Chuyện lạ về cách làm đẹp giữa đại ngàn

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 31/01/2011 03:00:00 +07:00

Bất chợt nghe một phụ nữ Pakôh ở A Lưới “bật mí” chuyện dân tộc mình ngày xưa làm đẹp, bỗng giật mình trước một nét văn hóa độc đáo còn tàng ẩn giữa Trường Sơn.

Bất chợt nghe một phụ nữ Pakôh ở A Lưới “bật mí” chuyện dân tộc mình ngày xưa làm đẹp, bỗng giật mình trước một nét văn hóa độc đáo còn tàng ẩn giữa Trường Sơn sương khói.

Phấn son từ đá núi

Đường đến A Lưới (tỉnh TT- Huế) giờ đã thôi cách trở. Các bản làng xa như xích lại gần nhau hơn. Vậy nhưng, nhiều câu chuyện về mỹ tục của dân miền sơn cước vẫn chưa thể vươn ra khỏi những tán lá rừng ảo mờ, âm u bên mây ngàn non biếc.

Chị Hồ Thị Tư (cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới) tâm sự: “Chuyện làm đẹp cũng giống như nhiều nét văn hóa truyền thống khác của người Pakôh, độc đáo và bí ẩn. Tuy dần mai một, ít được nhắc đến và chưa có sách vở ghi chép lại đầy đủ, nhưng văn hóa làm đẹp vẫn như là một phần lịch sử tất yếu và là tinh thần của người Pakôh. Nó được tích tụ và lưu giữ le lói tận đến hôm nay”.

Bà Kả Ngoan giới thiệu về củ “tưr’ya” - một chất phụ gia tạo màu tươi tắn cho vết xăm trên da thịt phụ nữ Pakôh.  

Thuở xa xưa, phụ nữ trẻ Pakôh đã biết ra suối chọn tìm cho mình những hòn đá mềm màu hồng, màu đỏ ưng ý đem về nhà mài, tán thành bột, hái thêm một loại lá rừng đặc biệt giã nhuyễn cùng đất đá, rồi dùng hỗn hợp đó thay son môi như của người dưới xuôi. Phụ nữ Pakôh còn biết dùng nhựa cây có màu xanh, màu đen để làm mỹ phẩm trang điểm cho đôi chân mày, lông mi thêm đậm màu, sắc nét và cá tính.

Lần theo câu chuyện của Tư, chúng tôi gặp cụ bà Hồ Thị Tuyết (80 tuổi), người còn giữ những câu chuyện về làm đẹp của thanh niên nam nữ người Pakôh xưa ở huyện A Lưới.

“Hồi mình còn trẻ, cứ mỗi dịp hội xuân, hội làng, hội mùa là cả đám con gái lại kéo nhau đi tìm cái suối đầy nước trong xanh có nhiều hòn đá màu đỏ, màu hồng (đá huyết) mềm như sáp đem về trộn với hỗn hợp lá rừng tên là “krier” để làm son, làm phấn”, cụ bà tuổi bát tuần bỗng sôi nổi khi nhắc chuyện làm đẹp của một thời thiếu nữ.

Chúng tôi may mắn được già Tuyết đưa đi xem hai “cục son” to như nắm đấm có nguồn gốc từ đá huyết rừng A Lưới. Hai cục đá núi khi mài cùng nước suối đã cho ra một màu đỏ sậm dẻo sánh tựa son môi.

 Bà Kả Ngoan tự hào, thiếu nữ xăm hình lên mặt sẽ có nhiều chàng trai theo đuổi. Cùng một cộng đồng, nhưng cách xăm để làm đẹp của phụ nữ Pakôh khác với đàn ông, khác cả từ hình vẽ đến chất liệu tạo màu.

Bà Tuyết còn “bật mí”, người Pakôh không chỉ chú ý chăm chút khuôn mặt bằng các thứ phấn son tự chế từ chất liệu đất đá núi rừng mộc mạc, mà còn có những kiểu làm đẹp rất khác lạ, như xăm mình, cưa răng. Thị hiếu thẩm mỹ này kéo dài đến sau ngày đất nước giải phóng.

Chúng tôi tìm đến nhà già Quỳnh Phâm ở xã Hồng Vân (huyện A Lưới), người am hiểu truyền thống văn hóa Pakôh. Già Phâm kể: “Tục xăm mình, cưa răng không xa lạ với nhiều dân tộc anh em dọc dãy Trường Sơn. Nhưng với người Pakôh, vào cái thời lão còn trai trẻ, muốn là người trưởng thành, được mọi người yêu mến và theo đuổi, thì tất cả nam nữ thanh niên đều phải làm như vậy.

Cách làm đẹp này đã có từ nhiều thế hệ trước, xa xưa như núi rừng, đến đầu những năm 90 vẫn còn. Tất cả các bậc cha mẹ đời trước đều truyền dạy cho con cái làm theo”.

Son môi từ đá núi của người Pakôh do bà Hồ Thị Tuyết giới thiệu.  

Vẫn theo lời già Phâm, trai gái Pakôh ngay từ tuổi vị thành niên đã bắt đầu cưa ngắn cái răng. Việc ấy kéo dài hàng tuần. Muốn đẹp theo cách cha ông xưa để lại thì đành cố chịu đau. Cũng độ tuổi này, mọi người bắt đầu xăm các hình vẽ lên bắp tay, bắp chân, trán, mày, cằm.

Bí ẩn làm đẹp và chống độc

Không chỉ làm đẹp, cưa răng, người Pakôh xưa còn có thói quen lấy lá một loại cây dây leo tên là “aluông” trộn với than bếp cho vào cối giã nhuyễn, hòa nước suối ngâm nhiều giờ để tạo thành thứ thuốc nhuộm đặc biệt cho các vết xăm trên da. Thuốc được cấy vào chỗ xăm bằng kim, vật sắc, hoặc gai nhọn để làm nổi bật những hình vẽ, hoa văn tùy ý trên da thịt.

Đàn ông con trai thường xăm hình con rết, con rắn lên tay, chân. Nó vừa thể hiện sức mạnh, đồng thời gắn với niềm tin phòng được độc hoặc tránh đau đớn nếu không may bị những con vật nguy hiểm kể trên cắn phải khi đi rừng.

Già Phâm kể: “Lão từng bị rết cắn trong những lần vào chiến khu, nhưng cái da, cái chân không thấy đau, thấy nhức. Vài người già trước lão nói lại rằng, loại lá cây “aluông” có cái chất xua cái độc, cái đau. Một khi “aluông” đã được xăm ngấm vào cơ thể thì hễ bị rết, bọ cạp cắn đều không thấy đau nhức”.

Với hình xăm có hoa văn lạ này, người Pakôh tin rằng, ngoài làm đẹp nó còn có chức năng “chống độc”.  

Già Hồ A Tum (90 tuổi, trú thị trấn A Lưới) cũng tiết lộ, các hình xăm làm đẹp và phòng tà độc thể hiện trên da người Pakôh, ngoài con rắn, con rết, còn thường được điểm tô thêm bằng loại hoa văn Pa-tưng-zăng vốn là biểu tượng của một đồ vật rất được người vùng cao coi trọng, đó là ché rượu cần.

Bà Kả Ngoan (85 tuổi, trú xã Hồng Vân), một lão bà đang còn lưu giữ nhiều hình xăm làm đẹp trên khuôn mặt, giải thích: “Mình cũng có thể làm đẹp cái má, cái mắt, cái cằm mà không cần đến phấn son. Đó là tục xăm chân mày, xăm giữa trán, xăm hình cong nối hai đầu mày.
 Đàn ông con trai thường xăm hình con rết, con rắn lên tay, chân. Nó vừa thể hiện hiện sức mạnh, đồng thời gắn với niềm tin phòng được độc hoặc tránh đau đớn nếu không may bị những con vật nguy hiểm kể trên cắn phải khi đi rừng.

Giữa cằm thì xăm thêm hình nắp kiềng ba chân lật ngược để tạo nên cái cằm chẻ duyên dáng. Hai khóe miệng thì xăm thêm ba chấm làm như lúm đồng tiền chúm chím”. Bà Kả Ngoan tự hào, thiếu nữ xăm hình lên mặt sẽ có nhiều chàng trai theo đuổi.

Cùng một cộng đồng, nhưng cách xăm để làm đẹp của phụ nữ Pakôh khác với đàn ông, khác cả từ hình vẽ đến chất liệu tạo màu. Với phụ nữ Pakôh, họ cất công lội rừng tìm cho bằng được củ cây “tưr’ya” trông như củ gừng, có vị bùi. Người Pakôh còn dùng nó làm thuốc chữa đau đầu.

Củ “tưr’ya” sau khi đào về được rửa sạch rồi giã nhuyễn để lọc lấy màu. Thuốc xăm từ củ “tưr’ya” muốn dậy được sắc tươi cần phải hòa thêm nước màu của vài thứ lá cây rừng bí ẩn khác. Có như vậy, màu xăm mới đẹp và hợp với sắc da mượt mịn của phụ nữ.

Lo mai một

Kể chuyện làm đẹp cho chúng tôi và lớp trẻ trong thôn nghe, giọng bà Kả Ngoan đượm buồn: “Từ rất nhiều mùa rẫy rồi, chẳng ai còn hỏi mình chuyện này nữa. Mình cũng không biết cái chữ để ghi chép lại. Người biết nhiều giờ đã chết hết rồi, muốn tìm hiểu đầy đủ cũng khó. Dù sao, thì đó cũng là một phần của văn hóa người Pakôh mà thế hệ như mình rất trân trọng và tự hào. Khi xuống mồ mình cũng không quên được”.

Theo Ngọc Văn - Linh Giang - Tiền phong

Bình luận
vtcnews.vn