Phòng chống tham nhũng: Quyền lực không được giám sát sẽ bị tha hóa

Chính trịThứ Tư, 23/06/2021 11:31:00 +07:00
(VTC News) -

Trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cho thấy, một khi quyền lực không được giám sát thì sẽ bị tha hóa.

Việc khởi tố cựu cán bộ ngành Công an, việc kỷ luật nhiều cán bộ ở Bình Dương và nhiều vụ việc kỷ luật cán bộ thời gian qua là minh chứng khẳng định quan điểm, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nói riêng, thực hiện thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

Trả lời phóng viên VOV.VN, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) đánh giá cao quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý nghiêm vi phạm của các cán bộ, đảng viên thời gian qua.

Phòng chống tham nhũng: Quyền lực không được giám sát sẽ bị tha hóa - 1

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an)

Theo ông, khi Tổng Bí thư trực tiếp là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì cuộc đấu tranh này đã tạo nên bước ngoặt lớn, thu được kết quả đáng ghi nhận, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Điều đó cho thấy công tác xây dựng Đảng, chống “giặc nội xâm” được duy trì, đẩy mạnh, với cách làm bài bản, quyết liệt, đi vào chiều sâu.

Quyền lực không phải của một cá nhân nào

Chống tham nhũng tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song theo ông Lê Văn Cương, việc phòng tham nhũng lại chưa đạt được kết quả tương xứng, trong đó có việc kiểm soát, giám sát quyền lực. Quyền lực vốn là của nhân dân, của cộng đồng chứ không phải của một cá nhân nào.

Quyền lực được nhân dân trao gửi, ủy quyền cho cán bộ để họ sử dụng cho mục đích chung, mục đích vì cộng đồng. Tuy nhiên, trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thời gian qua cho thấy, một khi quyền lực không được giám sát thì sẽ bị tha hóa.

Chính vì việc kiểm soát quyền lực có ý nghĩa “đặc biệt quan trọng”, là điểm mấu chốt trong công tác phòng, chống tham nhũng nên Đại hội XIII tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ với quyết tâm rất cao như “kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng; Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; Thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự”.

So với Đại hội trước, Đại hội XIII đã đề ra một số biện pháp về phòng chống tham nhũng cụ thể, bài bản hơn với 4 trụ cột chính để làm sao cán bộ “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Trong đó đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực”, ông Lê Văn Cương nhấn mạnh cần phải tìm kiếm cơ chế, sửa đổi các điều luật để thực hiện giám sát quyền lực, bởi quyền lực càng giám sát chặt chẽ thì tha hóa dưới hình thức tham nhũng sẽ giảm.

Theo ông Lê Văn Cương, muốn kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng trước hết cần tập trung vào công tác cán bộ, nên có đề án thi tuyển đầu vào và đề án đánh giá cán bộ. Tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch, tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ công tác tổ chức, cán bộ, để lựa chọn được cán bộ có đức, có tài, đồng thời không để lọt vào bộ máy những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Có sự kiểm soát đa chiều

Công tác kiểm tra, giám sát đóng vai trò hết sức quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong nhiệm kỳ XII đã tích cực vào cuộc, giải quyết nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp; Xử lý kỷ luật hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo đánh giá của ông Lê Văn Cương, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong nhiệm kỳ XII hiệu quả nhất, tích cực nhất; kết quả hoạt động của Ủy ban Kiểm tra các cấp đã đóng góp tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, mở đường cho công tác điều tra, xử lý theo pháp luật. Bằng chứng là mỗi lần Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát bản tin về công tác kiểm tra, giám sát đều được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, ủng hộ rất lớn.

Để công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục phát huy vai trò, vị trí và trở thành nòng cốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông Lê Văn Cương cho rằng, cần tăng thêm quyền hạn cho Ủy ban Kiểm tra của Đảng mang tính “thượng phương bảo kiếm”, thay mặt Bộ Chính trị có quyền xử lý kỷ luật tại chỗ, trường hợp nào cần ý kiến Bộ Chính trị thì báo cáo sau.  

“Để giám sát quyền lực, cần có sự kiểm soát đa chiều, cả bên trong lẫn bên ngoài để tránh những tiêu cực có thể phát sinh ở ngay tại các cơ quan chống tham nhũng. Cần thiết thành lập Ủy ban giám sát quyền lực quốc gia do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Chủ nhiệm Ủy ban, thay Thanh tra Chính phủ. Kinh nghiệm là Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Quốc hội thì hoạt động rất hiệu quả”, ông Lê Văn Cương đề xuất.

Ông Lê Văn Cương cũng nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII đã quyết liệt, mạnh mẽ hơn, cho thấy nhận thức của Đảng ngày càng sáng, rõ, quyết tâm của Đảng ngày càng cao hơn.

Để Nghị quyết Đại hội XIII sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp cần sớm cụ thể hóa từng vấn đề nêu ra trong Nghị quyết bằng luật pháp, chế tài, bằng quy chế cụ thể, bắt đầu từ Trung ương thì mới tạo sự chuyển động ở địa phương.

Kim Anh(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp