Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ không có chủ trương đổi mới chữ viết tiếng Việt

Giáo dụcThứ Hai, 04/12/2017 18:12:00 +07:00

Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương đổi mới chữ viết tiếng Việt.

Ngày 4/12, cử tri huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết đánh giá cao Nhà nước đã tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Ngoài ra, cử tri Hà Tĩnh cũng cho rằng Chính phủ quyết liệt điều hành kinh tế-xã hội đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay và dự kiến hoàn thành 13/13 chỉ tiêu của Quốc hội giao cho Chính phủ năm 2017.

C12A0608

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Tĩnh. Ảnh: VGP/Thành Chung

Tuy nhiên, cử tri huyện Đức Thọ cũng bày tỏ không đồng tình với đề nghị cải cách chữ viết, ghi tên các thành viên gia đình vào trong sổ đỏ sẽ gây ra lãng phí và bất cập trong các quan hệ dân sự.

Trước đó, đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" của PGS.TS Bùi Hiền (Nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

Ghi nhận các đánh giá và kiến nghị của cử tri huyện Đức Thọ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương đổi mới chữ viết. Chính phủ tôn trọng tự do ngôn luận, sự khác biệt và sáng tạo của mỗi cá nhân.

Phó Thủ tướng cũng không đồng tình khi ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ vì sẽ gây khó khăn cho đời sống của người dân và cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức đánh giá, truyền thông kỹ càng trước mỗi kiến nghị về chính sách, tránh gây ra các phản ứng chính sách không cần thiết trong xã hội.

C12A0622

Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng cho rằng trong năm 2017 bão lũ diễn ra liên tục, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và của cải của người dân. Nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở một số ngân hàng thương mại, nhiều dự  án đầu tư của nhà nước yếu kém, không hiệu quả, dư địa chính sách tài chính hạn hẹp vì trần nợ công đang ở mức báo động.

Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực trong chỉ đạo, thực hiện và dự kiến đạt được 13/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã giao.

Theo đó, cả 3 khu vực kinh tế (Công nghiệp-xây dựng; Nông nghiệp; Dịch vụ) đều tăng trưởng cao hơn năm ngoái. Quy mô xuất - nhập khẩu hàng hoá đã tăng gấp 2 lần sau 5 năm khi đạt giá trị 400 tỷ USD.

Trong 11 tháng qua, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 140.400 doanh nghiệp và số vốn đăng ký tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Thu hút đầu tư nước ngoài FDI tăng cao nhất từ trước tới nay, đạt 33,1 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt hơn 50% số vốn này đầu tư cho công nghiệp chế biến - chế tạo.

Cũng trong 11 tháng qua, lạm phát chỉ tăng 2,35% so với cuối năm ngoái, tính bình quân lạm phát tăng 3,6%.

Phó Thủ tướng cho biết việc điều chỉnh giá điện vào đầu tháng 12 vừa qua chỉ khiến CPI năm 2017 tăng thêm 0,08%, vẫn bảo đảm dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội.

Mới đây, Bộ GD-ĐT có thông cáo báo chí liên quan việc đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền.

Theo Bộ GD-ĐT, ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến chữ quốc ngữ là đề xuất trong một hội thảo khoa học của ngành Ngôn ngữ.

Cụ thể, đó là hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”, do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và ĐH Quy Nhơn tổ chức từ tháng 7/2017.

Bộ GD-ĐT có quan điểm trân trọng tất cả công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng để đưa một đề xuất liên quan vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ.

Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Video: Xôn xao đề xuất cải tiến 'tiếng Việt' thành 'tiếq Việt'

Phúc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn