Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trường nghề công lập được đầu tư nhưng không hiệu quả

Giáo dụcThứ Năm, 22/01/2015 05:38:00 +07:00

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra nhiều hạn chế trong lĩnh vực đào tạo nghề hiện nay.

(VTC News) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra nhiều hạn chế trong lĩnh vực đào tạo nghề hiện nay.

Sáng 22/1, trong hội nghị tổng kết năm 2014 của Bộ Lao động – Thương Binh - Xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiệm vụ sắp xếp trường nghề công lập cho tiết kiệm, thiết thực.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành Lao động – Thương Binh - Xã hội phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 và một số năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra nhiều hạn chế trong lĩnh vực đào tạo nghề hiện nay(Ảnh: Phạm Thịnh)
Bộ Lao động – Thương Binh - Xã hội phải đánh giá lại hiệu quả, chất lượng đào tạo giữa các trường nghề công lập và tư thục, từ đó xây dựng lộ trình, phương hướng sắp xếp căn bản hệ thống đào tạo nghề sao cho tiết kiệm, thiết thực nhất”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đề cập đến số liệu thống kê về những nhóm nghề dễ và khó xin việc của một sàn giao dịch việc làm điện tử, Phó Thủ tướng cho rằng cần có cái nhìn thực sự bản chất về hiệu quả đầu tư, cơ cấu đào tạo của các trường nghề hiện nay.

Phó Thủ tướng lấy dẫn chứng một sàn giao dịch việc làm có thống kế 1 năm nhận 360.000 hồ sơ. Trong đó, 3 nhóm việc làm nhiều người nộp nhưng có việc ít nhất là kế toán, tài chính; văn phòng. Trong khi đó, có 3 nhóm ngành nghề rất ít người ứng tuyển nhưng luôn thiếu lao động đó là: thủ công mỹ nghệ, làm mỹ phẩm, trông các quán Inetrnet…

“Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật nhiều trường nghề tư thục phải đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang bị, đội ngũ giáo viên nhưng hoạt động rất tốt trong khi không ít trường nghề công lập được tạo điều kiện, được ngân sách đầu tư về nhiều mặt nhưng ít học sinh, hiệu quả hoạt động không cao”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Phó Thủ tướng cũng lấy ví dụ: “Đa phần những trường tôi đến là trường công được đầu tư cơ sở vật chất rất tốt nhưng ít học sinh”.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Lao động – Thương Binh - Xã hội phải đẩy mạnh giao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường nghề công lập; mạnh dạn triển khai đề án xây dựng trường nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, công nhận bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân thực hành.

“Nhất là những trường nghề công lập có cơ sở vật chất, trang bị tốt thì phải tự chủ hoàn toàn. Lãnh đạo các trường nghề công lập cần đặt câu hỏi tại sao tư nhân làm được mà mình không làm được. Chúng ta rất nghèo, khi có chương trình, nguồn kinh phí thì phải dùng sao cho thiết thực nhất”, Phó Thủ tướng nói.
trường nghề
Phó Thủ tướng đề nghị phải sớm giao quyền tự chủ cho các trường nghề 
Phó Thủ tướng cho rằng để nâng chất lượng đào tạo ĐH, CĐ hệ nghiên cứu, hàn lâm phải đầu tư lâu dài vào những nhà khoa học đầu ngành, hệ thống phòng thí nghiệm.

Nhưng hệ thống trường nghề, thực hành có thể tập trung đổi mới rất nhanh khi gắn với doanh nghiệp nhiều nhất và có thể thấy ngay hiệu quả nếu được đầu tư.

“Việt Nam dẫn đầu trong Hội thi tay nghề ASEAN 2014 nhưng đánh giá chất lượng lao động Việt Nam vẫn còn khoảng cách với các nước ASEAN. Điều đó, buộc chúng ta phải phấn đấu chất lượng nguồn nhân lực nước ta cũng tiến tới thứ bậc giống như trong thi tay nghề ASEAN. Đây là nhiệm vụ dài hơi, dứt khoát phải nỗ lực thực hiện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Lao động – Thương Binh - Xã hội cũng cần rà soát, sắp xếp lại hoạt động hệ thống trung tâm, sàn giao dịch việc làm công lập trên tinh thần không thể tiếp tục bao cấp tràn lan, kém hiệu quả.

Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Lao động – Thương Binh - Xã hội cần xem xét giao cho địa phương kết hợp với Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân để đào tạo nghề ở nông thôn cho sát nhu cầu, sử dụng nguồn kinh phí dành cho công tác này thiết thực, hiệu quả nhất.
Trong năm 2014, ngành Lao động – Thương Binh - Xã hội giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, đạt 100% kế hoạch, tăng 3,6% so với năm 2013; xuất khẩu lao động khoảng 106.000 người, đạt 120,68% kế hoạch.

Cơ chế, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được hoàn thiện; mạng lưới dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%; thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ trợ cấp ưu đãi người có công; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT; triển khai các hoạt động cai nghiện ma túy bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đề ra…
 
Những hạn chế, tồn tại của ngành Lao động – Thương Binh - Xã hội là: kết nối cung-cầu trên thị trường lao động vẫn diễn ra tình trạng mất cân đối cục bộ ở từng địa phương; nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tuyển sinh dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp không đạt yêu cầu; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc; mức độ và tính chất của các vụ bạo lực trẻ em gia tăng; tệ nạn ma túy chưa được ngăn chặn hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện cao…

(Nguồn: Bộ Lao động – Thương Binh - Xã hội)


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn