Đi tìm 'con ma' có tiếng hót mê đắm lòng người ở Tuyên Quang

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 19/08/2015 06:26:00 +07:00

Người Tày tin rằng, những con voọc chính là hồn ma của đứa trẻ đói ăn đi lạc trong rừng, cất tiếng hót ai oán, buồn thảm.

(VTC News) - Người Tày tin rằng, những con voọc chính là hồn ma của đứa trẻ đói ăn đi lạc trong rừng, cất tiếng hót ai oán, buồn thảm.

Kỳ 1: Đi tìm loài voọc quý

Từ đầu năm nay, tôi đã có mấy chuyến vào đại ngàn nghiến ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Thật không ngờ, một tỉnh không xa lắm, núi không cao lắm, lại có những cánh rừng tuyệt đẹp, tuyệt hoang sơ đến vậy.


Rùng rợn nhất là những chuyến lội rừng đi tìm dấu chân hổ hoang dã, nhưng kỳ thú nhất lại là những ngày chạy theo bầy voọc, rồi giấu thân mình vào kẽ đá nghe voọc kêu.

Không thể ngờ rằng, ở những vách núi đá vôi dựng đứng, trồi lên giữa thảm xanh bạt ngàn của rừng nghiến soi bóng bên hồ thủy điện Na Hang, lại có những đàn voọc quý hiếm nhất thế giới, hót hay nhất thế giới.

Người Tày nơi đây tin rằng, những con voọc chính là hồn ma của đứa trẻ đói ăn đi lạc trong rừng. Chúng cất tiếng hót ai oán, buồn thảm, khiến người Tày sợ hãi. Nhưng, có những lúc, tiếng hót của chúng lại mê đắm lòng người. Họ vừa sợ, vừa tôn kính chúng, nên chúng an toàn trước mũi súng của thợ săn.

Nhà anh Nông Văn Huy ở bản Nà Tông, thuộc xã Thượng Lâm. Ngay sau nhà anh là vách núi. Qua vách núi ấy là rừng thẳm, với nhấp nhô những dãy núi lởm chởm như răng cưa.

Vách đá sau nhà anh Huy, nơi đàn voọc trú ngụ và cất tiếng hót mê đắm lòng người
Vách đá sau nhà anh Huy, nơi đàn voọc trú ngụ và cất tiếng hót mê đắm lòng người 

Anh Huy dẫn tôi quành ra phía sau nhà, chỉ những vách đá trắng bóc, lộ ra giữa thảm xanh của rừng. Anh bảo, trên đó, có cái mái đá nông choèn, có đàn voọc đen má trắng ở, hót líu lo mỗi buổi chiều. Thế nhưng, hồi năm ngoái, có kẻ đã mang súng lên núi, bắn chết một con voọc, khiến đàn voọc trốn vào rừng sâu, không về vách đá này nữa.

Từ bao đời nay, người Tày ở đây, sống cạnh đàn voọc, nhưng vì phát súng, mà chúng không còn tin vào con người nữa.

Anh Huy bảo, chiều đó, nghe tiếng súng nổ, anh đã lôi xoong chảo chạy dọc đường gõ in ỏi, kêu mọi người tập trung, rồi bao vây quả núi. 4 tên chạy thoát, chỉ có Phùng Văn Líu, 38 tuổi, người Dao, ở xã Khuôn Hà bị tóm, cùng với 5 khẩu súng. Một khẩu của Líu và 4 khẩu của đồng bọn vứt lại chạy thoát thân.

Sau đó, công an vào cuộc, tóm được cả nhóm thợ săn. Súng bị thu, nhóm thợ săn này bị phạt tổng cộng 50 triệu đồng.

Phát súng của nhóm thợ săn này đã bắn chết một chú voọc đen má trắng, loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu, chỉ còn tổng cộng hơn 100 cá thể ở Việt Nam, và số lượng rất ít ở Trung Quốc.

Trên dãy núi đá vôi của huyện Lâm Bình, quần thể voọc đen má trắng chỉ còn cụ thể 99 cá thể voọc, thì đã bị nhóm thợ săn kia giết hại một con. Nhưng, điều anh Huy buồn hơn cả, là chúng không còn về vách núi sau lưng bản Tày kia để ríu ran hót gọi bầy mỗi lúc hoàng hôn nữa.

Rừng nghiến và núi đá vôi ở Lâm Bình là nơi trú ngụ của loài voọc đen má trắng
Rừng nghiến và núi đá vôi ở Lâm Bình là nơi trú ngụ của loài voọc đen má trắng 

Anh Nông Văn Huy sinh năm 1963, là người Tày, vốn là thợ săn thiện nghệ. Hơn hai chục năm ôm súng luồn rừng, anh đã sát hại không biết bao nhiêu thú rừng mà kể. Từ con don, con nhím, con sóc, cho đến lợn rừng, gấu, hổ, đều đã gục trước nòng súng của anh.

Thế nhưng, có một điều đặc biệt, là anh chưa từng bắn chết con khỉ, voọc, hay vượn nào. Không chỉ anh Huy, mà tất cả người Tày ở vùng núi này, đều không bao giờ bắn loài linh trưởng, là loài gần gũi với tổ tiên con người. Họ tin rằng, voọc mang linh hồn của con người, của những đứa trẻ bị đói ngày xưa, lạc vào rừng kiếm sống, rồi biến thành con vật.

Đường vào Lũng Chuột phải xuyên qua mấy thung lũng, vượt qua mấy dãy núi cao ngất ngư. Anh Huy bảo rằng, voọc giờ khôn lắm, chúng sợ con người, nên trốn sâu vào rừng già. Chúng trốn người như người trốn hủi.

Ngoài anh Huy và nhóm bảo vệ voọc, thì chẳng ai biết bọn voọc ở đâu. Bao năm sống trong rừng, rồi sau này thành cộng tác viên của một dự án bảo tồn, bảo vệ loài voọc, anh Huy là người nắm rõ tập tính của chúng, biết nơi chúng ở, nhớ được quy trình di cư của chúng trên diện tích cả vạn héc-ta rừng già.

Đem theo lương thực, đồ nghề đi rừng, tôi bám theo chân anh chui vào đại ngàn hoang vắng, với niềm ước ao tột cùng là được nhìn thấy loài vật bên bờ tuyệt chủng, hoặc ít ra cũng được nghe tiếng hót cực hay của chúng.

Đàn voọc đen má trắng ở Lâm Bình. Ảnh do anh Huy chụp
Đàn voọc đen má trắng ở Lâm Bình. Ảnh do anh Huy chụp 

Theo anh Nông Văn Huy, xưa kia, người Tày ở phía ngoài. Ruộng nương ít, đất đai chật hẹp, nên 30 năm trước, anh và bản làng di cư vào sâu trong rừng, mở mang thêm đất đai. Khi đó, nơi đây hoang vắng, thú rừng nhiều, hổ còn mò về bản bắt dê, bò, khỉ về nương vặt ngô, lợn rừng ủi sắn.

Loài voọc thì cực kỳ hiền lành, chẳng quấy phá con người. Chúng chỉ vặt lá cây, hái quả rừng để sống. Sáng sớm gọi bầy đi ăn, chiều muội hót ríu ran về tổ. Nghe tiếng chim kêu, vượn hót, thấy cuộc sống thật thanh bình.

Thế nhưng, cũng thời kỳ đó, người dưới xuôi kéo lên phá rừng, săn thú, đã sát hại loài linh trưởng này một cách vô tội vạ. Người dưới xuôi không tin chúng là linh hồn của đứa trẻ đói ăn, đi lạc trong rừng hóa thành, nên đặt bẫy tóm sống, dùng súng sát hại vô tội vạ.

Họ lấy xương nấu cao, thịt đem nấu giả cầy như đặc sản. Thậm chí thả cả con vào bình rượu, uống thùm thụp với lời đồn bổ dương. To nhỏ, lớn bé bắt hết, bắn không tha con nào.

Thế nên, loài voọc đen má trắng vốn sống thành đàn, thành lũ ở đại ngàn Lâm Bình cứ teo tóp dần, giờ chỉ còn vài đàn ẩn sâu trong rừng thẳm, trú ngụ tít tận trên núi cao, không dám mon men ra dãy núi phía ngoài, cũng chẳng dám ríu ran cất tiếng hót lay động lòng người nữa.

 
Hệ thống thang tre của thợ săn để bắn voọc và lấy huyết lình
Hệ thống thang tre của thợ săn để bắn voọc và lấy huyết lình 

Anh Nông Văn Huy chỉ tay lên vách đá trắng xóa, dựng đứng, ẩn hiện giữa thảm xanh ngặt. Tôi nhìn thấy những "que tăm" cài ngang, vắt dọc lủng liểng. Thực ra, đó chính là những chiếc thang. Người ta đã kiên trì làm những chiếc thang bằng tre, vầu, bắc lên tận vách đá dựng đứng cao vài trăm mét. Họ trèo lên thang, nấp trong khe đá, chờ đàn voọc về, thì nhẩn nha nạp đạn nổ súng.

Cứ mỗi tiếng "đoàng" vang lên, một con voọc chẳng khác gì đứa trẻ rơi từ vách đá xuống thung lũng. Bọn voọc tưởng khôn lanh, trốn biệt lên núi cao để tránh loài người, nhưng thực ra chúng vẫn dại lắm. Hễ nghe tiếng súng, hễ thấy đồng loại trúng đạn, rơi bồm bộp, thì sợ hãi, co rúm lại, cứ nép vào vách đá, hoặc ôm chặt lấy cành cây mà run cầm cập, chứ nhất định không chịu kéo nhau chạy đi.

Ngôi nhà đấy, vách đá ấy, nơi tổ tiên chúng trú ngụ, ngàn đời, ngàn kiếp chúng cứ ở đấy, coi đấy là nơi an toàn, thì chúng cứ thế núp kỹ. Chúng đâu biết rằng, kẻ thù đã bắc cả thang lên vách đá, chọn điểm ngắm bắn, rồi sát hại cả đàn theo cách thảm khốc nhất, thê lương nhất.

Tác giả (trái), anh Huy (giữa) và ông Trần Ngọc Lâm trên hành trình vào đi nghe tiếng voọc hót
Tác giả (phải), anh Huy (trái) và ông Trần Ngọc Lâm trên hành trình vào rừng nghe tiếng voọc hót  

Anh Huy còn kể rằng, những kẻ đi săn không chỉ bắn voọc chết như ngả rạ, bắn chết hết cả đàn, mà họ còn bắc thang lên tận ổ, thu được vô số huyết lình, thứ thần dược hình thành từ kinh nguyệt của loài linh trưởng này.

Anh Huy chỉ hang đá ấy, và bảo rằng, nhóm thợ săn đã thu được hơn tạ huyết lình. Điều anh Huy nói quả khó tin, khiến tôi bàng hoàng, nhưng anh khẳng định là thật.

Hàng ngàn năm qua, loài linh trưởng này đã sống đông đúc, quây quần ở hang đá đó. Những con voọc cái đến kỳ kinh nguyệt, chúng mài đít xuống đá để làm sạch. Thứ "thần dược" ấy bám vào đá, cứ lớp nọ chồng lớp kia, rồi lại vùi xuống lớp phân của chúng.

Thập kỷ, thế kỷ trôi qua, phân biến thành đất, cây cỏ mọc trùm lên, tầng tầng, lớp lớp, nhưng thứ "thần dược" huyết lình thì tồn tại vĩnh cửu. Bao ngàn năm qua, bao thế hệ voọc cái trưởng thành, đã nhả ra đó cả tạ huyết lình cũng là điều dễ hiểu.

Mỗi lạng huyết lình giá bạc triệu, thậm chí cả chục triệu, nên người ta săn lùng ráo riết, bắc thang dây chi chít trên các vách đá cheo leo. Những con voọc ngốc ngếch thì đã đều ăn đạn, đều đã vào nồi cao, hoặc thành giả cầy, chỉ còn lại những đàn voọc thành tinh, những con đầu đàn ranh mãnh, nên thợ săn cũng khó sát hại chúng.

Anh Huy bảo, bọn voọc đã biết chống lại con người, biết tự bảo vệ mình bằng cách cắn đứt dây buộc, kéo tung cả thang dây, chặn đứt đường lên vách đá của đám thợ săn để bảo vệ ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng, là ở Lâm Bình đã có những người như anh Huy, bao năm qua, ngày đêm tuần rừng, bảo vệ cho cuộc sống của chúng.

Voọc đen má trắng Trachypithecus francoisi) là loài ít được nghiên cứu nhất. Loài voọc này sống ở tây nam Trung Quốc và đông bắc Việt Nam. Trước năm 1990, voọc đen má trắng có mặt tại 23 nước với tổng số lượng là 2.000 - 2.500 cá thể. Ước đoán hiện nay chỉ còn hơn 100 con ở Việt Nam, tập trung ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), một số lượng rất ít ở Trung Quốc.

Chúng từng xuất hiện ở nhiều tỉnh tây bắc, đông bắc Việt Nam, nhưng giờ đã vắng bóng. Loài voọc này có bộ lông mầu đen tuyền. Trên má có vệt lông màu trắng kéo dài quá tai như voọc mông trắng. Đỉnh đầu có mào lông đen. Đuôi lông màu đen, không xù xì. Chúng sống trên những vách núi đá vôi ở độ cao không lớn có nhiều cây gỗ và dây leo, thức ăn là chồi non, lá cây và rất ít quả cây rừng. Đây là một loài vật đang bị đe dọa nghiêm trọng do môi trường sinh sống bị thu hẹp.

Còn tiếp...


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn