Chuyện phi thường 2 cô gái "Võ Tòng đả hổ" ở VN

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 13/02/2010 04:32:00 +07:00

Bất ngờ con hổ quay lại, lao vào vồ ngã Quốc. Nó dùng nanh lật lên mảng da đầu từ trán ra phía sau, máu chảy lênh láng. Ngô Thị Kỷ không hề lo sợ...

Một con hổ về phá Hạc Hải tìm nước, đi qua xã Vạn Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) thấy người muốn ăn thịt, không ngờ bị một cô gái 15 tuổi dùng đòn gánh đánh hổ bỏ chạy. Một con hổ khác về sông Nhật Lệ hại người, một cô gái tuổi 17 vẫn đòn gánh bé nhỏ đánh chết hổ, cứu 3 đứa trẻ. Chuyện Võ Tòng tay không giết hổ đã là phi thường; nay người "đả" hổ lại là hai cô gái sức vóc mảnh mai thì quả là... kỳ diệu.

Đánh hổ cứu bạn

Mùa hè năm 1962, hạn hán, nắng gay gắt, người làng Đồn (Vạn Ninh, Quảng Ninh) tranh thủ ra đồng nhổ mạ sớm để tránh nắng. Cô gái Ngô Thị Kỷ lúc đó 15 tuổi cũng ra đồng giữa nhá nhem. Đi cùng có người bạn hàng xóm, Bùi Minh Quốc, 16 tuổi. Hai người qua xóm Bến, thấy trước mặt có con hổ to như con bò đang lửng thửng bước. Bùi Minh Quốc hét toáng: “Cọp! Cọp! Cọp!...”.

Bất ngờ con hổ quay lại, lao vào vồ ngã Quốc. Nó dùng nanh lật lên mảng da đầu từ trán ra phía sau, máu chảy lênh láng. Ngô Thị Kỷ không hề lo sợ mà quyết tâm cứu người, cô dùng đòn gánh đánh mạnh 2 phát vào đầu hổ. Nó vẫn ngồi chễm chệ trên người Bùi Minh Quốc, trừng trừng sát khí. Lấy hết sức bình tĩnh, Kỷ giáng mạnh đòn thứ 3 vào chính giữa đầu hổ, hổ lồng lên, gầm một cái, định tấn công vào cô gái. Ngô Thị Kỷ nhanh trí đánh tới tấp vào con hổ, không cho nó lấy đà vồ lại người. Bị đánh phủ đầu, hổ đành bỏ chạy về hướng núi.

67 tuổi, bà Ngô Thị Kỷ vẫn còn nhớ mãi lần đánh hổ cứu người bạn thuở thiếu thời. 

Cô gái Ngô Thị Kỷ đánh hổ cứu bạn được tuyên truyền rộng rãi trong lực lượng thiếu niên nhi đồng, tấm gương dũng cảm của cô thiếu niên nhỏ bé được báo chí đưa tin. Bác Hồ nghe tin đã gửi tặng Huy hiệu. Tỉnh đoàn Quảng Bình đến trao huy hiệu, Ngô Thị Kỷ e úng nói: “Có chi mô, cháu thấy không đánh hổ thì bạn chết. Phải đánh mới cứu được bạn. Rứa là cháu đánh”.

Tên tuổi Ngô Thị Kỷ lúc đó bay sang 15 nước xã hội chủ nghĩa. Thư từ tới tấp gửi về. Và để mến mộ sự dũng cảm của cô gái Quảng Bình được nhớ mãi, ở miền Nam đã có một ngôi trường mang tên Ngô Thị Kỷ.

Đánh hổ bên sông Nhật Lệ

Làng Trung Bính, xã Bảo Ninh (Đồng Hới) vẫn ngưỡng mộ bà Bùi Thị Té một đòn triêng (đòn gánh) hạ được con hổ rình rập vồ 3 đứa trẻ. Năm 1950, tiết trời tháng 3, bà Té lúc đó 17 tuổi. Gánh hàng qua đụn cát, vào rừng dương, gặp 3 đứa trẻ làng ngũ tránh nóng buổi trưa. Bà ngồi nghĩ, bỗng có tiềng ùm..ao nhỏ nhỏ trong lùm cây rậm rạp. Bà tưởng con mèo, đến xem. Không ngờ là con hổ đang rình vồ mồi. Trong tâm trí bà Té, Trung Bính làm gì có hổ, nhưng bà nghĩ, vùng cát quê bà chạy dọc lên đến Lệ Thuỷ, ở vùng Sen Thuỷ, rừng rú rậm rạp, là nơi hổ sinh sống dày đặc, có thế con hổ này đi lạc ra tận Nhật Lệ cũng nên.

Thấy cần cứu lũ trẻ, bà Té dùng đòn triêng đánh con hổ mấy phát vào chẩm trán. Hổ to như con bò nghé, gầm gừ xé toang sự yên tĩnh của trưa nắng, lao vào tấn công cô Té, nó dùng độc cước sơn lâm, tát vào mặt, cổ, tai, máu hoà vào cát. Cô gái tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu ấy vẫn hiên ngang chống tròn triêng xuống cát, ngồi thụp người xuống, con hổ lao tới, bị đòn triêng thúc nặng vào ức, tức ngực, con hổ đổ vật xuống cát, bất tỉnh. Bùi Thị Té đứng dậy đánh mạnh nhiều nhát vào chẩm trán, con hổ chết chết ngay vì vỡ sọ.
 
Cả làng Trung Bính biết chuyện, chạy ùa ra cát, bên bờ sông Nhật Lệ, họ tung hô cô gái Bùi Thị Té đã cứu sống 3 đứa trẻ của làng thoát khỏi nanh hổ. Làng mở cỗ ăn mừng, bà Té được đưa tên vào gia phả họ Bùi ở Trung Bính như người có công trạng khai khẩn lập làng. Hằng năm, họ tộc xem bà như người có công lớn với làng, đối xử trọng tình, trọng nghĩa. Bà Té sống trong niềm tin yêu của mảnh làng trên cát ven sông Nhật Lệ. Năm 2009, dân làng Trung Bính đưa tiễn người anh hùng làng cát về với tổ tiên khi bà tròn 92 tuổi. Bà Té mất, nhưng chuyện bà đánh hổ vẫn mãi nằm trong di sản ký ức làng.

Cuộc sống sau 47 năm đánh hổ

47 năm sau, chúng tôi về thăm người đánh hổ cứu bạn. Cô gái trẻ ngày nào đã bước qua tuổi 63. Sức khoẻ còn minh mẫn, bà vẫn kể rành rọt những năm tháng cuộc đời và kỷ niệm đánh hổ vẫn in đậm trong trí nhớ.

Những thiếu niên dũng cảm như bà trước đây thường được chính quyền cho đi học, bà chọn hướng khác, ở nhà làm xã viên, sản xuất lúa gạo đưa ra chiến trường. Suốt ngày bám mặt với ruộng, bà lý giải: “Làm ruộng vui hơn đi thoát ly xa nhà, nhiều người đi ra làm được việc, mình ở nhà làm ruộng giúp ích cho hợp tác xã cũng hay”.

Sinh được 7 người con. Vợ chồng bà hướng con cái vào công việc đồng áng, chỉ người con út học cao đẳng. Bà nói: “Cuộc sống không khó khăn, nhưng con cái thích làm ruộng thì tui cho, đứa út đòi nghiệp sách vỡ thì cũng theo. Ba mẹ không ép. Vì làm ruộng có cái thú điền viên”.

47 năm trôi qua, ông Bùi Minh Quốc đã có gia thất, sống cùng làng với bà Kỷ. Thoát chết khỏi nanh hổ từ hành động của người bạn gái cùng xóm, Bùi Minh Quốc khắc tâm suốt đời vị ân nhân cứu mạng. Họ sống đùm bọc nhau vượt qua bom đạn chiến tranh, đến ngày hoà bình hai người cùng thề ở ngay trong làng để chăm sóc cho nhau mỗi lúc cần. Mỗi lần nhà bà Kỷ dựng vợ gã chông, ông Bùi Minh Quốc đứng ra làm chủ lễ vì ông có khiếu nói năng lưu loát. Gia đình bà Kỷ đau ốm, ông chạy chữa thuốc thang bằng tất cả sức lực gia đình.

Gặp chúng tôi, ông Quốc cảm động: “Bà Kỷ sống tốt, tui phải sống bằng cái tâm để không phụ lòng gia đình bà ấy. Bà ấy trong sáng đến lạ, mỗi lần nhà tui có việc trọng, vợ chồng bà ấy vẫn đến giúp hết việc như người một nhà. Tốt rứa thì tui phải lấy cái tình bạn làm trọng chứ”.

Cứ mỗi cuối năm, gia đình Ngô Thị Kỷ và Bùi Minh Quốc lại sum họp, họ cùng uống chén rượu thề thuỷ chung để nâng niu tình cảm cưu mang nhau.

Theo Báo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn