Phòng chống tham nhũng, sao không kiểm soát 'doanh nghiệp sân sau'?

Thời sựThứ Năm, 25/10/2018 12:08:00 +07:00

Đối tượng ở khu vực tư đang tiếp tay cho tham nhũng ở khu vực công chính là các doanh nghiệp sân sau, cần phải được đưa vào đối tượng kiểm soát.

Tại Quốc hội sáng nay, sau khi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, tranh luận về dự án Luật này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ra khu vực tư nhưng không đồng tình với việc đưa các doanh nghiệp đại chúng vào danh sách kiểm soát vì những doanh nghiệp này có rất đông cổ đông bị kiểm soát và phải cáo bạch trên TTCK nên rất khó tham nhũng.

hoang-van-cuong-tp.-

 Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại Quốc hội.

"Đối tượng ở khu vực tư đang tiếp tay cho tham nhũng ở khu vực công chính là các doanh nghiệp sân sau. Đấy mới là đối tượng chính cần kiểm soát, mà lại không được đề cập đến ở đây.

Tôi đề nghị phải có quy định đối tượng cần kiểm soát là doanh nghiệp tư có quan hệ về kinh tế như cung cấp, mua bán tài sản, dịch vụ cho khu vực công, phải kiểm soát bằng hình thức kiểm toán công khai tài chính 3 năm vào năm trước, năm sau và năm có nảy sinh giao dịch mua bán. Kiểm soát những việc này giống như minh bạch với doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều nước trên thế giới, người ta kiểm toán đồng tiền theo dòng đi của đồng tiền đó từ ngân sách đi đến cùng chứ không phải là có hoá đơn chứng từ của doanh nghiệp là đủ. Tôi đề nghị, khi kiểm toán, phải đi đến cùng, theo dấu vết của tiền, có đúng những yếu tố, vật tư, nguyên liệu... hay chỉ đúng trên chứng từ", đại biểu Cường nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt chính là một cách gây khó khăn cho những kẻ tham nhũng.

"Hoạt động không dùng tiền mặt bây giờ rất phổ biến. Tôi đề nghị, ở khoản 2 điều 29, Chính phủ phải có biện pháp tài chính và công nghệ, để quy định các giao dịch có liên quan đến tiền vốn, tài sản, ngân sách Nhà nước đều phải thực hiện không dùng tiền mặt. Việc này sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, đồng thời có tác động tích cực khuyến khích doanh nghiệp gia đình chuyển thành doanh nghiệp kinh doanh có hoá đơn chứng từ".

Về trách nhiệm của cơ quan phòng chống tham nhũng, vị đại biểu Hà Nội đề nghị bổ sung trong điều 32 trách nhiệm của cơ quan kiểm soát tài sản khi không phát hiện được tài sản kê khai có nguồn gốc bất minh giống như trách nhiệm với thanh tra, kiểm toán. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng khen thưởng với người phản ánh, tố cáo tham nhũng hiện tại quá chung chung, không xứng đáng với người đứng lên phòng chống tham nhũng vốn chịu thiệt thòi rất nhiều, mất công sức, mất việc, liên luỵ tới gia đình, thiệt hại kinh tế rất lớn. Do đó, cần quy định rất rõ chế độ khen thưởng cho người tố cáo tham nhũng để bù đắp cho họ. 

Ông cũng nêu quan điểm, với tài sản không kê khai, cố tình che giấu, gian dối, phải xử lý thật nghiêm khắc. Còn đối với tài sản kê khai nhưng không chứng minh được nguồn gốc mà cơ quan quản lý nghi ngờ song cũng không chứng minh được đó là tài sản bất minh, thì phải chuyển cho cơ quan điều tra.

Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn