Đi tìm sự thật môn võ phải uống rượu say ngất ngưởng

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 29/05/2014 03:25:00 +07:00

Chàng trai tưởng như đứng không vững ấy lại tránh né tài tình, đồng thời tung ra những cú đòn còn chính xác hơn lúc tỉnh...

Chàng trai tưởng như đứng không vững ấy lại tránh né tài tình, đồng thời tung ra những cú đòn còn chính xác hơn lúc tỉnh...


Trận ác đấu diễn ra vô cùng gay cấn. Chàng trai đại diện cho chính nghĩa bị đối phương tấn công bằng những chiêu thức công phu hủy diệt, sinh mạng như đèn dầu leo lét trước cuồng phong. Thế nhưng, trong cơn nguy khốn ấy, chàng trai trẻ may mắn được “viện trợ khẩn cấp” một... "món quà" đặc biệt, ấy là rượu.

Nốc ừng ực những vò rượu lớn ấy, bỗng chốc chàng trai rơi vào trạng thái say mèm, chân lảo đảo, mắt lờ đờ nhìn không rõ phương hướng. Thấy hành động kỳ cục ấy, đối thủ của chàng trai tỏ thái độ khinh khi, coi thường, hắn bổ tới để tung đòn quyết định. Thế nhưng, lạ kỳ thay, chàng trai tưởng như đứng không vững ấy lại tránh né tài tình, đồng thời tung ra những cú đòn còn chính xác hơn lúc tỉnh...

Những hình ảnh trên là mô tuýp trên thường thấy trên phim ảnh của Trung Quốc, xây dựng xung quanh bài võ túy quyền. Và, cũng chính bởi sự hấp dẫn của bài võ… trên phim này nên bấy lâu túy quyền đã trở thành “đặc sản” của võ học đại lục, được võ lâm trên khắp thế giới ngưỡng mộ. Làng võ Việt Nam có túy quyền không và bấy nay bài võ này được sử dụng thế nào, PV đã dày công tìm hiểu…

Ai là cha đẻ của võ say?

Tìm hiểu về bài võ độc đáo này, người đầu tiên tôi nghĩ đến là võ sư Vũ Quang Tín, Trưởng tràng môn phái Hoa quyền ở Hà Nội. Đã có lần tôi thấy ông rất dẻo khi biểu diễn quyền thuật nên cứ nghĩ môn phái có gốc gác từ Trung Hoa của ông có lưu giữ những chiêu thức trác tuyệt của bài võ xuất thần này.

Thế nhưng, cao thủ Hoa quyền này bảo, ở Việt Nam rất ít môn phái có túy quyền, đặc biệt hơn nữa, những cao thủ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bản thân môn phái của ông cũng vậy, tuy nổi danh cùng rất nhiều những bài võ có chọn lọc, chỉnh biên từ võ Tàu nhưng túy quyền thì không. Võ sư Vũ Quang Tín giới thiệu cho tôi hai môn phái mà bấy lâu, túy quyền của họ đã được làng võ Việt Nam thừa nhận.

Theo sự giới thiệu ấy, tôi tìm đến võ sư Băng Sơn, hiệu là Bắc Phong chân nhân, Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia cũng ở Hà Nội.

 

Võ sư Băng Sơn ngay từ nhỏ đã theo sư phụ Lý Chấn Hòa, người Trung Quốc, sống tại Việt Nam, Chưởng môn đời thứ 44 của môn phái Thiếu lâm Phật gia luyện võ. Sau khi Lý sư phụ về nước, ông lại vào nam bái Thiện Tâm thiền sư Đoàn Tâm Ảnh, Chưởng môn phái Côn Luân làm thầy. Kế đến, ra bắc, ông tiếp tục tôi rèn võ công cùng lão võ sư Trần Công, hiệu là Huyền Công Đạo, Chưởng môn phái Không Động.

Mấy chục năm lăn lộn trên giang hồ, được tiếp cận với nhiều bí kíp, tinh hoa võ học nhưng võ sư Băng Sơn bảo, thứ mà ông thích thú nhất đó là được học Túy quyền với Lý sư phụ ngay từ tấm bé. Sau này, cùng với sự tìm tòi nghiên cứu, võ sư Băng Sơn đã nâng tầm túy quyền của mình lên một cảnh giới cao hơn.

Võ sư Băng Sơn cho biết, hiện tại, ngay cả Trung Quốc vẫn chưa biết ai là người sáng tạo ra túy quyền. Theo truyền thuyết thì bài võ này bắt nguồn từ trận hỗn chiến của 8 vị tiên trong thần thoại Trung Hoa, bởi thế nó còn có tên là Túy bát tiên.

Tương truyền, sau khi tu luyện đạt đến trình độ thượng thừa, bát tiên (gồm Chung Ly Quyền, Lam Thái Hòa, Tào Quốc Cữu, Lữ Động Tân, Hàn Tương Tử, Hà Tiên Cô, Trương Quả Lão, Lý Thiết Quải) được Ngọc Hoàng thượng đế giao cho nhiệm vụ diệt quái trừ yêu, bảo vệ cuộc sống của mọi người.

Một lần, vượt biển trừ yêu, bởi sóng to nên thuyền của bát tiên bị đánh đắm khiến cả tám vị chìm nghỉm ở giữa biển khơi. Kính trọng bát tiên, long cung mở tiệc ăn mừng nhân chuyến hội ngộ kỳ duyên đó.

 

Rượu say bí tỉ, với bản tính thích giỡn đùa, quậy phá, bát tiên đã đánh lộn với binh tôm tướng cá, gây náo loạn long cung. Kịch chiến trong lúc say, nhưng với võ công siêu đẳng, bát tiên vẫn thi triển những chiêu thực võ thuật vô cùng đẹp mắt, dù người nào người nấy đều ngất ngưởng, chân nam đá chân chiêu, quàng góc nọ bổ góc kia.

Và, sau cùng không muốn chứng kiến màn siêu quậy của bát tiên, thêm nữa, dù huy động rất đông chiến tướng cho cuộc giao tranh kỳ lạ ấy nhưng không thể nào khuất phục 8 vị tiên say nên Long Vương đành phải để bát tiên đi. Thế nhưng, bởi đó là trận chiến long trời nở đất, nên hình ảnh tám vị tiên say đánh lộn đã in bóng lên trời. Thấy hình ảnh 8 vị tiên đi quyền đẹp mắt, mọi người ở hạ giới cứ ngó mà học theo. Túy quyền xuất hiện ngay từ dạo đó.

Theo võ sư Băng Sơn, đến bây giờ, tranh, tượng mô phỏng hình ảnh “Bát tiên quá hải” vẫn còn được treo, thờ trong nhiều gia đình Trung Quốc. Trong những bức tranh hay tượng ấy, mỗi vị tiên thể hiện một thế đứng đặc biệt của mình, tượng trưng cho một thế võ của túy quyền.

Theo võ sư chưởng môn Võ lâm Phật gia thì họ đều có bí kíp... võ say và cách thức thi triển công phu độc đáo của họ đã thành tên của một số bài tuý quyền sau này. Người đam mê văn học, võ thuật không thể không biết tới những trận say nghiêng ngả của Hành giả Võ Tòng, một nhân vật giàu cá tính trong tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am.

Những trận say quên trời quên đất của vị hành giả ấy đã là nguồn cảm hứng để võ lâm sáng tạo một loạt những chiêu thức tuý quyền có tên là Võ Tòng tuý tửu, dựa trên những chiêu thức mà nhân vật này từng quá say mà đánh. Trong số ấy tiêu biểu có trận sau rượu đả hổ tại đồi Cảnh Dương, lướt khướt hơi men đánh Tưởng Môn Thần, đại náo Phi Vân phố...

Cũng trong tiểu thuyết lừng danh ấy, một “ông tổ” của tuý quyền đã được Thi Nại Am, sau này là phim ảnh Trung Quốc mô tả vô cùng rõ nét, đó là nhà sư tính tình lỗ mãng nhưng rất đáng yêu Lỗ Trí Thâm. Thật hiếm khi thấy nhân vật này xuất hiện mà không có nậm rượu bên mình. Bởi luôn sống trong tình trạng... say xỉn nên hoà thượng này đã để lại nhiều trận đánh kinh hồn bạt vía. Trong số những trận đánh bởi ma men điều khiển ấy hẳn nhiều người không thể nào quên trận “tuý đả sơn môn”, say giao đấu với cả trăm vị hoà thượng tại chùa trên Ngũ Đài Sơn.

 

Chỉ khi lướt khướt mới đánh được võ say?

Trên phim ảnh, thường thì những người thi triển tuý quyền đều ở trạng thái say bí tỉ, không phân biệt thế nào là thật giả, đúng sai. Mắt thì lờ đờ, điệu bộ thì liêu xiêu, ngật ngưỡng. Rượu càng nhiều thì võ càng thăng hoa, uy lực. Phải chăng, muốn sử dụng được tuý quyền thì người luyện võ phải luyện thêm cho mình khả năng... uống rượu?

Trao đổi điều này với võ sư Băng Sơn, thì được ông khẳng định: Không có chuyện rượu vào... võ ra khi sử dụng tuý quyền. Võ sư, Chưởng môn Võ lâm Phật gia cho biết, cốt lõi của tuý quyền là hình say chứ ý không say, bước say chứ tâm hoàn toàn tỉnh táo. Cụ thể hơn, tuý quyền là bài võ có quyền pháp bắt chước hình ảnh của người say chứ không phải thực say.

Hình ảnh người say trên phim ảnh đó chỉ có tính chất nghệ thuật, hư cấu, hơn nữa những nhà làm phim muốn khắc họa một cách ẩn ý triết lý cốt lõi của bài võ độc đáo này. Triết lý đó là dù thân thể có say đến mấy thì tâm người luyện võ vẫn phải tỉnh táo. Càng uống nhiều rượu thì càng minh mẫn, đòn thế càng dẻo, ảo diệu, chính xác. Đó là mục đích sâu xa của các nhà làm phim, còn thực tế, theo võ sư Băng Sơn, rượu đã say mèm, đứng còn không vững thì đừng nói chuyện... đánh đấm.
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn