo: “Chú phải cởi cái sơ mi trắng ra, mặc áo này vào thì tôi mới cho đi câu cua cùng. Vì khi nhìn thấy áo trắng cua rất sợ, nó biết ngay là con người đang tiến đến nên chui tọt xuống hang sâu”.

Ông Duyên cho biết, muốn câu được nhiều cua thì trước tiên phải có một chiếc cần tốt. Có thể dùng bất cứ cành cây nào. Chỉ cần nó không cong queo, độ đàn hồi vừa phải và có lá non đầu ngọn để cua tưởng con mồi đang chuyển động là được. Chiều dài lý tưởng của một chiếc cần dao động từ 80-100 cm, tuỳ theo chiều cao của người câu.

Lần này, loại cây mà “kỳ tài câu cua thôn Vâng” dùng làm cần là ngọn cỏ hôi mọc đầy vệ đường. Sau khi đã tuốt bỏ toàn bộ lá già, chỉ để lại hai chiếc lá non phía trên cùng, ông gọi cô con gái mang cuốc ra để đào giun.

hòa bình
Câu cua cần tính kiên trì cao độ 
hòa bình
Khi cua ra khỏi hang được 20 cm, thợ câu cua nhanh chóng chộp lấy
“Cua rất nhạy với mùi tanh nên phải bắt con giun, con nhái chà xát vào lá non của cần câu để dụ nó ra khỏi hang nhanh hơn”, ông bật mí.

Trước đây, người dân thôn khác nghe chuyện thôn Vâng có cua ngon cũng lân la tìm đến câu, nhưng mỗi buổi giỏi lắm được 4-5 con vì không biết lỗ cua nằm chỗ nào.

Mỗi lần tiến đến gần một lỗ cua, ông Duyên co người, rón rén bước chân thật khẽ. Nếu cua đang ở gần miệng hang, người thợ co người thật thấp, chân phía sau trùng xuống, chân còn lại thả lỏng như tư thế của vận động viên điền kinh trước vạch xuất phát.

Sau đó, ông từ từ đưa cần câu ra, khéo léo vảy cổ tay rung cần để chiếc lá trên ngọn chuyển động dụ cua đến. Cua tiến đến đâu, cần được kéo lùi tới đó. Khi cua cách miệng hang khoảng 20 cm, ông Duyên từ từ đưa tay còn lại về phía trước rồi nhanh như cắt vồ trúng nó.

Những lần thuận lợi, ông chỉ mất 2 phút là tóm được cua. Nhưng có khi chúng ra một chút lại thụt vào, phải nhử đi nhử lại 15 phút mới thành công.

Câu cua cần chọn thời điểm thích hợp, ví dụ sau khi trời mưa, hang bị ngập nước, cua ngộp thở nên bò lên kiếm ăn rất nhiều. Đặc biệt, vào mùa đông, chúng lấp miệng hang ngủ nên không ai đi câu.

Khoảng thời gian lý tưởng nhất để “thu hoạch” loài vật này từ tháng 4 đến tháng 8. Con to nhất mà ông Duyên bắt được bằng cả mu tay người lớn nhưng bây giờ chủ yếu là cua to bằng 3 ngón tay.

hòa bình
Xâu cua của ông Duyên thu được sau một giờ câu
Niêu cơm Thạch Sanh

Mất khoảng 1 giờ đi câu, ông Duyên đã cầm lủng lẳng trên tay xâu cua hơn 20 con. Ông bảo: Chỉ cần bấy nhiêu là đủ một bữa ra trò rồi, không câu thêm nữa. Sau khi rửa sạch, vợ ông Duyên cho vào nồi hấp cách thuỷ, bên dưới có lá sả, ớt, và một số loại lá rừng rất thơm ngon.

Đúng như Chủ tịch xã Bùi Văn Dương nói, ngay cả khi chín, cua vẫn nguyên màu trắng đục. Vỏ cua mỏng, vị thịt cua ngọt, thơm và săn chắc. Sau này, khi về tôi kể chuyện cho anh bạn làm bếp trưởng ở một nhà hàng có tiếng ở Hà Nội. Nghe xong, anh bạn bảo từ hồi cầm dao gõ thớt đến giờ chưa từng nhìn thấy cua chín mà vẫn giữ màu trắng đục.

Ngoài hấp, nấu canh rau ngót, dân thôn Vâng còn dùng cua làm nguyên liệu làm mắm chua. Cua được giã nhuyễn, sau đó trộn lẫn thính (làm từ bột ngô rang), muối, hành. Ủ trong vại sành khoảng nửa tháng, đến bữa ăn lấy ra hâm lại chấm rau luộc.

hòa bình
Khi hấp chín, thịt cua vẫn giữ nguyên màu trắng đục 

Ông Bùi Văn Dương tâm sự: Ở đây đất đai cằn cỗi và khô hạn nên cây lúa không thể phát triển. Đời sống của người dân dựa cả vào bắp ngô, cây mía, củ măng, nhưng ngô, mía lại xuống giá nên rất bấp bênh.

Cả xã Ngọc Sơn có 2.496 người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50% với mức thu nhập bình quân khoảng 9,6 triệu/người/năm. Vào mùa giáp hạt, nỗi lo thiếu đói lại chờ chực gõ cửa từng nhà. Trong mâm cơm thường ngày, rau, dưa vẫn là món chính, còn thịt thà, cá mú vài ba hôm mới xuất hiện một lần.

Thế nhưng, hai bãi cua đất ở thôn Vâng giống như “niêu cơm Thạch Sanh” giúp dân làng bổ sung dưỡng chất. “Từ đời ông, đời cha tôi đã có hai bãi cua này. Đến giờ vẫn còn duy trì được là bởi người dân không bắt cua vì đồng tiền, khi nào bắt đủ bữa ăn là quay về. Nhiều người cũng lân la đến thuê người câu cua với giá cao, thế nhưng không một ai đi. Nhiều khi tỷ phú cũng không mua được đâu anh ạ”, ông Dương nói.

TheoNông nghiệp Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn