Bí ẩn vùng đất đụng đâu cũng thấy vàng lá

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 04/01/2014 12:34:00 +07:00

Vùng đất này nhanh chóng được phong tỏa, bí ẩn về những tấm vàng lá và các vật thể biểu trưng cho văn hóa Óc Eo mở ra nhiều điều thú vị.

Vùng đất này nhanh chóng được phong tỏa, bí ẩn về những tấm vàng lá và các vật thể biểu trưng cho văn hóa Óc Eo mở ra nhiều điều thú vị.


"Người đi đào ai may mắn thì gặp vàng nữ trang, vàng mỹ nghệ. Không thì vàng lá, mà vàng lá là nhiều nhất. Cứ đi săn vài ngày nếu không được nhiều cũng có vài lá trong tay”.

Khoảng năm 1986, một số người dân đi thăm đồng, đào đất đắp bờ ruộng bỗng nhiên lượm được vàng lá, đồng và một số cổ vật…, từ đó người dân khắp nơi mới về lùng sục đi đào suốt ngày đêm.

Vương quốc Phù Nam phát triển phồn thịnh với nền văn hóa Óc Eo ở An Giang là điều có thật với nhiều chứng tích đã được chứng minh. Hàng ngàn cổ vật có giá trị về lịch sử đã và đang được bảo quản cẩn thận.

Thế nhưng đi kèm với sự hé mở này còn là bí ẩn của nhiều khối vàng lá mà nhiều người ảo tưởng là vàng ròng ở khu vực Giồng Cát (nằm bên chân núi Ba Thê) và nhiều vùng đất khác ở xứ miệt vườn này.

Nhiều người đã đổ xô đi tìm, cũng có người đã tìm được vàng thật nhưng cũng có những người tìm được toàn vật thể kỳ dị, đây chính những dấu tích của nền văn hóa Óc Eo, với sự trường tồn của cả một vương quốc thu nhỏ của người Óc Eo xưa (hay còn gọi là người Phù Nam). Vùng đất này nhanh chóng được phong tỏa, bí ẩn về những tấm vàng lá và các vật thể biểu trưng cho văn hóa Óc Eo mở ra nhiều điều thú vị.

Đụng đâu cũng thấy vàng lá và cổ vật quý

Đã có hàng chục cuộc khai quật các cổ vật xưa cũng như hàng ngàn đồng vàng La Mã rải rác dọc mảnh đất An Giang, Hà Tiên, Đồng Tháp, trong đó chủ yếu là An Giang. Thế nhưng trước khi những cuộc khai quật này diễn ra, nhiều người ở vùng đất này từng đào được vàng lá lẫn cổ vật nhưng rồi lại để nó tuột khỏi tay. Cánh đồng Óc Eo (ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang) có gần 10 điểm chứa cổ vật.

Ông Trần Văn Chín, sống ở vùng đất này từ thuở thiếu thời cho biết: “Khi mới sinh ra, tôi đã nghe nói về nhiều dấu tích cổ vật quý ở đây rồi. Người Việt cổ xưa trên vùng đất này giàu có lắm. Nhưng cũng chẳng biết địa điểm ở đâu mà khai quật hay tìm kiếm làm gì cho mất công.

Mãi đến khoảng năm 1986, một số người dân đi thăm đồng, đào đất đắp bờ ruộng bỗng nhiên lượm được vàng lá, đồng và một số cổ vật… từ đó người dân khắp nơi mới về lùng sục đi đào suốt ngày đêm. Trước tình hình bất ổn, năm 1989, nhà nước mới tiến hành phong tỏa và thăm dò.

Những tấm vàng lá như thế này, người dân đi cuốc ruộng đào được vô số 

Vàng ròng hay không thì tôi không biết nhưng rõ ràng là vàng thiệt. Dân miệt vườn nên cũng chẳng ai đi chào giá hay thẩm định làm gì, cứ thấy có thương lái đến mua là bán đại đi thôi vì của nhặt được mà, nhiều lắm. Cổ vật thì không đếm xuể.

Người đi đào ai may mắn thì gặp vàng nữ trang, vàng mỹ nghệ. Không thì vàng lá, mà vàng lá là nhiều nhất. Cứ đi săn vài ngày nếu không được nhiều cũng có vài lá trong tay”. Cuộc săn lùng cứ thế diễn ra trong nhiều năm liên tục. Theo nhiều người dân ở vùng đất này, cứ cuốc xuống đất chừng 40cm thì đụng phải cổ vật

Khi chưa có lệnh dừng săn lùng, ngay cả xã đội phó xã Tân Phú (Châu Thành, An Giang) cũng bí mật rủ thêm bạn thân của mình là Danh Kim Mừng, Nguyễn Văn Hậu đi kiếm vàng lá thâu đêm. Những cánh đồng chẳng còn canh tác lúa nữa mà luôn đông nghịt người tìm vàng.

Số ông xã đội phó cũng rất may khi chỉ đi săn vài ngày mà cuốc được cả một tráp đựng rất nhiều miếng vàng mỏng như lá lúa. Trên những lá vàng này còn chạm trổ rất nhiều hoa văn tinh xảo cùng những con vật kỳ quái. Người xã đội phó này liền đưa lên miệng cắn thử và ồ lên đó là vàng thật. Nhiều người cũng cho rằng, nhóm của ông xã đội phó này đã âm thầm đem ra tiệm vàng Bi ở huyện bán được tổng cộng 300 ngàn đồng (300 ngàn đồng khi đó là rất lớn).

Chuyện người dân ở Thoại Sơn trong lúc đi thăm đồng, lúc thì đào được tượng Phật bằng đá, lúc thì đào được chiếc mâm cổ là bình thường. Bà Trần Thị Thy là người đã từng đào được cả rổ cổ vật gồm các bức tượng bằng ngọc, những chiếc khuyên tai bằng đá quý. Nhưng cũng chỉ vì không thẩm định được nên bà Thy đã vứt bỏ những cổ vật này mà chỉ đi tìm vàng lá bởi vì các tiệm buôn ở An Giang khi đó chỉ tập trung mua vàng lá mà thôi.

Một trong những cán bộ khác mà nhiều người dân còn nhớ cũng đã tìm được vàng lá là ông Mai Đức (khi đó là xã đội phó xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn). Chưa có lệnh cấm, lại thấy dân làng háo hức đi đào nên ông Đức chẳng thể ngồi yên. Sau 4 ngày liên tục tìm kiếm, ông Đức vớ bẫm được một vốc vàng lá. Mang ngay lên tiệm buôn của huyện, người ta định lượng cho ông khoảng 8 chỉ.

Số tiền bán vàng lá, ông Đức nhanh chóng mang về tậu chiếc xe và hai con trâu kéo. Rồi từ đó người ta cũng không thấy ông Đức đi lùng tìm vàng lá nữa. Cho đến khi nhà nước ra lệnh cấm và tiến hành thăm dò khai quật thì dường như vàng lá không còn nữa.

Những người vớ bẫm được vàng lá xưa kia cũng không giàu có lên được. Tuy nhiên các cổ vật quý thì thu được nhiều vô kể. Các cổ vật này nhanh chóng được đưa về bảo quản tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Bảo tàng tỉnh An Giang.

Khổ sở vì ảo tưởng vàng ròng

Cuộc khai quật đã khép lại từ lâu nhưng giấc mơ và những ảo vọng về vàng với nhiều người ở đây vẫn cứ âm ỉ cháy. Có người chỉ sở hữu và mót được dăm ba cổ vật nhưng cứ đinh ninh đó là vàng ròng. Nhiều người hóa mê hóa dại với ảo tưởng này.

Bởi quá lâu ngày sống trong cảnh nghèo khổ nên khi tìm được một tráp màu vàng, một số chiếc đĩa màu vàng, bà Nguyễn Thị Hợi ở Thoại Sơn biến cuộc đời mình thành giấc mộng viển vông vì cho đó là vàng. Ông Hải, một thợ sửa xe Honda ngao ngán bảo: “Từ ngày nhặt được mấy thứ màu vàng rồi để rơi mất trên đường đi bán, cuộc sống của bà Hợi thất thường lắm. Bà ấy nay đây, mai đó, tìm bà ấy chẳng khác nào “mò kim đáy biển”.

Hình như người âm ám vào người bà ấy hay sao ấy, nhìn bà ấy lạ lắm. Nghe nói những cổ vật đó là của người Phù Nam mà người Phù Nam thì thiêng lắm. Có bữa cứ thấy bà vật vờ đi lang thang khắp nơi, ra cả khu đá ông địa lúc nửa đêm nữa.

Có lúc bà ấy lại cứ khấn vái lầm rầm gì đó như người lên đồng. Thấy bà Hợi ai cũng có cảm giác sờ sợ nên chẳng dám đến hỏi chuyện đâu”.

Anh Nguyễn Văn Hảo, con bà Hợi cũng cho biết: “Vùng đất này còn nhiều huyền bí lắm, nên cổ vật đó là vàng thật hay không đến nay tôi vẫn còn hoang mang lắm.

Có đêm ngủ mà cứ mơ thấy vàng nhưng tỉnh lại thì đó chỉ là ảo ảnh thôi. Mẹ tôi, từ ngày mất vật báu, bà ấy khó hiểu lắm, hay đi lung tung, nay đây, mai đó. Có những đợt cả tháng chẳng thấy về nhà, đến khi Bệnh viện An Giang thông báo bà bị nạn đang nằm ở đó thì chúng tôi mới biết. Con cháu bảo ở nhà nhưng bà có chịu đâu”.

Không chỉ có bà Hợi mà giữa năm 2013, tại vùng đất Cô Tô (huyện Bảy Núi, An Guang) còn phao tin ở đó còn đến hàng trăm tấn vàng lá. Thế là nhiều đối tượng từ TP. Hồ Chí Minh túa về âm thầm đào trộm. Nhưng cuộc đào trộm này bất thành bởi cơ quan chức năng đã sớm phát hiện.

Bằng nhiều phương tiện thăm dò, nhà nước đã tiến hành rà soát kỹ và cho thấy ở đây chẳng làm gì có nhiều vàng đến thế. Thế nhưng lợi lộc từ vàng vẫn khiến nhiều người cứ muốn tìm đủ cách để đào trộm dù đào mãi vẫn trắng tay.

Thậm chí có đầu nậu tên Mai Văn Bé còn liên hệ trực tiếp với xã Cô Tô thương lượng nếu chính quyền địa phương đồng ý cho tìm vàng thì đoàn tìm vàng sẽ trích ra 50% số vàng tìm được nộp vào ngân sách Nhà nước, bởi ngoài Óc Eo thì Cô Tô là nơi còn chứa nhiều vàng lá nhất (theo lý giải của các đối tượng tìm vàng). Sự thuyết phục của ông Bé đã bị xã Cô Tô từ chối thẳng thừng vì nếu giả dụ dưới lòng đất Cô Tô còn hàng trăm tấn vàng lá thật thì đó cũng đã là tài sản quốc gia.

Những cổ vật nói lên điều gì?

Cho đến khi được đưa vào bảo quản bài bản thì số lượng cổ vật khai thác được từ hàng chục cuộc khai quật chẳng còn được bao nhiêu. Nhiều người còn cho rằng, số cổ vật đang lưu giữ trong Bảo tàng An Giang cũng như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chưa chắc đã nhiều bằng các cổ vật đang lưu giữ trong dân gian.

Ông Nguyễn Văn Hải, người từng đào được hàng chục cổ vật quý cho biết: “Cuộc khai quật chỉ diễn ra trong mấy năm. Những người khai quật lại không trực tiếp sinh sống ở vùng đất An Giang này nên cũng khó mà thông tỏ được mọi vấn đề.

Trong khi đó những người dân đã âm thầm đào bới và cất giữ triền miên suốt bao nhiêu năm trước đó. Hơn nữa, số cổ vật này còn theo chân lái buôn túa đi nhiều vùng đất khác nữa chứ không riêng gì ở TP. Hồ Chí Minh hay miền Tây này”. Ông Hải cũng hiến kế rằng muốn tập hợp lại số cổ vật này thì các nhà nghiên cứu văn hóa và khảo cổ cần có cuộc kêu gọi và trực tiếp đi vận động thu nhận về bởi đây chính là những bảo vật quốc gia.

Được biết mỗi một cổ vật nói lên nhiều điều về những ẩn tích của nền văn hóa cũng như con người của vùng đất Nam Bộ lục tỉnh xưa. Các cổ vật bằng gốm, sứ, những đồng tiền vàng la mã, vàng lá, trang sức đã nói lên rằng sự tồn tại của cộng đồng người Việt xưa ở đây là rất giàu có, tôn giáo tín ngưỡng phát triển và thiện chiến trong buôn bán đường biển.

Chưa kể, nét tài hoa của thợ kim hoàn đương thời cũng được thể hiện rõ trên đồ trang sức. Dấu vết tiền kim loại chỉ ra con đường thông thương với nhiều nước qua Vịnh Thái Lan. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thị Hòa (ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh) nhận định rằng: “Mỗi cổ vật đều cất lên tiếng nói về con người và nền văn hóa của vùng đất này.

Có nhiều cổ vật được khắc chạm hoa văn mà trải bao biến cố vẫn giữ được nguyên vẹn đường nét một cách sắc sảo. Điều đó cho thấy, kỹ thuật của những người thợ kim hoàn khi đó đã đạt đến trình độ nhuần nhuyễn.

Các cổ vật cũng nói lên rằng đã có nhiều cuộc thông thương buôn bán với nước ngoài qua vùng đất lục tỉnh này. Bởi vậy nên cũng có thêm cơ sở để đánh giá kỹ thuật kim hoàn đã được trao đổi và giao thoa với nước ngoài”.

Qua quan sát các cổ vật được trưng bày ở Bảo tàng An Giang thì với người xem thông thường, hiện vật vàng là dễ cảm nhận hơn cả bởi nó chỉ được chạm trổ một cách sơ sài. Các hiện vật này còn nguyên vẹn với những thiết kế đòi hỏi bàn tay khéo léo. Một chiếc vòng tay xoáy trôn ốc ôm lấy cánh tay. Chiếc nhẫn vàng mặt có dập chữ Phạn. Một chiếc nhẫn vàng khác được nạm thủy tinh màu, trông không khác một chiếc nhẫn nạm ngọc bích.

Đây chính là điểm mấu chốt được các nhà khảo cổ chú ý khai thác và nghiên cứu nhiều nhất. Nhiều người cũng tin rằng các cổ vật này đã nói lên rằng, cộng đồng người xưa ở đây đã biết chế tác ra thủy tinh. Hiện vật trang sức thủy tinh Óc Eo trong đó có nhẫn và các hạt chuỗi luôn được đánh giá cao về thẩm mỹ cũng như độ bền.


Theo ĐSPL

Bình luận
vtcnews.vn