“Phong bì mà có miệng thì con người phải hầu tòa!”

Tổng hợpThứ Hai, 24/10/2011 02:34:00 +07:00

"Xưa, phong bì như cánh chim báo tin vui. Nay, nó cứ dần bị thay ruột đi. Xưa là cái ruột tinh khiết, nồng nàn yêu thương thì nay nó lại ngầu đục..."

Đại tá – Nhà văn Chu Lai: “Phong bì mà có miệng thì con người phải hẩu tòa!”

“Xưa, phong bì như cánh chim báo tin vui. Nay, nó cứ dần bị thay ruột đi. Xưa là cái ruột tinh khiết, nồng nàn yêu thương thì nay nó lại ngầu đục, mang đầy mục đích, thực dụng. Người ta biến cái phong bì trở thành thứ để tiếp cận quyền lực, tiếp cận học đường, kể cả tiếp cận tình yêu…”- tác giả của “Ăn mày dĩ vãng” trầm ngâm.

 

 

“Đi họp mà không có phong bì cũng… bâng khuâng”

Nói đến “phong bì” chắc ông lại chuẩn bị chậc lưỡi “Biết rồi, nói mãi”? 

Biết rồi nhưng vẫn phải nói vì dạo này người ta nhắc đến “văn hóa” phong bì  nhiều quá. Phong bì như lão phù thủy biến hóa muôn hình vạn trạng. Đến nỗi cái lì xì ngày Tết giờ cũng biến chất. Xưa, người ta lì xì nhau là để chúc tuổi, chúc phúc. Nay, cái bao lì xì lại quyết định buồn vui cho người nhận, thậm chí phá hủy sự trong sáng của tuổi thơ. Phong bao mà không đủ dày, không đủ đậm thì đứa trẻ nhà thằng bạn tôi sẽ nhìn tôi với ánh mắt “hình viên đạn”. Nhưng nếu cái phong bao phốp pháp, vạm vỡ thì tự nhiên đứa trẻ sẽ nhìn tôi với đầy yêu thương.

Xưa, người ta mời cưới nhau trong niềm vui chúc phúc. Nay, nhiều khi cái thiếp mời cưới trở thành gánh nặng cho người nghèo, và án treo cho người về hưu.

Nhưng dường như cuộc sống càng hiện đại thì người ta càng cần đến đến phong bì như một chất “bôi trơn” cho công việc và các mối quan hệ. Ông cha ta đã chẳng nói “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đấy thôi?

Đáng buồn là cái phong bì đang trở thành mạch đập của xã hội mất rồi. Không có một ban, ngành, bộ nào, không có một hội nghị nào mà không có bóng dáng phong bì. Hiểm họa phong bì cứ ngấm dần ngấm dần vào mạch máu xã hội và giờ đã trở thành như một lẽ tất nhiên. Tất nhiên đến nỗi giờ đi họp hội nghị mà không thấy phong bì thì tự dưng cứ bâng khuâng, trống vắng. Hóa ra, cái xấu nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần thì trở thành điều tất yếu.

Người ta hay vin vào những lý do như: Tiền lương của cán bộ công chức không đủ (bác sĩ, giáo viên…), quá thấp nên thật khó đề từ chối phong bì, nhưng nếu không có phong bì và với đồng lương đấy thì họ vẫn phải làm tốt công việc của mình vì đạo đức nghề nghiệp chứ?

Đó là nguyên nhân quan trọng nhưng không phải là cội nguồn. Nguyên nhân cội nguồn là sự băng hoại các giá trị tinh thần. Cuộc sống thực dụng tràn vào, cộng với sự đói nghèo làm cho đồng tiền trở thành khúc ruột, trở thành cứu cánh. Xưa nay, ông bà ta khinh bỉ đồng tiền, coi những nghề liên quan đến lỗ lãi, buôn thương bán phú đều là vớ vẩn. Nhưng dần dần cuộc sống mở ra hội nhập với toàn cầu. Sức mạnh quốc gia là sức mạnh kinh tế, giá trị của con người thể hiện ở sự giàu sang. Phong bì có thể không mang lại giàu sang nhưng nó là sự cứu rỗi trước ám ảnh đói nghèo. Muốn gạt được khái niệm phong bì ra khỏi cuộc sống thì chỉ có kinh tế phát triển, đồng tiền ổn định, đủ để neo được nhân cách vào cuộc đời.

Nếu chỉ vì đồng tiền thì biết thế nào là đủ khi mà lòng tham của con người là vô đáy. Một ông quan cấp xã cũng thích nhận phong bì, một ông quan cấp huyện cũng muốn nhận phong bì và một ông quan cấp tỉnh cũng không từ chối được phong bì?

Lòng tham là bạn đồng hành của loài người muôn đời muôn kiếp. Nhưng chỉ khi nền kinh tế phát triển, văn hóa phát triển thì lòng tham mới được cân đối lại, sao cho chỉ vừa đủ để người ta có ý chí phấn đấu trong cuộc sống. Còn khi mà đồng tiền vẫn réo gào như nước lũ thì ắt lòng tham sẽ nương vào tiếng nước chảy ấy mà lớn mạnh và phong bì chỉ là một âm thanh rất nhẹ trong dòng chảy cuồng nộ ấy.

Có một câu mà tôi thấy chính xác kinh khủng: “Nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền, nếu không mua được bằng nhiều tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Trong cái xã hội này, cứ mang tiền ra mà đánh bồi đánh nhổi, đánh cho hoa mày chóng mặt thì đến cả người chay tịnh nhất cũng nảy lòng tham.

Vậy rốt cuộc, phong bì làm hư con người hay chính con người đang buộc tội oan cho cái phong bì?

Phong bì là vật thể vô tri, nó không có tội. Tội là ở con người, họ thổi vào phong bì những toan tính, những khuất tất, những mưu cầu cá nhân. Thầy giáo ốm, thủ trưởng về hưu bị bệnh, về thăm bố mẹ… thì phong bì lại trong sáng và thuần khiết tình người. Các doanh nghiệp, nhân sĩ, trí thức đến thăm một trại thương binh, trại người mù, hay một gia đình nghèo khổ thì những cái phong bì được họ đưa một cách sảng khoái và nhân ái, người nhận thì nhận một cách chân thành và xúc động. Còn phong bì mang màu xám khuất tất thì người đưa, vừa đưa vừa khinh người nhận. Còn người nhận cầm phong bì vừa khoái, vừa đề phòng thằng đưa.

Suy cho cùng, việc nhận phong bì là do cơ chế hay do đạo đức của con người mà ra?

Do cả hai. Khi cuộc sống bấp bênh, các giá trị nhân văn bị đục phá thì đạo đức cũng băng hoại theo. Đạo đức đó lại gặp một cơ chế thực dụng thì thành ra phi đạo đức. Thậm chí bây giờ, đến một cuộc họp mà ra về tay trắng thì người ta gọi cái người tổ chức cuộc họp ấy là “vô văn hóa”, còn nếu có cái phong bì với chút này chút nọ bên trong thì tự dưng họ nhìn nhau “ờ, cũng có văn hóa đấy chứ!”. Phong bì từ bản chất là hành vi vô văn hóa, nhưng khi đã thành thói quen thì lại trở thành hành vi có văn hóa.

Một thông tin khiến nhiều người quan tâm là mới đây có 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội đã cam kết nói không với phong bì. Đó có phải là cánh én báo hiệu mùa xuân?

Cái đó biểu hiện sự “tức nước vỡ bờ”, đã đến lúc người ta không chấp nhận “văn hóa” phong bì nữa và phải có những người đi tiên phong “thiêu cháy” phong bì. Năm bệnh viện này là 5 người lính tiên phong, đi đầu, oai nghiêm, lẫm liệt. Nhưng họ sẽ phải chịu muôn vàn khó khăn, bởi vì họ chỉ là những cù lao mỏng manh bên cạnh đại dương sóng sánh phong bì xung quanh. Liệu họ có đứng vững không? Điều này đỏi hỏi cả xã hội phải hỗ trợ, hà hơi tiếp sức vào. Dù sao thì đây cũng là tín hiệu đáng mừng, và nếu hôm nay là 5, ngày mai 25, cứ thế nhân lên nhân lên, thì đến một ngày nào đó cái phong bì ruột đen sẽ không còn tồn tại được nữa.

Không biết khi Đại tá- nhà văn Chu Lai vào bệnh viện hay xin cho con đi học thì có cần phải… phong bì không?

Vợ chồng tôi đều là sĩ quan cao cấp nên có chế độ bảo hiểm hoàn toàn. Nhưng vào bệnh viện, để giải quyết những lăn tăn xung quanh thì vẫn phải cần rất nhiều phong bì: phong bì cho kíp mổ, phong bì cho y tá chăm sóc, cho người dọn phòng… Đó gần như một thủ tục mặc nhiên, mình không làm lại thấy không ổn trong lòng. Phong bì đôi khi chỉ để mua cho sự an tâm. Thế mới chết dở.

 

 

“Những người lính trao nhau phong bì máu”

Tôi cũng đang băn khoăn trong thời chiến thì việc cưới xin, ma chay, phúng viếng… được người dân quan tâm đến nhau như thế nào?

Hoàn toàn tinh khiết, chỉ có những tấm lòng, những trái tim vỗ về trái tim. Thời chiến tranh bom rơi đạn lạc, kẻ thù rình rập, đất nước sinh tử, tự nhiên nó loại được bao nhiêu thứ đố kỵ, ghen ghét, hận thù, ích kỷ. Cả nước chỉ có một tinh thần giữ nước, chỉ có một cảm hứng sống hay chết. Nhà có công có việc thì mọi người đến giúp nhau một tay. Cái hồi đó người ta đâu cầu kỳ hình thức hay mưu lợi như bây giờ đâu, thế nên “phong bì đen” cũng không có đất sống.

Vậy còn với riêng đời sống của người lính?

Với người lính thì phong bì là cánh thư, gắn với những con tem lấp lánh, gửi những thông điệp trữ tình, những lời ngọt ngào, những lời tình yêu. Phong bì là một cái gì đó ấm áp, nối liền hậu phương với tiền tuyến, nối liền người yêu với người yêu. Hồi đó, cái tình đồng chí, đồng đội, cái tình của người lính thuần khiết lắm.

Cái tình đấy liệu có còn vẹn nguyên đến thời hậu chiến?

Khi quay về cuộc sống thường ngày với cơm áo gạo tiền, những tưởng cái tình của người lính cũng sẽ phai nhạt đi. Nhưng có một câu chuyện rất thật về đồng đội của tôi, một anh lính đặc công tên Tục ở Hải Phòng, sau chiến tranh sống nghèo khổ, đánh giậm, vớt tôm ngoài biển. Bỗng một ngày cơ chế thị trường ào về, đất đai ông bà để lại bỗng dưng có giá và ông trở thành giàu có. Giàu có rồi, ông bắt đầu nghĩ lại những năm tháng chiến tranh, với những người đồng đội của mình, giờ người còn người mất, người bệnh tật, cơ nhỡ… Và thế là suốt mấy năm nay, người chiến sĩ đặc công năm xưa chỉ làm một việc là đi thăm thú lại những đồng đội cũ, có bao nhiêu tiền của, hai vợ chồng sắm cho bạn bè từng cái tivi, từng cái bàn là, từng bộ ấm chén, rọi cho từng mái nhà. Ngày lễ, ngày Tết, với tấm lòng của mình, cứ thế anh đi khắp nơi đến với những đồng đội cơ nhỡ. Có lẽ, với mẫu số chung là những năm tháng chiến tranh mất mát, hy sinh đã khiến cho họ- những người lính trở nên nặng tình với nhau hơn. Tôi biết có nhiều người vẫn lặng lẽ đi tìm lại những người đồng đội cũ của mình. Họ trao cho nhau những chiếc phong bì, nhưng là những “phong bì đỏ”

“Phong bì đỏ”?

Phẩm chất người lính là chia lửa chia đạn trong chiến tranh, đồng cam cộng khổ, hết lòng hết dạ vì đồng đội. Về với cuộc sống đời thường, tôi đã nhìn thấy anh Tục đến nhà một đồng đội cũ ở Thái Bình, một anh thương binh cụt cả hai chân. Tôi ấn tượng mãi với cảnh một người quỳ dưới thấp trên phần còn lại của đôi chân khiếm khuyết, đưa hai tay lên, rưng rưng nhận chiếc phong bì ấm tình nghĩa của người đồng đội cũ. Cả người đưa và người nhận đều khóc. Phong bì lúc này, giống như một món quà máu, nên tôi gọi là “phong bì đỏ”. Món quà đó giúp gia đình người thương binh ăn một cái Tết trọn vẹn và đủ tiền cho đứa con yên tâm vào đại học…

Phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ có mang đến cho những người lính loại “vacxin” chống lại “phong bì đen”?

Trở về cuộc sống đời thường, những người lính vẫn phải lấy vợ, nuôi con, phải có nhà cửa, có đồng lương nuôi sống nhau. Tư duy người lính như đường đạn bắn thẳng, còn đời thường lại bắn nghiêng, bắn chéo, ngoắt nghéo nên va đâu là vỡ mặt đấy. Cuộc sống áp lực bốn bề khiến họ trở nên lúng túng. Họ chưa được chuẩn bị trước những kỹ năng để ứng phó với cơ chế thị trường, không kịp bờ đê, đắp lũy nên “phong bì đen” tràn vào như một lẽ thường tình.

Họ cũng phải học cách đưa phong bì khi muốn chuyển lớp cho con, khi nhờ vả công việc này nọ hay khi người thân bị ốm phải nằm viện. Đó là dòng chảy cuộc sống, và nếu họ không mềm người trong dòng chảy đó thì tức khắc sẽ bị đá ra ngoài. Giờ bộ đội đi họp cũng phải có phong bì. Suy cho cùng bộ đội cũng chỉ là một bộ phận, một mảnh ghép trong cái xã hội này thôi.

Ở ngoài đời, đã bao giờ ông ở trong hoàn cảnh gặp lại đồng đội cũ nhưng người ta không nhận, vì sợ bị nhờ vả hoặc lý do nào đó?

Có, nhưng ít, chủ yếu do hoàn cảnh xô đẩy khiến họ dửng dưng và lạnh lẽo hơn. Còn 90% những cuộc gặp lại đều là những cái ôm vồ vập, hết lòng hết dạ mà không màng vật chất. Người ta thường nghĩ quan chức thường hay từ bỏ bạn bè, nhưng không phải. Như Nguyễn Minh Triết là chiến hữu cũ của tôi, ông Mai Thế Trung - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cùng sống trong một cánh rừng với tôi ngày xưa, nhưng cứ gặp nhau là vui lắm. Dù bây giờ, người làm chủ tịch nước, người làm bí thư tỉnh ủy nhưng cứ gặp lại nhau đều gạt tất cả để trở về với quá khứ đau thương và sôi nổi một thời.

Hay hình ảnh những cô gái bộ đội Trường Sơn, gặp lại nhau sau 30 năm đều ôm nhau khóc nức nở. Khóc không phải vì những trái ngang trong ngày hôm nay, mặc dù có cô không lấy được chồng, có cô đứt gánh giữa đường, không có nhà cửa, thậm chí có cô tai nghe nghễnh ngãng phải nhờ đến máy trợ thính… nhưng vẫn khóc cho những ngày đã qua. Giọt nước mắt của người lính có đi qua cơm áo gạo tiền thì vẫn long lanh, tinh khiết như ngày nào.

Cũng có một chút xíu danh phận, một chút xíu chức sắc chỗ này chỗ kia, ông ứng xử như thế nào với những sự nhờ vả của bạn bè, người quen, cấp dưới…?

Cũng có trường hợp đồng đội cũ nhìn thấy tôi hay đứng nhiều trên truyền hình nên hỏi “Anh ơi, giờ con em nó đang thi vào ĐH Quân sự, thế anh có giúp được em không?”, tôi bảo ngay: “Khó đấy, vì con tao còn không thi vào nổi đây này”. Mà đúng thế, con tôi không thi vào nổi thật.

Thỉnh thoảng người ta cũng mời tôi đi chấm giải sân khấu, văn học điện ảnh thậm chí cả MC, hoa hậu nhưng chưa thấy một nhà văn, nhà biên kịch, diễn viên hoặc cô thí sinh xinh đẹp nào lại định ló mó phong bì cho tôi. Hay là họ nhìn thấy mặt lạnh lẽo, cô hồn của Chu Lai là đã thấy ngán nhỉ? Có chăng là sau khi được giải thì đến nhà ông Chu Lai biếu một cân mực như đoàn kịch Hải Phòng chẳng hạn. Hay khi người ta nhờ tôi đọc hộ cuốn sách rồi viết lời tựa, thì cảm ơn bằng cách mua cho tôi mấy chén thuốc bắc chữa bệnh lạnh chân. Những thứ đấy quý hơn phong bì nhiều chứ. Còn nếu mời tôi đi nói chuyện thì thù lao sòng phẳng. Đó là thù lao, chế độ chứ không phải là phong bì ruột đen.

Người ta gọi Chu Lai là gã cựu binh “ăn mày dĩ vãng”, sống hoài cổ và hay cáu kỉnh với những cơm áo gạo tiền thời hậu chiến, khi đồng tiền lên ngôi và chữ tình cũng được đưa ra mua bán?

Trong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng”, đa phần là những câu chuyện, tâm tình của tôi. Nó gần như là một cuốn hồi ký bằng văn học. Trong nhân vật chính Hai Hùng, có hình bóng con người tôi. Chiến tranh đã đi qua từ lâu nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi những năm tháng trận mạc nên hầu như năm nào cũng phải đi vào trong chiến trường cũ một lần cho khuây khỏa.

Cảm ơn Đại tá - Nhà văn Chu Lai!

Thanh Hương

Ảnh: Hồ Quang


Bình luận
vtcnews.vn