Chuyện tội tỗi của người trừ họa cho dân bản

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 06/12/2011 06:36:00 +07:00

(VTC News) - Vì sự thiếu hiểu biết của đồng bào, vì cuộc sống mông muội giữa rừng già, họ không hiểu giá trị của loài động vật quý hiếm, nên đã ra sức tàn sát.

(VTC News) - Vì sự thiếu hiểu biết của đồng bào, vì cuộc sống mông muội giữa rừng già, họ không hiểu giá trị của loài động vật quý hiếm, nên đã ra sức tàn sát.

Kỳ 1: Diện kiến “vua diệt hổ”

Có tài liệu nói rằng Việt Nam giỏi lắm còn độ chục con hổ, có tài liệu lại nói còn tới 200 con. Sự kiện anh Nguyễn Tất Hòa, nhân viên Vườn quốc gia Pù Mát, sau bao nhiêu năm đặt "bẫy ảnh" mới chụp được một con hổ, khiến giới khoa học không những nước nhà mà thế xôn xao.
"Vua diệt hổ" Hồ Pả Nục.

Việc xuất hiện hổ ở Việt Nam là sự kiện lớn lao lắm. Tuy nhiên, trong rừng già Hướng Hóa (Quảng Trị), người dân vẫn gặp hổ đi cả đàn trong rừng! Chuyện này nghe thật lạ lùng, khó tin.

Tôi đã gặp đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở đây và thật ngạc nhiên khi họ kể chuyện săn hổ giết thịt, nấu cao cứ như bắt mèo vậy.

Tôi ghi chép lại sự kiện này, không phải ca ngợi những người giết hổ như anh hùng, mà phản ánh một thực trạng đã xảy ra nhiều năm trước. Vì sự thiếu hiểu biết của đồng bào, vì cuộc sống mông muội giữa rừng già, họ không hiểu giá trị của loài động vật quý hiếm, nên đã ra sức tàn sát.

Dù việc tàn sát hổ không còn nữa, nhưng bài báo cũng mong là tiếng chuông cảnh tỉnh, để các cơ quan chức năng, cán bộ có trách nhiệm, tìm cách bảo tồn loài động vật quý hiếm này.


Giết hổ để ăn

Nghe các nhà khoa học kể nhiều về việc phát hiện dấu vết bò tót trong rừng Đa Krông và Hướng Hóa (Quảng Trị), tôi cứ thắc thỏm muốn vào đó tìm hiểu xem sao. Anh bạn đồng nghiệp ở Đài PTTH Hướng Hóa bảo: "Bò tót thì có gì lạ, hổ còn đầy. Toàn hổ ở Lào chạy sang. Vào Hướng Lộc mà nghe đồng bào kể chuyện săn hổ, kỳ thú lắm".

Vừa đi xe máy vừa cuốc bộ leo dốc vật vã trên các con đường mòn quanh co, vắt vẻo trên dãy núi Pa Co, Tà Rùng, mất nửa ngày, tôi mới đến được bản Pa Nang của người Vân Kiều thuộc xã Hướng Lộc.

Trên đường đi, chúng tôi gặp nhiều đoàn người ngày đêm rầm rập phá rừng lấy dầu dè hương. Đám người này từ Quảng Bình, Hà Tĩnh vào, chứ người Pa Kô, Vân Kiều bản địa không bao giờ phá rừng.

Hàng ngàn, hàng vạn cây dè hương cổ thụ to mấy người ôm mới xuể bị họ đốn hạ rồi cưa lấy mỗi đoạn gốc, trốc những chùm rễ lên chém ra cho vào thùng phuy nấu như nấu rượu để chưng cất dầu dè. Mỗi cây dè hương trăm năm tuổi, phải chưng cất mấy ngày mới thu được vài lít dầu.

Ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp gianh cũ kỹ của "vua diệt hổ” Hồ Pả Nục nằm tênh hênh bên con suối Pa Nang. Những câu chuyện săn hổ ông kể bên bếp lửa trong nhà sàn cho dân bản nghe luôn hấp dẫn bởi cái vẻ huyễn hoặc rừng già.

Nhóm người phá rừng dè hương nấu tinh dầu đã góp phần xua hổ sang Lào. 
 
Ông Nục là già bản, từng có nhiều năm làm bí thư xã nên ông nói sõi tiếng Kinh, còn vợ và đám con cháu thì chẳng nói được từ nào.

Dù đã ở tuổi 80, song trông ông rất tráng kiện. Ông bảo: "Miềng đi cả tháng trong rừng không biết mệt chi mô. Cái chân miềng dẻo lắm, cái mắt lại sáng. Sức khoẻ miềng tốt như rứa là vì miềng ăn nhiều thịt hổ".

Nghe ông Nục kể được ăn thịt hổ nhiều mà tôi thấy lạnh cả người. Ông kể ăn thịt hổ mà chả khác gì người Thái Bình đánh chén tiểu hổ thường ngày.

Xưa kia, hễ cánh rừng nào xuất hiện dấu chân hổ, bản làng nào có trâu bò, lợn gà bị hổ về bắt, người ta đều nhờ ông Nục đến đặt bẫy. Bẫy được hổ, ông xẻ thịt chia đều cho cả bản.

Thợ săn bị gấu móc mắt ở Sơn La. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Nhiều khi hứng thú, tóm được hổ rồi, ông chặt cây xâu cả con hổ treo lên nướng, rồi cùng cả bản xẻo thịt ăn. Giống thịt hổ phải tẩm ướp nhiều loại gia vị mới ăn được, chứ không hôi, tanh và ngái, khó ăn lắm.

Mấy thập kỷ trước, ở Hướng Hóa hổ nhiều đến nỗi người Vân Kiều ở Pa Nang ăn phát chán. Xương hổ quẳng đầy suối Sê Pôn. Các cụ già trong bản cũng nấu cao nhưng dùng không hết nên đem phân phát cho bộ đội ăn lấy sức đánh giặc.

Nhiều năm nay, ông Nục không tự dưng vào rừng săn hổ, mà chỉ khi nào bọn hổ về bản bắt người, bắt trâu bò, lợn gà, quấy nhiễu đời sống dân bản ông mới tìm cách diệt nó.

Những năm 80 của thế kỷ trước, xã Húc, Thuận, Thanh, Xi, A Xing, A Túc, A Dơi, Ba Tầng... bạt ngàn rừng nguyên sinh với những thân dè hương to lừng lững. Trong rừng, khỉ, voi, bò tót, hổ, báo... đông nhung nhúc.

Những chuyến đi săn, đi bẫy thú trên những dãy núi hình yên ngựa giáp Lào, ông gặp cả đàn hổ nằm dài trong hang đá, hốc núi cứ như ở công viên bên châu Phi.

Đoàn thợ săn chuẩn bị vào rừng. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Gần đây, đám phá rừng dè hương đông như quân Nguyên đã tàn sát gần hết rừng. Mùa lũ, dòng Sê Pôn cuốn theo bạt ngàn thân cây dè hương mà bọn khai thác dầu dè bỏ lại.

Rừng bị phá, đàn thú bị xua đuổi đến sát biên giới Lào. Môi trường sống bị con người đe dọa nên chúng trở nên dữ dằn hơn. Hổ thường xuyên về các bản làng ở Hướng Hóa, đặc biệt ở các xã Thuận, Hướng Lộc, xã Thanh bắt gia súc, gia cầm của người Vân Kiều, Pa Kô.

Năm 1999, xuất hiện một con hổ lớn về bản Pa Nang phá phách. Nhiều người bất lực dù biết nó tha bò, tha lợn vào rừng xé ăn.

Dân bản bức xúc, yêu cầu ông Nục diệt hổ, nhưng ông quyết từ chối. Ông là già bản, lại từng là bí thư xã nên ông hiểu giết hổ là phạm pháp.

Tuy nhiên, con hổ ấy cứ hỏi thăm hết nhà này đến nhà khác, xông cả vào gầm nhà dân tha lợn đi. Theo thống kê, riêng năm 1999, bản ông mất 3 con bò, 10 con lợn, hơn trăm con gà vịt. Lần nó bắt 2 con heo nhà ông đã khiến ông Hồ Pá Nục không chịu nổi nữa.

Đêm ấy, trăng lưỡi liềm treo trên đỉnh núi, ông Nục nghe có tiếng phì phò dưới gậm sàn. Đàn lợn kêu ét ét. Ông đốt đuốc, soi mãi không thấy con heo đực để dành cưới thằng cháu nội đâu. Nhìn dấu chân ông biết hổ về.

Con hổ này to cỡ 3 tạ, lại rất tinh khôn. Dân Pa Nang giăng bẫy khắp rừng mà nó vẫn không sập. Đang lúc nghĩ ngợi phương án bắt hổ, thì nó lại mò vào nhà ông. Lần này nó tóm nốt con heo chửa.

Ông Hồ Pá Nục kể: "Nghe tiếng động miềng ngó qua khe cửa, thấy con hổ đang ngoạm họng con heo cái nhà miềng đi vào rừng. Cái đầu con heo cứ lắc lư theo bước đi uyển chuyển của nó.

Miềng lặng lẽ đi theo con hổ. Đi theo nó mấy tiếng, đến khu vực giáp Lào nó mới dừng lại. Nó xơi hết đôi mông, bộ lòng con heo rồi giấu phần còn lại trong khe đá, kéo cành lá đắp kín để hôm sau ăn tiếp".

Ông Nục mua thuốc nổ của đám người đi đào bom mìn phế liệu để chế quả bộc phá. Ông cài quả bộc phá vào đầu con heo đã thối rữa. Hổ rất thích ăn thịt thối nên chắc chắn nó sẽ quay lại.

Con hổ đại tướng đến xơi phần còn lại của con heo. Bộc phá nổ, hổ vỡ toác đầu. Ông Nục gọi đám thanh niên làm cáng khiêng xác hổ về. Cả bản đốt lửa nướng thịt hổ nhắm rượu. Bộ xương hổ đem nấu cao, chia cho mỗi người một ít. Ai ốm yếu, đau nhức xương cốt đem hầm với gà ăn, hoặc ngâm rượu uống.         

Đủ kiểu săn hổ

Hồi trai trẻ, ông Nục săn hổ bằng bẫy lưới. Hổ vào bẫy ăn mồi, bẫy lưới sập xuống túm chặt. Cách đơn giản như chụp cá vậy mà tóm được ối hổ.

Một cách bẫy hổ nữa mà người Vân Kiều hay dùng là bẫy vòng. Ngọn cây cao, cứng được vít cong xuống mặt đất và nối với một chiếc dây phanh làm thòng lọng.

Khi hổ vào ăn con mồi, chạm lẫy, thòng lọng thít lại, cây bật lên, kéo hổ thẳng cẳng lên trời. Hổ đau đớn gầm rú, người dân kéo ra đâm chết. Có con sập bẫy, chưa kêu nổi tiếng nào đã chết như bị treo cổ. Có khi chết thối mới có người đi thăm bẫy phát hiện ra.

Số phận loài hổ ở Việt Nam thật thảm hại. 

Ông Nục bảo, lâu nay người Vân Kiều ít bẫy được hổ vì hổ đã rất hiếm lại tinh khôn. Giờ sẵn thuốc nổ, người ta cứ đặt bộc phá vào con mồi, hổ đến ăn chắc chắn sẽ bị tiêu diệt.

Ông Nục đã hạ thủ 5 con bằng cách đặt bộc phá vào thức ăn của nó. Còn tổng cộng bằng các cách khác thì phải độ ba chục con.

Trận săn hổ nào của ông cũng đượm màu sắc ly kỳ. Tuy nhiên, ông Nục không tự nhận mình là “vua săn hổ”, bởi theo ông, cái cách săn hổ bằng bộc phá và đặt bẫy của ông không được anh hùng cho lắm.

Ông bảo, vương miện “vua săn hổ” phải trao cho ông Pá Trùng, bố của Chủ tịch xã Hồ Văn Mứt. Người Vân Kiều ở Hướng Lộc ai cũng được nghe chuyện săn hổ của ông Pá Trùng.

Còn tiếp…

Trần Bình Thủy


Bình luận
vtcnews.vn